Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: "Mắt biếc" là tác phẩm tái hiện nhiều nhất những kỷ niệm của tôi về Đo Đo"

Nguyễn Nhật Ánh là một cái tên quen thuộc với bạn đọc qua những tác phẩm viết về tuổi học trò

Xuất thân từ một thầy giáo, nhưng nghiệp viết lại đeo đuổi ông, và từ tác phẩm đầu tiên cho đến nay đã hơn 30 năm Nguyễn Nhật Ánh gắn bó với văn chương. Mỗi tác phẩm mới của ông không chỉ được bạn đọc đón nhận mà giới phát hành cũng coi đó là một sự kiện đặc biệt. Hiếm có tác giả nào có lượng in lên đến hàng trăm nghìn cuốn cho mỗi tác phẩm như Nguyễn Nhật Ánh.

Phần lớn những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh là viết về tuổi học trò. Đọc những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh chắc hẳn độc giả đều có cảm nhận đó là thứ văn chương không cầu kỳ, hoa mỹ mà bình dị, mộc mạc, đậm chất dân dã, thôn quê với cả bầu trời kỷ niệm thơ bé. Hầu hết các tác phẩm đều bao phủ một làn sương khói hoài niệm của tuổi thơ nơi vùng thôn dã. Những trang văn của ông thường không có cao trào mà luôn bình lặng, nhẹ nhàng như một lời tự sự của mỗi người khi hoài niệm về quá vãng đẹp đẽ, diệu kỳ nhưng đã xa xôi.

Có lẽ vì vậy mà không chỉ độc giả nhỏ tuổi mà nhiều độc giả đã qua tuổi thơ từ lâu cũng đón nhận các tác phẩm của ông để tìm thấy mình trong đó. Có thể nhiều người không thích văn của Nguyễn Nhật Ánh bởi nó bàng bạc, không rõ ràng nhưng nếu hỏi phần đông thì vẫn luôn chờ đón những đứa con tinh thần của nhà văn này.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Bối cảnh trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh phần lớn gắn bó với quê hương Quảng Nam, nó vừa cụ thể lại vừa khái quát đến mức đọc tác phẩm của ông đều thấy hiện lên ở đó bất kỳ một làng quê nào. Đọc Nguyễn Nhật Ánh, độc giả luôn thấy thấp thoáng hình bóng quê nhà trong đó, vừa gần gũi nhưng cũng xa xôi bởi ở đó luôn được bao phủ bởi một lớp sương khói thời gian.

Những ám ảnh tuổi thơ được Nguyễn Nhật Ánh gửi cả vào trang viết, xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của ông. Đã có lần Nguyễn Nhật Ánh trả lời báo chí: “Tuổi thơ tôi là một thế giới đầy ám ảnh. Tôi luôn bắt gặp mình thổn thức khi nhớ về những ngày thơ ấu. Ấy là khi tôi nhận ra mình đã ở quá xa sân ga tuổi nhỏ. Và tôi viết những cuốn sách để kéo chúng gần lại”. Những tác phẩm như “Cho tôi một vé đi tuổi thơ”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cây chuối non đi giày xanh”, Mắt biếc”... đều thấy đâu đó những địa danh đã gắn bó với tuổi thơ của tác giả như thị trấn Hà Lam, trường Nữ, làng Đo Đo...

Có lẽ chính những ám ảnh tuổi thơ, những niềm thương, kỷ niệm ấu thơ được tác giả gửi gắm vào con chữ đã nói lên họ tình cảm, suy nghĩ của nhiều người nên truyện của ông dễ đồng cảm, lay động lòng người. Những tác phẩm ấy giống như những cơn mưa kỷ niệm tắm mát cho những tâm hồn đang khô khan, đưa họ về với tuổi thơ nơi quê nhà xa ngái.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có lần cho biết, ông vốn xa quê từ bé và luôn sống trong nỗi nhớ không nguôi về tuổi thơ, quê nhà. Ngoài ra ông còn có thời gian đi dạy học và cũng từng làm chủ nhiệm câu lạc bộ Thiếu nhi ông luôn có cảm xúc mãnh liệt khi chạm đến những gì liên quan đến thiếu nhi, trẻ thơ. Ông luôn sống với những hồi ức tươi đẹp về một thời tuổi thơ đã qua của mình, có lẽ vì vậy Nguyễn Nhật Ánh đã đem đến cho độc giả những tác phẩm chứa đựng cả bầu trời tuổi thơ.

Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Trong tạp văn “Sương khói quê nhà”, Nguyễn Nhật Ánh trải lòng rất nhiều về tuổi thơ, những ký ức, hoài niệm về một thời đã xa trong tâm tưởng nhà văn. Những ký ức ấy đã bước vào các tác phẩm của nhà văn, đặc biệt nhà văn nhắc nhiều đến địa danh làng Đo Đo trong “Mắt biếc”: “Đo Đo là một ngôi làng nhỏ ở xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Đó là nơi tôi sinh ra và lớn lên trong quãng thời gian đầu đời vô tư lự. Năm tôi lên tám, gia đình tôi dời về Cẩm Lũ, sau đó dọn ra huyện lỵ Hà Lam. Như vậy, tôi gắn bó thực sự với làng Đo Đo chỉ khoảng tám năm.

Tám năm, một thời gian không dài, tôi lại ở độ tuổi còn quá nhỏ, nhưng không hiểu sao rất lâu về sau này tôi vẫn nhớ như in những kỷ niệm ở ngôi làng đơn sơ đó. Tôi nhớ ngôi chợ đêm lấp lánh ánh đèn, nhớ những đoàn xiếc lưu diễn thỉnh thoảng vẫn đến làng tôi và làm bọn trẻ con chúng tôi khiếp vía với những con trăn lớn quấn quanh cổ bọn người bán dạo.

Tôi nhớ những cái giếng trên con đường cuối chợ ba tôi vẫn dẫn tôi đi tắm vào những đêm trăng sáng trên đường làng. Những hình ảnh thơ mộng ấy sau này đã đi vào trang sách của tôi như những phản quang tuyệt vời của kỷ niệm”.

Theo Nguyễn Nhật Ánh, “Mắt biếc” không chỉ là tác phẩm tái hiện nhiều kỷ niệm nhất về làng Đo Đo mà nó còn khiến ông bồi hồi xúc động nhớ về người bà, về những trò chơi với cô hay anh chị họ mỗi khi đọc lại: "Tác phẩm "Mắt biếc" có lẽ là tác phẩm tái hiện nhiều nhất những kỷ niệm của tôi về Đo Đo. Bao giờ đọc lại tác phẩm này tôi cũng rưng rưng nhớ đến hình ảnh dịu dàng và hiền hậu của bà tôi, những trò chơi tuổi thơ giữa tôi, cô tôi và các anh chị con bác tôi.

Ngoài Đo Đo, rất nhiều chi tiết trong truyện được lấy từ những nơi chốn khác tôi từng sống qua. Ngôi trường huyện hai nhân vật Ngạn và Hà Lan theo học dĩ nhiên là trường Tiểu La bây giờ. Tôi nhớ thời tôi đi học, trường Tiểu La nom rất đồ sộ, sân chơi rộng mênh mông với những hàng dương liễu tha thướt dọc bờ rào.

Gần đây về lại, đi ngang qua trường cũ, tôi ngạc nhiên thấy ngôi trường bé hơn nhiều so với trí nhớ của tôi. Khu rừng sim trữ tình trong truyện là rừng sim ở Hà-Lam-trong, mà theo bạn bè tôi kể lại thì bây giờ khu rừng nhiều kỷ niệm học trò ấy đã không còn nữa”.

Hơn 30 năm sáng tác đồng nghĩa với hơn 30 năm thành công cả về số lượng tác phẩm và niềm hâm mộ của bạn đọc. Cái tên Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành một thương hiệu. Có lẽ chính những kỷ niệm dung dị từ các tác phẩm của ông đã làm nên hiện tượng văn học Nguyễn Nhật Ánh.

Phạm Ngọc

'Mắt biếc' của Nguyễn Nhật Ánh - lấp lánh bản tình ca tuổi học trò

"Mắt biếc" của Nguyễn Nhật Ánh - lấp lánh bản tình ca tuổi học trò

"Mắt Biếc" không chỉ nói đến Ngạn, đến Hà Lan, Trà Long… mà còn gửi gắm tâm tư cả một thế hệ.