Thu và ngôn tình

Văn chương của Võ Hồng Thu tất cả đều xoay quanh chuyện yêu đương. Ngôn tình thực sự là ngôn tình. Yêu là yêu, và yêu nhau thì làm tình.

Với "Gáy mảnh hững hờ", tập truyện ngắn mới nhất ra đời vào tháng 6/2020, Võ Hồng Thu chính thức trở thành nữ văn sĩ hiếm hoi của Việt Nam chuyên viết truyện ngôn tình. Hay nói khác đi, chuyên viết những chuyện yêu đương nam nữ lãng mạn, và cuối cùng “Tình yêu nào thì cũng dẫn đến cái giường” (như Thu viết trong một truyện ngắn có tên "Đối thoại của hai cái giường"), nghĩa là một thứ văn chương mang tính dục.

"Gáy mảnh hững hờ", tên một truyện ngắn trong tập, cũng là tên cả tập sách là một câu văn mang tính dục, nó có thể ít trực tiếp và ít mạnh mẽ hơn "Môi đưa bão về" - (tên tập truyện ngắn khác của Võ Hồng Thu xuất bản năm 2013), nhưng nó thực sự khêu gợi: “Tại sao lại là gáy mà không phải là ngực? Nhân vật của Thu tự hỏi và tự giải đáp: “Gáy đàn bà là nơi đặc biệt gợi cảm, nó gây cho đàn ông cảm giác vừa quyến rũ vừa an toàn…”. Ở một giai đoạn chín chắn hơn, sự gợi cảm ở người đàn bà cũng được nhìn bằng con mắt khác.

Tập truyện
Tập truyện "Gáy mảnh hững hờ" của Võ Hồng Thu.

Nhưng Võ Hồng Thu thật ra không thay đổi nhiều lắm. Hơn mười năm viết văn bên cạnh nghề làm báo, Thu “Người đẹp” (tên tạp chí Thu đã làm từ khi còn là phóng viên báo Tiền Phong) vẫn là người đàn bà yêu và viết ra những câu chuyện về tình yêu. Chính xác hơn là người đàn bà yêu viết về những người đàn bà khác đang yêu, nồng nàn, dâng hiến, đau khổ… với rất nhiều sắc thái.

Cũng phải thấy, việc chọn cho mình một con đường để dấn thân trong văn chương, con đường viết ngôn tình, dù lúc đầu có thể hoàn toàn không cố ý, vẫn là một cách độc đáo và dũng cảm. Độc đáo có thể còn tùy thuộc vào cách viết, nhưng dũng cảm thì chắc chắn là dũng cảm!

Cho đến giờ, văn chương liên quan đến tình dục, ngắn gọn là liên quan giường chiếu ở nước ta chưa từng được công khai! Chuyện ấy - luôn được dùng từ ám chỉ như vậy - thường thì tồn tại dưới dạng chuyện cười, hoặc xa gần bóng gió. Động đến chuyện ấy, người ta làm như dễ bị đỏ mặt. Những phụ nữ cho rằng mình đoan trang cảm thấy bị xúc phạm. Những đàn ông cho rằng mình đạo đức cảm thấy bất bình vì xã hội suy thoái…Thói quen xưa nay của cả xã hội là tránh né khi nói nghiêm túc nhưng sẵn sàng cợt nhả bông lơn theo cách mọi thứ trên đời đều là chuyện ngủ nghê làm tình.

Võ Hồng Thu đi con đường khác. Không giống một số cây bút nữ đôi khi viết những chuyện yêu đương bạo liệt táo tợn. Không sa vào việc miêu tả chi tiết quá kỹ lưỡng và khêu gợi. Chuyện giường chiếu của Thu đủ nhã để không khiến ai đỏ mặt. Nhưng đủ chân thành để nói về chính nó chứ không phải một điều gì khác. Là câu chuyện của thân xác trong một cuộc tình. Có đến 90% chuyện Thu kể là như vậy. Văn chương của Thu tất cả đều chỉ xoay quanh chuyện yêu đương. Ngôn tình thật sự là ngôn tình. Yêu là yêu, và yêu nhau thì làm tình.

Nhà văn, nhà báo Võ Hồng Thu.
Nhà văn, nhà báo Võ Hồng Thu.

Ngôn tình là một thể loại văn chương thu hút nhiều độc giả. Cơ bản trên đời ai cũng có một giấc mơ tình yêu, kéo dài hoặc đứt đoạn, hoặc luôn thay đổi, nhưng giấc mơ ấy cần được nuôi nấng bằng những dưỡng chất không thể thiếu, như là một bóng hình nào đó, một bản nhạc, một cuốn phim, một kỷ niệm…, và truyện ngôn tình. Nên Võ Hồng Thu có thể tin chắc vào một lớp độc giả khá đông đảo của mình. Những người đàn bà thành thị với một cõi nhân sinh bé nhỏ, cố gắng vượt qua tẻ nhạt của cuộc sống bên bàn giấy bằng cách níu kéo những điều lãng mạn nhỏ nhặt trong cuộc sống, một chút mê đắm để tin trái tim mình còn có thể "Chạm vào hạnh phúc" (tên một truyện ngắn trong tập).

"Gáy mảnh hững hờ" có trên 50 truyện (không biết tác giả có nghĩ đến "50 sắc thái" của E.L. James, bộ thiểu thuyết ba tập được coi là khiêu dâm xuất hiện cách đây gần 10 năm và gây ra một cơn sốt nhè nhẹ trong giới đọc sách). Nhưng 50 truyện trong sách có khá phong phú với nhiều sắc thái tình cảm, những trạng thái tâm lý mà tác giả đưa vào từ cuộc sống của mình qua những quan sát tinh tế và tỷ mỷ.

Võ Hồng Thu có thời gian liên tục trong hơn hai năm viết cho tờ Tinh hoa Việt mỗi tháng 2 truyện ngắn. Những truyện trong tập này được viết ra như vậy, với giới hạn thời gian và số chữ, nên ít nhiều có những hạn chế. Bố cục bị thu hẹp đến tối giản, nhân vật không có không gian để thể hiện tính cách. Vậy nên trong nhiều truyện, lời kể của tác giả khi thay thế cho nhân vật này hoặc nhân vật kia, quyết định hết thảy diễn biến câu chuyện. Rất may, tác giả- như ngoài đời- có lối kể chuyện mềm mại, duyên dáng và hoạt bát.

"Gáy mảnh hững hờ" (sách do Nhà xuất bản văn học và Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Liên Việt xuất bản) là một cuốn sách đáng đọc bởi chính lối kể chuyện ấy. Người ta có thể không nhớ tên từng nhân vật trong mỗi truyện khi gấp sách lại, nhưng người ta sẽ nhớ những đoạn miêu tả chân thực và nồng nàn về những tình yêu đẹp đẽ, và cơ bản là dang dở hoặc chua xót- ngôn tình mà. Giống như được nghe một bản nhạc êm đềm. Người ta nhận ra có quá nhiều cảnh đời được nhìn qua lăng kính một cuộc tình mà trở nên tàn nhẫn hoặc thi vị.

Với việc miêu tả tình dục, Võ Hồng Thu luôn dừng lại quá sớm. Không sa vào lạc thú, có thể đấy cũng là một điều may mắn cho tác giả. Bởi như Khalil Gibran, nghệ sĩ, nhà thơ, nhà triết học Liban nổi tiếng đầu thế kỷ 20 đã viết, thì Lạc thú là khúc hát ca ngợi tự do nhưng không phải Tự do.

Thu có tự do của riêng mình!

Thu và ngôn tình

Phỏng vấn của tạp chí Phụ nữ Mới với nhà văn Võ Hồng Thu

10 năm chỉ viết chuyện yêu, người đàn bà yêu trong Thu có gì thay đổi không, hay vẫn như ngày đầu biết yêu (và viết yêu)?

Thời bây giờ, thiết bị điện tử chỉ dăm tháng sau đã có thể lỗi mốt. Một sự kiện, thậm chí một tin đồn “ùng oàng” trên mạng xã hội - nơi thực sự là phần đông dân số thế giới đang ngụp lặn ngày ngày, tiêu tốn không biết bao thời gian - tưởng dập con người ta chết không gượng dậy nổi chỉ một thời gian ngắn đã nguội, không còn ai nhắc đến.

Sống trong thời mọi sự đều có thể “giở mặt” nhanh chóng, mà mình không thay đổi, thì có còn ai tìm đọc mình nữa hay không? Đó là câu hỏi của chính tôi. Mặc dù tôi luôn biết mình chưa tận lực với công việc viết văn nhưng tôi lại tận lực trong việc định nghĩa độc giả của mình và cố gắng phục vụ họ. Đó cũng là tâm thế của tôi khi làm báo.

Tôi thấy câu “mối tình nào cũng tha thiết như nhau” rất là đúng. 10 năm, hay lâu hơn thế, người đàn bà yêu trong mỗi con người đều có những chỉ dấu không khác nhau, không thể khác. Đó là nói về bản chất, còn nồng độ thì “mạnh yếu từng lúc khác nhau”, đương nhiên rồi. Mặt khác, vẫn là người đàn bà đó thôi nhưng sự thay đổi li ti diễn ra hàng ngày, chính họ không tự biết, dần biến họ thành một con người khác hơn. “Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa”. Câu thơ phổ biến của nữ thi sĩ Nga Olga Berggoltz do sự thành công trong việc chuyển ngữ thơ Olga ở Việt Nam, đã đánh thẳng vào trái tim người đọc, dễ dàng tìm được sự đồng cảm.

Người đàn bà yêu trong tôi (cũng là trong truyện tôi) chắc chắn có thay đổi nhưng về bản chất thì không đổi.
Người đàn bà yêu trong tôi (cũng là trong truyện tôi) chắc chắn có thay đổi nhưng về bản chất thì không đổi.

Dài dòng vậy để nói rằng, người đàn bà yêu trong tôi (cũng là trong truyện tôi) chắc chắn có thay đổi nhưng về bản chất thì không đổi. Vẫn còn nguyên sự cả tin, khạo khờ khi đàn bà yêu, một dạng “ngây thơ lâu” trong tình yêu. Cái khác nhất có lẽ là theo thời gian, chính tác giả biết thêm nhiều câu chuyện có thật trong đời hơn, yêu thương con người và trân trọng cuộc đời hơn, cảm nhận rõ hơn giới hạn của con người, sự hữu hạn của kiếp người. Để từ đó bình tĩnh trước những éo le và biết chấp nhận, thậm chí thỏa hiệp hơn với cuộc đời. Chắc điều đó có tác động không nhỏ khi mình viết các chương hồi tình ái, dù ngắn ngủi.

Văn chương diễm tình, hoặc sến, Thu tự nhận mình như thế. Nhưng đọc Thu không phải chỉ là diễm tình, nó là đời sống thật của người yêu thật, và nó cũng có nhiều cay đắng chứ không chỉ sến, điều ấy có đúng không?

Điểm nhấn trong văn của tôi là đưa ra cái thực của đời sống... công nhận sự tồn tại và đối diện. Tôi mong muốn độc giả sống cùng nhân vật của mình, đồng cảm và chia sẻ, thấy có chút gì của bản thân/ người quen trong đó. Chứ không phải nghĩ tác giả đang… làm văn, rồi họ kết luận sau khi đọc: Ôi giời, truyện í mà.

Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người (Trịnh Công Sơn). Bản thân việc được sinh ra ở đời đã là một sự cay đắng không thể chối cãi. Thử nghĩ xem, đời người ai chả có một nỗi buồn nào đó? Thử nghĩ xem, ai không từng trải qua ít nhất một đau khổ nào đó vì yêu? Tôi dám nói điều này mà không sợ bị quy kết là tiêu cực. Tôi có kết luận đó sau khi đã đọc quá nhiều tâm sự trên báo và quan trọng hơn, được nghe được kể và cả tự đi hỏi quá nhiều người. Thật may mắn, tôi có khả năng khiến người khác mở lòng.

Tôi thấy câu
Tôi thấy câu "mối tình nào cũng tha thiết như nhau" là rất đúng.

Tuy nhiên, viết về những cay đắng trong tình yêu mà không đẩy nhân vật đến ráo hoảnh, sợ hãi, chạy trốn tình yêu; thậm chí hằn thù chuyện yêu, người đã từng yêu… thì lại là dụng ý của Thu. Bản thân tác giả luôn cảm thấy tình yêu thương tràn trong cơ thể và luôn muốn các nhân vật của mình cho dù khổ đau đến độ nào thì vẫn có niềm tin vào tình yêu, vẫn yêu khi có thể. Và cốt nhất là luôn sống trong những hoài niệm về những giây phút hạnh phúc dù có thể rất ngắn ngủi. Điều khiến người ta lướt qua nhiều thứ có thể gọi là kinh khủng mà vẫn tỉnh bơ chính là kinh nghiệm về hạnh phúc chứ không phải sự từng trải khổ đau. Đó là câu nói của một người bạn học cũ của Thu và khi đưa vào một truyện ngắn (có xin phép cô ấy hẳn hoi) vì thấy quá đúng, Thu có sửa chút chút.

Thu có thể viết khác đi được không?

Yêu thì không thay đổi nhưng cách viết thì phải thay đổi. Đó là điều tôi tự ý thức. Ngôn ngữ truyện tôi giờ có vẻ như gọn ghẽ hơn, bớt dần những câu sướt mướt, bay bướm kiểu học trò. Tôi ưng viết câu ngắn hơn và có ý thức lôi kéo độc giả phải đầu tư thêm chất xám khi đọc. Giờ tôi ưng random không gian, thời gian và không theo trình tự thời gian làm người đọc vô tình sẽ tập trung hơn... để định hình xem... đoạn đang đọc trong bối cảnh nào, thời gian nào, nhân vật nào... Tuy nhiên tôi không cho là mình viết kỹ thuật hơn, ít nhất tôi cũng chưa đi học một lớp dạy kỹ thuật sáng tác nào trong cả 10 năm nay mà chỉ đơn giản vì tôi biết mình phải dám chán sự cũ kỹ thì mới có độc giả trung thành.

Khi làm báo, tôi đã có ý tưởng biến các bài báo dài lê thê thành các câu truyện tranh, tức là truyện có tranh minh họa theo từng tình huống. Tạp chí Người đẹp Việt Nam khi đó làm nhiều bài chuyên mục khác nhau dưới dạng phóng sự ảnh với các chú thích dài hơn bình thường, là xuất phát từ điều đó. Tôi cho đó là xu hướng của người đọc ngày nay, muốn tiếp nhận thông tin một cách đơn giản, dễ hiểu, kiểu “đập ngay vào mắt”. Vì vậy khi viết văn, tôi đề cao tính “kịch” trong đối thoại và thực sự đã viết thử một truyện in trong "Gáy mảnh hững hờ" theo hướng này, truyện "Đối thoại của hai chiếc giường". Mà viết “kịch” lại muốn độc giả tin là có hai con người thật như thế đang nói chuyện với nhau, phải có nghiên cứu về tâm lý. Có đoạn tôi phải viết đi viết lại, dù bản chất tôi là viết rất nhanh, tự biên tập luôn từ trong đầu nên hầu như viết xong là xong, không cần sửa lại ngoài một vài lỗi chính tả do tốc độ đánh máy quá nhanh (độ 2000 chữ trong 2 giờ đồng hồ).

Xin cám ơn Thu!

Hà Phạm

Nhà văn Nguyễn Việt Hà: “Phố cổ còn giữ được đến nay là nhờ những thằng dở hơi”

Nhà văn Nguyễn Việt Hà: “Phố cổ còn giữ được đến nay là nhờ những thằng dở hơi”

Văn chương của Nguyễn Việt Hà như chứa đựng từng hơi thở, từng nét mặt, từng dáng hình của Hà Nội, của người Hà Nội trong mỗi câu chữ...