Ở độ tuổi từ 3 – 6 tuổi, bạn có thể nhận thấy được sự phát triển trong tính cách (hay nhân cách) của trẻ. Đây chính là quãng thời gian thích hợp để bố mẹ dạy cho trẻ về những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, từ đó có thể khuyến khích bé phát triển nhân cách một cách tích cực hơn.
Vì trẻ thường học hỏi và làm theo những hành động của bố mẹ nên bạn chính là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển nhân cách của bé.
1. Tránh “gắn mác” cho trẻ
Một lời nói có thể thay đổi cả thế giới. Nếu bạn cứ gán cho trẻ những cái mác tiêu cực khi chúng làm sai, bạn đã vô tình làm trẻ nghĩ rằng mình thật sự như vậy. Việc này cũng ảnh hưởng đến quá trình nhìn nhận sai lầm và sửa đổi của trẻ.
Việc bố mẹ liên tục “gắn mác” có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti và làm cho trẻ có xu hướng “gắn mác” cho những người khác. Bạn phải luôn thận trọng với những lời nói của mình, đặc biệt là khi đưa ra những phê bình và góp ý cho trẻ.
2. Luôn lắng nghe tâm sự của bé
Trẻ em thường muốn được bố mẹ chú ý mọi lúc. Khi càng lớn lên, trẻ càng có xu hướng tự lập hơn. Trẻ vừa biết đi và trẻ ở độ tuổi mẫu giáo thường có xu hướng thể hiện bản thân bằng cách trò chuyện, đặc biệt là trong quá trình chúng vừa biết nói.
Là bố mẹ, bạn nên lắng nghe những câu chuyện của bé, điều này sẽ giúp bé cảm thấy tự tin và an tâm khi ở cạnh bạn. Thêm vào đó, việc bố mẹ lắng nghe con cái sẽ giúp dạy cho chúng trở thành người biết lắng nghe, đồng thời cũng giúp phát triển sự tự tin của trẻ.
3. Nhẹ nhàng giúp bé cải thiện những thiếu sót
Có không ít bố mẹ đặt sự kì vọng rất nhiều vào mỗi việc trẻ làm. Và khi bé không đạt được những kì vọng này, họ thể hiện sự thất vọng của mình với trẻ qua nhiều cách, một trong số đó là nói rằng chúng không có năng lực.
Mỗi đứa trẻ đều có khả năng riêng của mình, bố mẹ nên tìm ra những điểm mạnh của con và khuyến khích để trẻ phát triển tốt hơn. Bạn có thể nhẹ nhàng giúp đỡ để bé cải thiện những thiếu sót của mình mà không làm giảm đi sự tự tin vốn có của bé.
4. Không bao giờ được so sánh trẻ với đứa trẻ khác
Việc mang trẻ ra so sánh với con của bạn bè, họ hàng hoặc trẻ nhà hàng xóm có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách của con bạn.
Nếu bạn liên tục so sánh bé với người khác, bé sẽ cảm thấy mình không đủ tốt. Từ đó, trẻ bắt đầu nghi ngờ về khả năng của bản thân và dẫn đến việc bắt chước người khác để được giỏi hơn. Tôn trọng tính cá nhân của trẻ là bước đầu tiên, cũng là bước quan trọng nhất mà bố mẹ có thể làm để giúp xây dựng nhân cách tốt cho con.
5. Trở thành hình mẫu lý tưởng cho con
Trẻ em bắt chước theo những gì chúng thấy nhiều hơn những gì chúng nghe. Chính vì vậy, bố mẹ cần trở thành những hình mẫu lý tưởng để con cái học hỏi theo. Thay vì nói nhiều điều hay, hãy thực hiện những điều hay ấy mỗi ngày.
Việc nhìn thấy bố mẹ làm một điều đúng sẽ khuyến khích trẻ thực hiện theo những việc ấy, từ đó tập thành thói quen cho trẻ. Nếu như bạn vẫn chưa nhận ra tầm quan trọng của những hành động tưởng chừng bình thường mỗi ngày, hãy thay đổi ngay trước khi quá muộn.
6. Chơi cùng con
Các hoạt động thể chất ngày càng giảm đáng kể ở trẻ em thế hệ mới bởi rất nhiều lý do khác nhau. Không có cách nào tốt hơn để dạy trẻ giá trị của việc chia sẻ, quan tâm, tinh thần đồng đội cũng như sự đoàn kết tốt hơn việc chơi thể thao.
Ngoài ra, thể thao cũng giúp trẻ thư giãn và giải tỏa căng thẳng rất tốt.
7. Hạn chế trẻ chơi game hoặc xem phim quá nhiều
Bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho con, cùng trẻ chơi những trò chơi ngoài trời hoặc đi dã ngoại sẽ giúp chúng tránh xa khỏi các thiết bị điện tử và có thời gian khám phá thế giới xung quanh nhiều hơn. Hãy dạy trẻ cách trân trọng những người bên cạnh hơn những thứ ảo mà chúng hay thấy trên mạng.
8. Đặt ra những nguyên tắc
Giúp trẻ hiểu rõ trách nhiệm của bản thân đối với mọi người là điều bố mẹ cần làm để nâng cao sự thấu hiểu trong gia đình. Đôi lúc, bố mẹ gặp thất bại trong việc thể hiện cho trẻ biết mong muốn của họ, để rồi cuối cùng trách móc vì những hành động sai trái của trẻ.
Khi bạn đặt ra những nguyên tắc rõ ràng, trẻ sẽ học cách điều chỉnh hành động của mình sao cho phù hợp với những gì mà bố mẹ đặt ra. Việc này có thể mất nhiều thời gian hơn, tuy nhiên việc tuân thủ các nguyên tắc ứng xử do bố mẹ đặt ra trong một thời gian dài có thể giúp hình thành thói quen tốt cho trẻ.
9. Khuyến khích trẻ tự lập
Bố mẹ thường có xu hướng che chở cho con cái nhưng nếu bạn quá bao bọc trẻ, con bạn có thể trở nên phụ thuộc và dựa dẫm vào bố mẹ. Mặc dù việc chăm sóc con là đúng, nhưng bố mẹ nên khuyến khích trẻ tự làm những việc đơn giản trong khả năng của mình.
Đối với những việc như soạn tập vở, chải răng, dọn dẹp đồ chơi, kệ sách… con có thể tự làm được mà không cần sự giám sát của bố mẹ. Điều này không chỉ dạy cho con những kỹ năng sống cần thiết mà còn giúp xây dựng tinh thần trách nhiệm cho con.
10. Nuôi dạy con một cách nhẹ nhàng
Có lẽ bạn không biết, khiển trách hoặc la mắng vì những lỗi lầm mà con phạm phải có thể khiến mọi thứ tồi tệ hơn cho cả bạn và bé. Trong nhiều trường hợp, trẻ có những hành động quá khích khi bị la mắng như la hét, chống đối hoặc đập phá đồ đạc…
Chính vì vậy, những hành động cứng rắn đôi khi không phải là sự lựa chọn đúng đắn. Bạn nên nhẹ nhàng và kiên nhẫn giải thích về những hậu quả mà việc làm của trẻ gây nên. Đây là một cách hiệu quả có thể giúp thay đổi nhận thức của trẻ.
Đôi khi bạn cũng nên để bé một lần trải nghiệm hậu quả mà việc làm của chúng gây ra. Điều này sẽ giúp con hiểu rõ hơn về mối quan hệ nhân quả cũng như cẩn thận hơn trong những hành động của mình.
Bài viết không tồn tại hoặc đã xóa