Mỹ tiến hành thử nghiệm vắc xin ngừa virus Covid-19

Việc thử nghiệm ở Seattle diễn ra sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch vì tốc độ lây lan nhanh trên thế giới.

Mới đây, 4 trong 45 tình nguyện viên tại Mỹ đã được tiêm mũi vắc xin thử nghiệm đầu tiên để phòng ngừa virus corona chủng mới. Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cho biết, những người tham gia đầu tiên sẽ được tiếp nhận vắc xin trong ngày 16/3. Tên vắc xin này là mRNA-1273.

Đây là cuộc thử nghiệm sản phẩm từ nghiên cứu của NIH phối hợp cùng hãng công nghệ sinh học Moderna (đặt tại Cambridge, bang Massachusetts) với sự tham gia của 45 tình nguyên viên là người trong độ tuổi từ 18 - 55, sức khỏe hoàn toàn bình thường, thời gian thử nghiệm là 6 tuần. Theo ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm thuộc NIH, đây là kỷ lục về thời gian điều chế vắc xin để thử nghiệm.

Jennifer Haller (trái) là một trong 45 tình nguyện viên tham gia giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng này. 
Jennifer Haller (trái) là một trong 45 tình nguyện viên tham gia giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng này. 

"Tìm được vắc xin an toàn và hiệu quả để phòng virus SARS-CoV-2 là ưu tiên hàng đầu của y tế cộng đồng. Giai đoạn thử nghiệm lâm sàng này đã được thực hiện trong thời gian ngắn kỷ lục. Đây là bước tiến quan trọng để hướng đến mục tiêu như tôi nói ở trên là tìm ra vắc xin an toàn và hiệu quả", ông Anthony nói. 

Huffington Post cho biết những người thử nghiệm còn phải trải qua các giai đoạn đánh giá khác để xác thực về tính hiệu quả cũng như an toàn cho người sử dụng. Mỹ cho rằng, vắc xin này phải mất 12 - 18 tháng để sản xuất đại trà cho mọi người nếu như các thỏa thuận đều ổn thỏa. Đơn vị hỗ trợ tài chính cho cuộc thử nghiệm là Liên minh Sáng kiến phòng chống dịch bệnh (CEPI) 

Trước đó, Công ty Moderna cũng đã gửi lô vắc xin phòng virus corona chủng mới đầu tiên đến Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID). Theo đó, các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng hai liều văcxin mRNA-1273 lên các tình nguyện viên, mũi tiêm sẽ là ngày 1 và ngày thứ 29 để xem có tạo ra phản ứng miễn dịch với virus này không. Một số người sẽ được tiêm liều cao hơn những người khác để kiểm tra mức độ của phản ứng miễn dịch mà cơ thể tạo ra.

Các tình nguyện viên được theo dõi liên tục trong vòng 12 tháng từ ngày tiêm lần thứ 2. Trang Clinictrials.gov của Chính phủ Mỹ nhấn mạnh, đây là giai đoạn 1 trong quá trình sản xuất và tung vắc xin ra thị trường.

Ông Anthony Fauci chia sẻ với đài CNN, có thể đẩy nhanh quá trình phê duyệt sản xuất vắc xin nếu thử nghiệm thành công tuy nhiên việc xin giấy phép cho mRNA-1273 có thể mất tới 1 năm, thậm chí 1 năm rưỡi. 

Thanh Mai

Không tiêm vắc xin, kháng thể trong máu trẻ giảm mạnh vì mắc sởi

Không tiêm vắc xin, kháng thể trong máu trẻ giảm mạnh vì mắc sởi

Tạp chí Science đã công bố kết quả nghiên cứu: Nhiễm virus sởi làm giảm các kháng thể trong máu, giảm khả năng phòng vệ của hệ thống miễn dịch