Khu phố người Hoa ở thủ đô Solomon bị đốt phá, nguyên nhân đến từ đâu?

Bạo lực đã thuyên giảm vào thứ Sáu (26/11) tại thủ đô Solomon nhưng chính phủ của nước này vẫn chưa đưa ra giải pháp giải quyết nguyên nhân gây ra bạo loạn trong hai ngày qua, bao gồm cả những lo ngại về mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa quốc gia này với Trung Quốc.

Thủ tướng Manasseh Sogavare đã tìm cách làm chệch hướng sự chú ý khỏi các vấn đề trong nước bằng cách đổ lỗi cho sự can thiệp từ bên ngoài, trong đó có Đài Loan và Hoa Kỳ.

5.jpeg
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare duyệt đội danh dự trong một buổi lễ tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 9/10/2019. Thủ tướng Quần đảo Solomon Sogavare đã đổ lỗi cho nước ngoài tác động vào người biểu tình sau khi Chính phủ của ông quyết định chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Bắc Kinh . (Ảnh AP/Mark Schiefelbein)

Áp lực bên ngoài là một ảnh hưởng “rất lớn ... Tôi không muốn đặt tên. Chúng tôi sẽ để nó ở đó”, Sogavare nói.

Đã xảy ra tình trạng cướp bóc tại khu phố người Hoa nằm ở thủ đô Honiara và các vùng phụ cận.

Những người biểu tình yêu cầu Thủ tướng Sogavare, người đã liên tục giữ chức thủ tướng kể từ năm 2000.

1.jpeg
Một tòa nhà ở Khu phố người Hoa (Honiara) bị đốt cháy vào hôm thứ Sáu (26/11). Bạo lực đã thuyên giảm ở thủ nhưng chính phủ không có dấu hiệu cố gắng giải quyết những bất đồng cơ bản, là nguyên nhân gây bạo loạn trong 2 ngày qua, bao gồm những lo ngại về mối liên kết ngày càng tăng của nước này với Trung Quốc. (Ảnh AP / Piringi Charley)

Ông Sogavare bị chỉ trích bởi các nhà lãnh đạo của hòn đảo đông dân nhất quần đào Solomon là Malaita sau khi ông này quyết định từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan để chuyển sang Trung Quốc đại lục vào năm 2019.

Nguyên do được cho là Mỹ đã chuyển hàng triệu USD viện trợ thẳng cho Malaita thay vì thông qua chính phủ trung ương và điều này khiến ông Sogavare không hài lòng.

3.jpeg
Các mảnh vỡ nằm bên ngoài các cửa hàng bị tấn công ở Khu phố người Hoa tại thủ đô Haniara hôm 26/11. 

Jonathan Pryke, Giám đốc chương trình Quần đảo Thái Bình Dương của Viện Lowy có trụ sở tại Sydney cho biết, những vấn đề đó chỉ là vấn đề mới nhất trong nhiều thập kỷ cạnh tranh giữa Malaita và Guadalcanal, nơi có thủ đô Honiara.

“Hầu hết các nguyên nhân dẫn đến căng thẳng đều ở trong nước trong nhiều thập kỷ và nhiều thế hệ. Phần lớn nó sinh ra từ sự nghèo đói, cơ hội phát triển kinh tế hạn chế, sự cạnh tranh giữa các sắc tộc và giữa các đảo với nhau, đặc biệt là giữa hai hòn đảo đông dân nhất”, ông Pryke nhận định.

9.jpeg
Cảnh sát chặn đườngmột con đường vào Thủ đô Honiara vào hôm thứ Sáu (26/11).

Quần đảo Solomon có dân số khoảng 700.000 người, nằm cách Australia khoảng 1.500 km về phía Đông Bắc. Trên bình diện quốc tế, đảo quốc này có lẽ vẫn được biết đến nhiều nhất với cuộc giao tranh đẫm máu diễn ra trong Thế chiến thứ hai giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Bạo loạn và cướp bóc nổ ra hôm thứ Tư (24/11) sau một cuộc biểu tình ôn hòa ở Honiara. Những người biểu tình chủ yếu đến từ đảo Malaita. Tuy nhiên, sau đó cảnh sát đã bắn hơi cay và đạn cao su vào người biểu tình khiến những người này nổi giận, phóng hỏa Tòa nhà Quốc hội, một đồn cảnh sát và nhiều tòa nhà khác.

12.jpeg
Bức ảnh do Bộ Quốc phòng Australia công bố cho thấy, các thành viên Hoạt động Đặc biệt của Cảnh sát Liên bang Australia chuẩn bị rời Canberra đến Quần đảo Solomon vào hôm 25/11. Australia cho biết, họ đang cử cảnh sát, quân đội và các nhà ngoại giao đến Quần đảo Solomon để giúp đỡ sau khi những người biểu tình chống chính phủ bất chấp lệnh lệnh cấm vẫn xuống đường trong ngày thứ hai liên tiếp. (LACW Jacqueline Forrester / Bộ Quốc phòng Úc qua AP)

Những người chỉ trích đổ lỗi cho tình trạng bất ổn hiện tại là do thiếu các dịch vụ của chính phủ, tình trạng tham nhũng và các doanh nghiệp Trung Quốc giao việc cho người nước ngoài thay vì người dân địa phương.

Kể từ khi chuyển mối quan hệ ngoại giao chính thức từ Đài Loan sang Trung Quốc vào năm 2019, Solomon đã kỳ vọng về sự đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ từ Bắc Kinh - được đồn đoán là vào khoảng 500 triệu USD - nhưng đại dịch COVID-19 bùng phát cùng một số vấn đề khác khiến điều đó vẫn chưa thành hiện thực.

11.jpeg
Bức ảnh do Bộ Quốc phòng Australia công bố cho thấy các thành viên Hoạt động Đặc biệt của Cảnh sát Liên bang chuẩn bị rời Canberra đến Quần đảo Solomon trên một máy bay phản lực của Không quân Hoàng gia vào hôm 25/11. 

Người dân đảo Malaita đe dọa tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc hòn đảo này trở thành quốc gia độc lập, tuy nhiên, điều đó đã bị chính phủ của TT Sogavare không đồng ý.

TT Sogavare cho biết hôm thứ Sáu rằng, ông chịu trách nhiệm trước quyết định của chính phủ trong việc chuyển quan hệ sang Bắc Kinh, điều mà ông mô tả là "vấn đề duy nhất".

“Tôi sẽ không cúi đầu trước bất kỳ ai. Chúng tôi còn nguyên vẹn, chính phủ còn nguyên vẹn và chúng tôi sẽ bảo vệ nền dân chủ”, ông nói.

Tuy nhiên, hơn cả những lo ngại về địa chính trị, Pryke cho biết, các cuộc biểu tình thực sự xuất phát từ sự thất vọng của phần lớn dân số, đặc biệt là những người trẻ vì họ cho rằng mình thiếu cơ hộ làm ăn và chính quyền chỉ tập trung của cải để phát triển hòn đảo thủ đô.

14.jpeg
Các binh sĩ Úc đứng bên ngoài sân bay ở Honiara, Quần đảo Solomon vào hôm nay (27/11). 

“Tôi đảm bảo với bạn rằng, phần lớn những người liên quan đến bạo loạn và cướp bóc không thể chỉ ra đâu là Trung Quốc hoặc Đài Loan trên bản đồ. Họ ở đó – đi biểu tình- vì họ bị hạn chế cơ hội phát triển kinh tế. Đó là một quốc gia rất nghèo với tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao”, ông nói.

Andrew Yang, Giáo sư tại Đại học Tôn Trung Sơn quốc gia Đài Loan và là cựu Thứ trưởng quốc phòng, cho biết, nỗ lực của Trung Quốc để giành được sự công nhận ngoại giao từ chính quyền Quần đảo Solomon là một phần của cuộc cạnh tranh giành ưu thế trong khu vực.

“Tôi nghĩ, đó là một phần của cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vì Trung Quốc cũng đang mở rộng ảnh hưởng của mình sang khu vực Thái Bình Dương. Họ đang tận dụng cơ hội này để thỏa hiệp với cái gọi là chiến lược an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Các quốc đảo ở khu vực Nam Thái Bình Dương là một phần cực kỳ quan trọng trong chiếc ô an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ”, ông nói.

Một chiếc máy bay chở cảnh sát và các nhà ngoại giao Australia đã đến Honiara vào cuối ngày thứ Năm để giúp cảnh sát địa phương lập lại trật tự.

Hơn 50 cảnh sát Australia cùng 43 nhân viên lực lượng quốc phòng cùng với tàu tuần tra của Hải quân dự kiến ​​sẽ đến sau đó 1 ngày theo yêu cầu của TT Sogavare.

Australia đã hỗ trợ Quần đảo Solomon nhiều lần trong quá khứ, trong đó có cuộc bạo loạn liên quan đến sắc tộc vào năm 2003. Lực lượng quân đội và cảnh sát quốc tế do Australia đứng đầu được gọi là Phái bộ Hỗ trợ Khu vực tới Quần đảo Solomon đã giúp khôi phục hòa bình và rời đi vào năm 2017.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne, các nhân viên của quốc gia này dự kiến ​​sẽ có mặt tại Solomon trong "một vài tuần" tới.

Bà Payne nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng, không có dấu hiệu cho thấy các quốc gia khác đã khuấy động tình hình bất ổn.

4.jpeg
Thủ tướng Solomon cầm quyền từ năm 2000 đến nay.

Australia cho biết không hỗ trợ bảo vệ Nghị viện Quốc gia và các tòa nhà hành pháp, một dấu hiệu cho thấy nước này không đứng về các nhóm phe chính trị.

“Chúng tôi đã rất rõ ràng. Quan điểm của chúng tôi là chúng tôi không muốn thấy bạo lực. Chúng tôi rất hy vọng vào sự ổn định trở lại”, bà Payne nói.

Nhà báo địa phương Gina Kekea cho biết, việc chuyển đổi chính sách đối ngoại sang Bắc Kinh với ít sự tham vấn từ cộng đồng là một trong những vấn đề dẫn đến các cuộc biểu tình. Cũng có những phàn nàn rằng, các công ty nước ngoài không cung cấp việc làm cho địa phương.

Kekea cho biết, những người biểu tình đã bị thay thế bởi những kẻ cướp bóc và hôi của vào thứ Sáu tại Khu phố người Hoa.

Thủ tướng Australia Scott Morrison đặt câu hỏi liệu các công dân và doanh nghiệp Trung Quốc có bị nhắm làm mục tiêu hay không. Ông mô tả tình trạng bất ổn là "một câu chuyện hỗn hợp" và lưu ý rằng Khu phố người Hoa cũng là hiện trường của bạo loạn trước khi Australia can thiệp vào năm 2003.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian hôm thứ Sáu đã lên án bạo lực và nhấn mạnh sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với chính quyền Quần đảo Solomon. Ông cho biết, Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp để bảo vệ sự an toàn, quyền của người dân và quyền của các tổ chức Trung Quốc ở nước này.

Ông nói: “Chúng tôi tin rằng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Sogavare, chính phủ Solomon có thể lập lại trật tự và ổn định tình hình nội bộ trong thời gian sớm nhất”.

Việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh “đã giành được sự ủng hộ chân thành của người dân” và “bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá hoại sự phát triển bình thường của quan hệ Trung Quốc-Solomon đều vô ích”, Zhao nói.

NGUYỄN MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương