Mỹ tiếp tục phản đối Trung Quốc về Biển Đông

Ngày 23/4, trong cuộc họp trực tuyến của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo với các nhà đồng cấp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để thảo luận về dịch COVID-19, ông Pompeo cáo buộc rằng Trung Quốc đang lợi dụng việc thế giới bận tâm xử lý dịch COVID-19 để thúc đẩy các tham vọng chủ quyền ở Biển Đông.

Tuyên bố chủ quyền bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông chồng lấn với các tuyên bố chủ quyền của các nước thành viên ASEAN như Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Indonesia, và vấp phải sự phản đối của Mỹ- quốc gia đang tích cực thể hiện sự hiện diện hải quân ở Thái Bình Dương.

Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR) ngày 23/4, sự lây lan nhanh chóng của COVID-19 ở khu vực Đông Nam Á, nơi dịch bệnh gần đây ảnh hưởng nặng nề đến Indonesia, Malaysia và Philippines (cũng như các quốc gia khác trong khu vực như Singapore), vẫn không ngăn cản được cuộc chạy đua ở Biển Đông.

Thực tế, trong khi tiến hành trao viện trợ cho các nước Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và rất nhiều quốc gia khác, Bắc Kinh được cho là đã gia tăng áp lực đối với các quốc gia khác có yêu sách ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Trung Quốc đã phái tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 tới ngoài khơi Malaysia và theo dõi sát sao một con tàu của Malaysia đang thăm dò cho tập đoàn dầu khí khổng lồ Petronas ở vùng biển gần với các khu vực do cả Malaysia và Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Ít nhất, Bắc Kinh có thể muốn chứng minh rằng đại dịch COVID-19 đã không làm mất đi khả năng tác chiến của các lực lượng không quân, hải quân, bảo vệ bờ biển đang ngày càng lớn mạnh của họ.

Bên ngoài khu vực Biển Đông, Bắc Kinh dường như cũng muốn diễu võ giương oai. Trong những tháng gần đây, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bay sát tới không phận Đài Loan, buộc các lực lượng của Đài Loan phải ngăn chặn. 

Theo đánh giá của nhà bình luận Richard Heydarian trên asiatimes.com, rất nhiều nhà lãnh đạo quân sự và dân sự ở Đông Nam Á về cơ bản không có năng lực, ốm yếu hay tự cách ly, khiến các quốc gia như Philippines- vốn đang nghiêng về Bắc Kinh và có rất ít khả năng để bảo vệ các yêu sách ở Biển Đông- thậm chí có ít khả năng hơn để tự bảo vệ mình. (Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Felimon Santos Jr đã được chẩn đoán mắc COVID-19).

Thậm chí nếu như bản thân các nhà lãnh đạo Đông Nam Á không bị cách ly, rất nhiều quan chức quân đội cấp cao và các nhà lãnh đạo dân sự đang tập trung chống dịch COVID-19 cũng sẽ bị, tạo ra một sự phân tâm trở thành cơ hội tiềm năng đối với Trung Quốc.

Ông Pompeo khẳng định: “Bắc Kinh đã tìm cách tận dụng sự phân tâm hiện nay, từ việc đơn phương tuyên bố thành lập các quận hành chính mới ở các đảo và vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, tới việc đâm chìm tàu cá Việt Nam hồi đầu tháng này và thiết lập các trạm nghiên cứu trên Đá Chữ thập và Đá Subi”.

Ông cũng cáo buộc Trung Quốc triển khai các tàu quân sự tới hăm dọa các nước tranh chấp khác đang phát triển các dự án dầu khí ngoài khơi. Ông Pompeo cũng kêu gọi Trung Quốc đóng cửa các khu chợ bán động vật hoang dã.

Nhiều người cho rằng virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) bắt nguồn từ một khu chợ ẩm ướt bán động vật hoang dã ở Vũ Hán (Trung Quốc) dù Bắc Kinh và Washington đang đổ lỗi cho nhau gây ra đại dịch này.

Theo ông Pompeo, Mỹ cũng quan ngại về nghiên cứu khoa học mới đây cho thấy hoạt động của các con đập của Bắc Kinh ở thượng lưu sông Mekong đã đơn phương làm thay đổi dòng chảy của sông Mekong, đe dọa sinh kế của hàng chục triệu người ở hạ lưu sông tại Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. 

Trong một diễn biến khác, ngày 24/4, quân đội Đài Loan và Mỹ cho biết một tàu chiến Mỹ vừa đi qua eo biển Đài loan, lần thứ 2 trong vòng một tháng giữa lúc căng thẳng leo thang giữa Đài Loan và Trung Quốc và trong bối cảnh một tàu sân bay Trung Quốc vừa đi qua hòn đảo này.

Trung Quốc, vốn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ, đã tức giận khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường hỗ trợ hòn đảo này, như việc bán thêm nhiều vũ khí, tiến hành các cuộc tuần tra gần Đài Loan và việc Phó tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (William Lai) tới Mỹ hồi tháng 2 vừa qua.

Cơ quan Quốc phòng Đài Loan cho hay tàu chiến nói trên của Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan ngăn cách hòn đảo này với Trung Quốc, theo hướng xuôi xuống phía Nam và sau đó tiếp tục di chuyển theo hướng Nam.

Cơ quan này cho biết lực lượng vũ trang Đài Loan đã theo dõi con tàu này, được mô tả là đang trong một "nhiệm vụ thông thường", song không tiết lộ thêm thông tin. Trung úy Anthony Junco, phát ngôn viên Hạm đội 7 của Mỹ, cho biết chiến hạm đó là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry và nó đã “đi qua eo biển Đài Loan” theo quy định của luật pháp quốc tế.

Ông nói: “Con tàu đi qua eo biển Đài Loan để chứng minh cam kết của Mỹ về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục các chuyến bay, tuần tra và hoạt động ở khắp mọi nơi luật quốc tế cho phép”.

Hai tuần trước, tàu USS Barry cũng đi qua eo biển này, vào cùng ngày các máy bay tiêm kích Trung Quốc diễn tập tại vùng biển gần Đài Loan. Hôm 23/4, Đài Loan cho biết một nhóm tàu sân bay của Trung Quốc đã đi xuống phía Nam của Đài Loan thông qua kênh Bashi, nằm giữa Đài Loan và Philippines, sau đó hướng sang phía Đông.

Trước đó trong tháng này, nhóm tàu nói trên cũng đi gần bờ biển phía Đông của Đài Loan. Vào thời điểm đó Trung Quốc nói rằng nhóm tàu đang trên đường tới cuộc tập trận thường kỳ ở vùng Biển Đông tranh chấp.

(Nguồn: TTXVN)

CHẤN HƯNG (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương