Một thói quen quản lý tài chính tưởng lỗi thời nhưng luôn hiệu quả
Đã bao giờ, bạn nhớ rõ mình luôn ý thức tiết kiệm, không mua sắm xa hoa nhưng cứ đến cuối tháng thì chẳng còn đồng nào để tiêu. Chúng giống như một vòng lặp. Cứ đầu tháng sau khi nhận lương, bạn cảm thấy hớn hở và tin chắc có thể sống tốt, thậm chí còn dư được một khoản tiết kiệm. Thế nhưng đến cuối tháng, nhìn vào số dư trong tài khoản, bạn lại thắc mắc không biết tiền lương của mình đã đi đâu về đâu.
Thanh Loan (29 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng là một trong số đó. Trước kia, cô tự thấy mình không mua sắm quá nhiều hay chi tiêu phung phí. Thế nhưng, sau một thời gian cô hoang mang khi phát hiện bản thân không có nhiều tiền tiết kiệm. Đó cũng là lúc, cô làm một hành động thay đổi hoàn toàn cách bản thân quản lý tài chính. Đó là ghi chép lại từng khoản chi.
Sau khi bắt đầu ghi chép lại các khoản tiêu dùng hàng tháng thì đến cuối năm Thanh Loan đã ngồi xuống thống kê lại. Lúc này, Thanh Loan mới giật mình vì hóa ra cô không tiêu xài ít như bản thân vẫn nhầm tưởng.
“Mình đang sống cùng gia đình, còn đang độc thân nên hầu như các chi phí nhà cửa, điện nước, ăn uống là được người thân bao lo hết. Như vậy, những khoản chi hàng tháng đều là dành riêng cho cá nhân. Và mình cũng ngồi dò lại những thứ mình đã chi tiêu. Mình thấy có những món đồ bản thân đã mua về một cách vô ích, những thứ không quá cần thiết mà mình mua chỉ vì yêu thích tức thời, theo trend”, Thanh Loan nhớ lại.
Thanh Loan từng hoang mang vì dù không chi tiêu hoang phí nhưng tiền tiết kiệm cuối tháng chẳng còn bao nhiêu |
Nhờ vào việc ghi chép lại các khoản tiêu dùng, cô đã biết tiền lương của mình đi đâu về đâu. Và hoá ra, cô nàng cũng không… tiết kiệm như mình lầm tường. Tất nhiên, ghi chép lại chi tiêu chỉ là một bước đầu tiên trong hành trình quản lý tài chính. Được biết, sau đó Thanh Loan còn lên kế hoạch phân bổ thu nhập hàng tháng, nhờ đó mà sau một thời gian đã có khoản tiết kiệm phòng thân.
Nhìn chung, không thể phủ nhận sức mạnh của việc ghi chép chi tiêu hàng tháng lên sức khỏe tài chính của người trẻ. Thanh Loan là một trong số đó.
Tại sao bạn cần ghi chép lại chi tiêu?
Việc theo dõi tất cả chi tiêu trong tháng không những giúp biết tiền lương của mình “đi đâu về đâu", mà còn kiểm soát bạn trước mỗi lần định vung tiền mua món đồ không cần thiết. Theo The Balance, dưới đây là 2 lý do mà bạn cần ghi chép lại chi tiêu của mình.
- Thứ nhất, chúng giúp bạn bám sát mục ngân sách đề ra
Sau khi thiết lập ngân sách hàng tháng, ghi chép từng chi tiêu là cách hiệu quả và nhanh gọn nhất giúp bạn đạt mục tiêu đề ra. Nếu bạn không theo dõi dòng tiền ra vào ví của mình hàng ngày, bạn sẽ không biết có thể mình đã tiêu quá tay vào hạng mục nào đó, chẳng hạn như thực phẩm và quần áo…
Vào cuối tháng, bạn hãy xem xét lại các chi phí phân theo từng hạng mục đề ra trong ngân sách. Nếu có sự biến đổi nào bất thường, hãy tìm cách cân đối lại các khoản chi phí, xa hơn là tính đến những thay đổi trong cuộc sống có thể ảnh hưởng ngân sách chẳng hạn như kết hôn hay sinh con.
Ảnh minh hoạ |
- Thứ hai, chúng tiết lộ các vấn đề trong cách bạn dùng tiền
Ví dụ, thông qua việc ghi chép lại chi tiêu, bạn có thể nhận ra mình đang trả tiền cho một dịch vụ mà bản thân không dùng đến, như thẻ tập gym, gói xem phim trên Netflix… Hoặc bạn có thể nhận ra mình đang đi ăn hàng quá nhiều, hoặc chuyên mua quần áo hàng hiệu dù bạn luôn hết tiền vào cuối tháng.
Xa hơn, theo dõi chi tiêu giúp bạn xác định các vấn đề nghiêm trọng trong cách bạn quản lý tiền của mình. Chẳng hạn, bạn có thể nhận thấy tiền thuê nhà hàng tháng tăng dần theo hàng năm và chiếm phần lớn trong ngân sách của bạn… Để khắc phục vấn đề này, bạn cần những thay đổi mạnh mẽ hơn trong cuộc sống như chuyển đến một nơi ở mới hoặc tìm kiếm công việc thứ hai để gia tăng thu nhập. Việc ghi chép chi tiêu ban đầu sẽ không dễ dàng nhưng chúng sẽ rất đáng giá để giúp bạn đi đúng hơn về mặt tài chính.
Ghi chép chi tiêu thế nào?
Ghi chép chi tiêu, nói đơn giản chính là cách bạn ghi lại cụ thể từng khoản chi theo từng ngày hoặc từng tuần. Có 2 phương pháp cơ bản để bạn ghi chép hiện nay là:
1. Ghi chép chi tiêu bằng bút và giấy
Nó có vẻ “thủ công" và tốn công với nhiều người. Tuy nhiên, phương pháp này tiện lợi, đồng thời có sức mạnh rất lớn và ngay lập tức trong việc nhắc nhở bạn mỗi lần định chi tiêu quá trán.
Ảnh minh hoạ |
2. Ghi chép bằng một ứng dụng hoặc phần mềm
Đây là phương pháp hiện đại hơn. Bạn có thể theo dõi chi tiêu hàng tháng của mình trên excel hoặc thông qua ứng dụng tài chính. Các ứng dụng trực tuyến có thể cung cấp đồ thị và biểu đồ nhiều màu để minh họa thói quen chi tiêu của bạn. Thêm nữa, ưu điểm của chúng là đều cho phép bạn nhanh chóng và dễ dàng nhập các giao dịch mua bán của mình vào danh mục chi tiêu.
Nhìn chung, dù chọn phương pháp ghi chép chi tiêu ra sao thì hãy nhớ, dù bạn có lỡ tiêu tiền quá tay ở hạng mục nào, bạn có thể bỏ cuộc và suy tính đến chuyện quay lại vào tháng tới. Tuy nhiên, nếu bạn bỏ cuộc, bạn sẽ rơi vào vòng lặp không biết mình tiêu tiền quá tay ở đâu, từ đó sức khỏe tài chính lại càng đi xuống. Hãy dũng cảm nhìn vào khuyết điểm trong cách quản lý tài chính cá nhân, sau đó từng bước cải thiện chúng.
“Bắt đầu từ mốc số 0”: Phương pháp lập ngân sách và quản lý chi tiêu cho người lười ghi chép
Bạn đã bao giờ nghe tới phương pháp Zero-based Budgeting (ZBB) trong quản lý chi tiêu chưa?