Triển lãm “Âm & Dương trong điêu khắc đương đại” nằm trong dự án "Kết nối điêu khắc và kiến trúc đương đại". Bên cạnh hoạt động triển lãm, dự án sẽ tổ chức Tọa đàm nghệ thuật “Kết nối điêu khắc và kiến trúc đương đại” nhằm trao đổi, thảo luận về tính ứng dụng mà các tác phẩm điêu khắc có thể mang lại cho không gian sống.
Nhà điêu khắc Trần Văn An và các nghệ sỹ tham gia triển lãm phát biểu tại Lễ khai mạc. Ảnh: Hoàng Toàn |
Triển lãm trưng bày các tác phẩm điêu khắc trừu tượng của sáu nghệ sĩ: Lê Anh Vũ, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Duy Mạnh, Phạm Bảo Sơn, Trần Văn An, Trần Trọng Tri.
Nhà nghiên cứu nghệ thuật, giám tuyển Trần Thu Huyền chia sẻ tại lễ khai mạc Triển lãm. Ảnh: Hoàng Toàn |
“Trong quá trình nghiên cứu về nghệ thuật và điêu khắc, tôi đặc biệt yêu thích điêu khắc trừu tượng. Dõi theo những sáng tác của các nghệ sĩ, tôi cảm nhận được những điểm nhấn, sự tương phản, đối lập nhưng vẫn cân bằng, hài hòa trong các tác phẩm tạo hình. Từ đó, tôi liên hệ đến một điều gì đó có sự đối lập, chuyển hóa nhưng vẫn có sự hài hòa và cân bằng thị giác. Và tôi lựa chọn Âm – Dương làm chủ đề cho triển lãm này.” – Giám tuyển Trần Thu Huyền chia sẻ.
Tác phẩm "Hoa mùa hạ" của nhà điêu khắc Lê Anh Vũ tại không gian triển lãm và những công chúng yêu nghệ thuật đang tham quan triển lãm. Ảnh: Hoàng Toàn |
Âm – Dương đại diện cho văn hóa phương Đông, là hai mặt đối lập, chuyển hóa cho nhau và là gốc cho mọi sự luân chuyển, phát triển.
Sự biến thiên đa dạng của yếu tố âm - dương được các nghệ sỹ chú trọng và đẩy cao qua hình thức thể hiện, phom dáng, tính biểu hiện của vật chất, bề mặt của chất liệu, vật liệu (sắt, thép, đá, gỗ, gốm…) để nó vừa tương phản, đối lập trong tạo hình, nhưng vẫn rất tinh tế để chuyển đổi trong không gian.
Yếu tố âm – dương có thể được biểu hiện qua cấu trúc, trạng thái tĩnh – động của tác phẩm, có thể sử dụng tính chất đối lập của vật liệu, hình dạng để suy tư về những giới hạn hoặc có khi là ở cảm thức về quá khứ, hiện tại trong sự ẩn hiện, tiếp nối, xoay vòng.
Công chúng yêu nghệ thuật chiêm ngưỡng tác phẩm "Nở hoa" của nhà điêu khắc Trần Văn An. Sự phân mảng sắt, các mối hàn nổi và phát triển của hình khối trong không gian là đặc điểm nổi bật trong các tác phẩm của nghệ sỹ. Sắt từ lì lợm, lạnh lùng trở nên biến hóa, bay bổng và đầy tính duy mỹ. Ảnh: Hoàng Toàn |
Ngôn ngữ điêu khắc đương đại đầy cô đọng, cảm xúc, thể hiện những ý niệm, góc nhìn, cách thức thực hành nghệ thuật khác nhau của mỗi nghệ sỹ; kết hợp nghệ thuật sắp đặt, chiếu sáng, tạo sự liên kết giữa các tác phẩm đã tạo nên một không gian triển lãm đầy ấn tượng và thu hút.
Tác phẩm "Xoay vần" - Nhà điêu khắc Phạm Bảo Sơn - kích thước 45x45x50 cm, chất liệu sắt. Ở "Xoay vần", nhà điêu khắc tạo một cấu trúc lõi dạng thanh bên trong để những mặt phẳng ôm cuộn lấy lõi, khiến dải sắt cứng lì lợm trở nên tình cảm lạ thường theo cách của nó. Ảnh: Hoàng Toàn |
Tác phẩm "Kén 06" - Nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm - kích thước 115x26x26 cm, chất liệu kim loại, gỗ. Kén là sự kết hợp giữa những yếu tố tương phản của vật liệu đặc và rỗng, tính tự nhiên và nhân tạo, cấu trúc bề mặt phẳng, thô và dạng mạng lưới mỏng trơn, tạo nên không gian bên trong, bên ngoài vừa phân biệt nhưng cũng chan hòa. Kén - lõi đồng hiện trong dạng thức đối lập, được phóng to làm nổi bật trước tiên tính thẩm mỹ của tác phẩm. Tiếp đó, đem đến nhiều ý niệm về trạng thái phát triển của những thứ nhỏ bé quanh con người mà chúng ta đang vô tình bỏ qua. Ảnh: Hoàng Toàn |
Tác phẩm "Nơi cùng trời cuối đất 2" - nhà điêu khắc Trần Trọng Tri - kích thước 72x33x19 cm, chất liệu đồng, inox. Tác phẩm được khai thác tạo hình trừu tượng và mang ý niệm về giới hạn hay những đối cực. Có thể đó là những giới hạn của tồn tại, của tình yêu, hy vọng, sức chịu đựng hay mọi giới hạn về không gian, thời gian... mà mỗi chúng ta sẽ chiêm nghiệm cho riêng mình. Sự chau chuốt và hoàn thiện ở bề mặt trong cách kết hợp tinh tế giữa hai chất liệu đồng và inox ở tác phẩm này cũng là đặc trưng trong các sáng tác của Trần Trọng Tri. Ảnh: Hoàng Toàn |
Tác phẩm “Con đường” của nhà điêu khắc Phạm Bảo Sơn - kích thước 50x50x110 cm, chất liệu inox. Ảnh: Hoàng Toàn |
Tác phẩm "Hoa trên thớ đất" của nhà điêu khắc Nguyễn Duy Mạnh là tác phẩm đặc biệt, được làm từ đống gốm vụn của các tác phẩm vỡ trước đó mà anh gom lại khi không còn đất để sáng tác trong thời gian giãn cách. Trong quá trình thao tác, những hoa văn hiện lên bên trong thớ đất được nhào nặn một cách vô thức đã dẫn dắt tư duy, đem đến cho nghệ sỹ nhiều cảm xúc, tiếp nối những trăn trở về dòng chảy văn hóa Việt gắn liền với địa lý và những thay đổi của vật chất, tinh thần. "Hoa trong thớ đất" gồm nhiều module độc lập như những "vật chất" trôi nổi khi hội tụ khi thì tách rời. Nó đa nghĩa trong sự hòa trộn của vật chất có linh hồn và ký hiệu của văn hóa. Bộ tác phẩm khác biệt, tiếp tục cho tư duy sáng tác đa dạng, độc đáo và luôn phát triển của nghệ sỹ Nguyễn Duy Mạnh. Ảnh: Hoàng Toàn |
Thế giới qua ảnh: Lũ lụt ở Ấn Độ và Pakistan, một tác phẩm điêu khắc mang tính biểu tượng ở Syria
Lũ lụt ở Ấn Độ và Pakistan, một tác phẩm điêu khắc mang tính biểu tượng ở Syria và các cuộc biểu tình ở Moscow, Hồng Kông và Khartoum.