Nhận định về nghê, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế ví von linh vật này giống thứ hoa trái lạ trôi dạt trên dòng sông văn hóa rồi đọng lại bên bến bờ Việt. Trải qua hàng ngàn năm cùng sự biến thiên thời cuộc, nghê trở thành một ý niệm biến hóa, trải bày tâm tình, khát khao của cư dân nông nghiệp.
Vệt nối thời đại
Nghê là hình tượng quen thuộc trong văn hóa Việt Nam, danh xưng này đã đi vào lời ăn tiếng nói qua nhiều thế hệ. Theo nghiên cứu của TS Trần Hậu Yên Thế, nghê có nguồn gốc từ khu vực Trung Á, sau truyền vào Trung Quốc rồi du nhập về Việt Nam. Tên gọi “nghê” ẩn chứa dấu ấn tiếp nhận ngôn ngữ, giao thoa văn hóa của các thời kỳ. Nghê đi vào đời sống xã hội trong nhiều hình thái, hiện hữu trên kiến trúc truyền thống, cho thấy nhiều cung bậc biểu đạt thú vị.
Ở Trung Quốc, danh xưng nghê hiện diện tương đối sớm qua sách Nhĩ Nhã, tương truyền do môn đồ của Khổng Tử biên soạn. Trong đó toan nghê được mô tả là linh vật dữ dội, sống ở vùng khô hạn của sa mạc, “ngày đi 500 dặm, ăn cả hổ báo”. Người Trung Hoa về sau “gán” nghê vào thuyết “Long sinh cửu tử”, làm lu mờ gốc tích Trung Á và khiến linh vật này trở thành một trong chín người con của rồng.
Tại nước ta, vết tích xa xưa nhất của nghê tìm thấy vào thời nhà Lý, trên tấm bia đá dựng năm 1070 ở Thanh Hóa. Có thể thấy, đây là thời kỳ Phật giáo phát triển, dung nạp nhiều yếu tố văn hóa. Nghê được coi là sự phóng chiếu của sư tử, chúa tể muôn loài và biểu trưng cho Đức Phật. Nếu trên văn bia thời Lý vẫn còn danh xưng “sư tử nghê”, thì đến thời Trần yếu tố sư tử đã được lược bỏ. Dù vậy, nghê thời Trần vẫn mang nhiều cảm hứng thời Lý với hình dung đầy đặn, thần thái hoan hỷ của linh vật hộ trì Phật pháp.
Sang tới thời Lê, nghê có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ hình tượng sư tử sang loài chó ngao. Nhận định về quá trình này, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho biết kỳ thực nghê và ngao là một nhưng ở giai đoạn này tên gọi nghê không được sử dụng nữa, hình tượng nghê cũng được tạo tác gần với loài chó hơn.
Nghê thời Lê dần trút bỏ lớp ý nghĩa về một linh vật mang Phật tính và được gán nhiều yếu tố liên quan đến phẩm cách nhà Nho. Đó là sự đề cao lòng trung thành, chính trực, bổn phận và đức hạnh. Chỉ đến thời Mạc, khi quyền lực của triều đình suy yếu, nghê mới được trở về dân gian, tiếp tục dung hòa vào dòng chảy chung của Phật giáo.
Qua một nghiên cứu lý thú gần đây, TS Trần Hậu Yên Thế kể lại câu chuyện về đôi nghê chầu trên cổng Khu nhượng địa vào thời Pháp thuộc. Cụ thể, sau Hiệp ước Giáp Tuất (1874), triều đình Huế nhượng cho Pháp một khoảng đất phía Đông - Đông Nam thành Hà Nội để thành lập Khu nhượng địa Đồn Thủy, dải đất tương ứng với khu vực từ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam kéo dài đến Bệnh viện Hữu Nghị ngày nay.
Hình tượng nghê nhà Nguyễn. |
Trong quá trình xây dựng cổng ngăn giữa hai khu, những người chịu trách nhiệm lúc đó đã dựng một đôi nghê khổng lồ trên hai cột trụ biểu. Đến nay, đôi nghê đã mất dấu chỉ còn lưu trong ảnh tư liệu nhưng đó là cặp linh vật có tầm vóc to lớn nhất trong hệ thống kiến trúc thành lũy của người Việt với chiều cao ít nhất từ 1,5 đến 1,8m, đặt trên cột bệ cao 3m.
“Giữa tình thế cắt đất đầy thua thiệt, ông cha ta đã coi đôi nghê khổng lồ như một điểm tựa, có sức chế ngự mang tính tinh thần trước sự xâm lăng của thế lực bên ngoài. Không phải rồng hay phượng, những linh vật tượng trưng cho sức mạnh của triều đình, cha ông ta tìm đến nghê trong thời khắc tuyệt vọng nhất, càng khẳng định linh vật này giữ vị trí nhất định trong tâm thức người Việt”, TS. Trần Hậu Yên Thế diễn giải.
Khóc cười cùng nghê
Bên cạnh hình tượng mạnh mẽ, nghê trong truyền thống cũng được thể hiện đầy đa dạng qua hình ảnh cầm nghiên bút, thổi sáo, đánh đàn… Theo nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật, nghê là biểu tượng mang nhiều tính người nhất trong hệ thống linh vật Việt. Biểu hiện đa dạng của nghê cho thấy khía cạnh hạn chế của bối cảnh sáng tạo nghệ thuật trong thời kỳ bấy giờ, khi con người bị giới hạn khả năng biểu đạt.
Tượng nghê chầu, gốm hoa lam, thế kỷ 17 - 18. |
Có thể thấy người Việt bày tỏ rất nhiều trạng thái cảm xúc trong thi ca, đặc biệt là những cảm xúc mang tính giải phóng như buồn thương, sầu khổ… nhưng đối với mỹ thuật truyền thống, rất hiếm tìm thấy những giọt nước mắt. Lúc này, điều gì khó lại được “đùn đẩy” cho nghê. Trong nhiều cấu kiện kiến trúc truyền thống, nghê nhiều lần hiện lên trong dáng bộ nhăn nhó, mếu máo, khổ đau.
Thậm chí tại đền Vua Đinh (Ninh Bình), nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế đã tìm thấy một đồ án nghệ thuật độc nhất vô nhị. Trên một bức phù điêu cổ xưa, những người nghệ nhân dân gian khắc những giọt nước mắt đang chảy dài từ khóe mắt nghê. Vết tích này chứng minh cho những biểu hiện tinh tế trong nghệ thuật Việt, khúc xạ chiều kích văn hóa - xã hội đương thời.
Hay trong giai thoại đối đáp giữa Nguyễn Công Trứ với Nghè Tân - một người có thực tài nhưng phải chịu cảnh bất đắc trí - vị quan nổi tiếng với cá tính “ngất ngưởng” đã dùng từ “nghề nghê” để chỉ công việc phải chầu trực, ra vào khúm núm nơi cửa quyền. Trong khi đó, giới sĩ phu như Nguyễn Công Trứ luôn hướng đến sự phóng khoáng, dọc ngang trời đất, việc chịu cảnh kiềm tỏa giữa chốn quan trường mang đến nhiều nỗi niềm khó giãi bày.
“Nghê hiện diện trong nhiều nghịch cảnh, có lúc hoạt náo chốn dân gian nhưng cũng có khi ngồi bó mình lặng lẽ nơi công đường. Được coi là linh vật có sức mạnh nhưng phẩm chất vượt trội này của nghê lại thiên về lòng quả cảm, can trường để chịu đựng chứ không phải sự hung hãn mang tính trấn áp hay uy hiếp. Vì vậy, nghê càng phù hợp với tinh thần Nho giáo, khi năng lực và phẩm chất của cá nhân được sử dụng để phụng sự, cống hiến cho triều đình”, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế chiêm nghiệm.
Nghê trong quần thể di tích Nam Định |
Không chỉ biểu trưng cho tầng lớp quan lại nho sĩ, linh vật này cũng trở thành “phép chia hết” cho quảng đại quần chúng trong xã hội phong kiến xưa. Bằng vẻ biến ảo, linh động, nghê khúc xạ một xã hội đa diện có ngôi thứ, già trẻ với những cảnh đời phong phú. Hiện Bảo tàng Nam Định đang lưu giữ một bức tượng nghê độc đáo với hình ảnh “ông nghê” lớn ngồi chầu bên trên và “ông nghê” bé hơn chui phía dưới. Như vậy là có “nghê quan”, “nghê dân” và hình tượng nghê có câu chuyện, có cái hài hước nhưng cũng mang đầy tính thân phận.
Nỗi băn khoăn về biểu tượng Việt
Không chỉ phản ánh, nghê còn là linh vật được lựa chọn để trao gửi những khát vọng sâu xa của dân gian xưa. Một trong những ý nghĩa nổi bật của nghê là truyền tải mong ước dài dòng lớn họ, con cháu đề huề. Linh vật này tượng trưng cho sự phồn thực. Các đồ án nghê trong không gian đình chùa truyền thống đều cho thấy sự đông đúc, lúc nhúc của đại gia đình nhà nghê.
Không chỉ đông con, nghê cũng biểu trưng cho năng lượng tính nam. Hiện vẫn có thể tìm thấy các tượng nghê với bộ phận sinh thực khí rõ nét ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) hay Thái miếu nhà Lê (Thanh Hóa). Điều này trùng với câu ca: “Bốn cửa anh chạm bốn nghê/ Bốn con nghê đực chầu về tổ tông”.
Hàng nghê gỗ tại Thái miếu nhà Hậu Lê (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa). |
Ngoài ra nghê cũng tượng trưng cho niềm vui, sự đỗ đạt qua câu chúc tụng “hỷ khánh đăng nghê” hay phép ví von dân dã “cười như nghê”. Trong không gian thiêng liêng của “ngôi đền tri thức” Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các đồ án nghê xuất hiện dày đặc theo chiều từ ngoài vào trong. Đặc biệt, đôi nghê được dựng trên nóc cột trụ biểu trước tam quan của khu di tích này mang ý nghĩa cho sự soi xét, chính trực và liêm chính. Với dáng vẻ hơi chúc đầu xuống, đôi nghê như đang dò xét, giám sát các sĩ tử qua lại.
Trải qua thiên niên kỷ song hành cùng người Việt, để rồi đứng trước sự biến đổi bối cảnh và đứt gãy văn hóa, nghê dần chìm vào quên lãng, buộc nhường chỗ cho nhiều biểu tượng ngoại lai khác. Cách đây nhiều năm, trong buổi ra mắt cuốn sách “Nghê - gã linh thú bên rìa”, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế từng chia sẻ nỗi băn khoăn: “Với tâm lý xã hội phô trương, truy cứu cầu may và phô diễn quyền lực, liệu người Việt đương thời có tiếp nhận linh vật nhỏ bé, khiêm nhường như nghê?”. Tuy nhiên, đây vẫn là câu hỏi đầy trăn trở mà những người yêu văn hóa truyền thống, mong ngóng sự trở lại của một biểu tượng giàu tính Việt vẫn chưa thể khẳng định.
“Nhiều người cho rằng văn hóa Việt không hướng đến sự kỳ vĩ như các nước đồng văn nhưng chúng ta vẫn có An Nam tứ đại khí, hay ngay như hình tượng nghê ở chùa Bà Tấm (Gia Lâm) được tạo tác vào thời nhà Lý cũng cho thấy sự to lớn, đồ sộ. Tuy nhiên, cần hiểu sự hùng vĩ của văn hóa Việt có thể to lớn nhưng không tạo ra sức uy hiếp. Đó là sự vĩ đại đầy khoan hòa, vô vi của Phật pháp”.
- Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế -
Vũ Bạch Hoa làm điêu khắc, hát và vẽ
Nghệ thuật của Vũ Bạch Hoa, hiện thực và vững chãi như con người và tính cách trầm tĩnh, nói ít làm nhiều.