Sau nửa năm bị đề nghị xử phạt sai phạm, công trình Panorama Mã Pì Lèng vẫn tồn tại

Cho đến thời điểm hiện tại sở ngành của tỉnh Hà Giang cũng như huyện Mèo Vạc vẫn chưa hề xử lý công trình Panorama Mã Pì Lèng.

Tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama gồm 7 tầng, có diện tích xây dựng 226 m2, diện tích sàn gần 500 m2 và gần 80 m2 sàn ngắm cảnh bằng khung thép vươn ra phía sông Nho Quế được khởi công từ năm 2018 và đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Công trình Panorama đã sai phạm trong trật tự xây dựng và bị đánh giá là hủy hoại cảnh quan của thắng cảnh Mã Pì Lèng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. 

Trong báo cáo của Sở Xây dựng Hà Giang, khi tiến hành kiểm tra và yêu cầu giấy tờ chứng liên quan đến công trình này, chủ đầu tư mới chỉ đưa ra được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm chứ chưa chuyển đổi mục đích sang đất xây dựng. Bản vẽ thiết kế của công trình này cũng chưa qua thẩm định, đồng nghĩa công trình xây dựng trái phép.

Công trình nhà hàng - nhà nghỉ Mã Pì Lèng Panorama (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang).
Công trình nhà hàng - nhà nghỉ Mã Pì Lèng Panorama (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang).

Tháng 10/2019,  Sở này đề xuất 6 tầng giật cấp bị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh, thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15/11. Như vậy, đề xuất của các sở ngành vẫn cho phép chủ nhà giữ lại một phần công trình tức là quán cafe.  

Tuy nhiên, dù đã nửa năm trôi qua, sau nhiều công văn qua lại và nhiều cuộc họp bàn xử lý nhưng hiện giờ Panorama Mã Pì Lèng vẫn tồn tại như chưa có chuyện gì xảy ra. Về phần nhà nghỉ Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (tỉnh Hà Giang) đã hoạt động trở lại từ tháng 12 sau hơn 2 tháng đóng cửa. Du khách đến nhà nghỉ vẫn thể sử dụng các dịch vụ tại khu này.

Trước đó trong công văn do Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ký ngày 14/10/2019, Bộ VHTTDL cho biết công trình này được xây dựng ngoài khu bảo vệ II của danh danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng nhưng lại nằm trong công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO ghi danh, thuộc vùng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Trong công văn nêu rõ việc hạn chế xây dựng mới, chỉ xây dựng các công trình an ninh quốc phòng, thiết yếu, phục vụ du lịch, độ cao từ 1 – 3 tầng.

Công trình Panorama Mã Pì Lèng có khả năng ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên và môi trường, vì vậy cần phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ở đây cụ thể là Bộ VHTTDL.

Bộ VHTTDL khẳng định công trình không thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh công viên cao nguyên đá Đồng Văn. Nhưng cho đến nay, công trình đã quay trở lại hoạt động bình thường thậm chí là vẫn đón khách du lịch đến tham quan, ở lại.

Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh-Địa tầng Việt Nam cho rằng, vị trí của Panorama Mã Pì Lèng là trung tâm, mang giá trị văn hóa cảnh quan của cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở giữa sông Nho Quế. Vì vậy việc xử lý các công trình xây dựng sai phạm tại khu này là cần thiết, nhằm mục đích bảo vệ nghiêm ngặt vùng lõi của công viên địa chất toàn cầu gồm cả địa bàn hai huyện Đồng Văn, Mèo Vạc.

KTS. Nguyễn Việt Huy, TS. Quy hoạch đô thị Đại học Paris Pantheon nêu quan điểm nên đập đi xây lại toàn bộ, trả lại nguyên hiện trạng ban đầu. Cho dù biến thành điểm dừng chân vẫn chưa có cơ sở nào thuyết phục là cần thiết. Panorama Mã Pì Lèng là một ví dụ điển hình cho việc quản lý xây dựng quy hoạch, đầu tư cho việc bảo tồn các không gian thiên nhiên.

Ông Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia cho rằng, có khá nhiều công trình vẫn ngang nhiên tồn tại như Panorama Mã Pì Lèng, các công trình tại khu di tích Tràng An dù sai phạm. Trong khi đó, theo Luật, vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực văn hóa có thể bị tù giam giữ tới 20 năm, vì vậy việc này cần phải xem xét và xử lý nghiêm minh hơn.

Thanh Mai

Đà Nẵng cưỡng chế công trình vi phạm ở Mường Thanh, ông Thản vẫn chưa xuất hiện

Đà Nẵng cưỡng chế công trình vi phạm ở Mường Thanh, ông Thản vẫn chưa xuất hiện

Người dân tỏ ra rất bức xúc vì trong nhiều ngày qua vẫn chưa gặp được ông Nguyễn Thanh Thản, chủ đầu tư.