Cả Transnistria và Moldova đều nằm ngay phía Tây của Ukraina. Transnistria, một khu vực ly khai nhỏ của Moldova, nằm giữa Moldova và Ukraina dọc theo biên giới phía Tây Nam của nó.
Ba vụ nổ đã được báo cáo vào ngày 25 và 26/4/2022, ở Transnistria. Lực lượng quân đội Transnistria cũng báo cáo đã nhìn thấy máy bay không người lái và phát súng do một người không rõ danh tính bắn vào ngày 27/4.
Các cuộc tấn công đã làm hư hại hai tháp vô tuyến phát sóng bằng tiếng Nga, nhưng không có thương vong nào về người được báo cáo. Chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ tấn công.
Ukraina cáo buộc rằng các vụ nổ được Nga tạo ra như một cái cớ để quân đội Nga tiến tới Transnistria và sử dụng nó như một nền tảng quân sự cho các hoạt động tiếp theo ở Ukraina, hơn hai tháng sau khi nước này phát động cuộc chiến lần đầu ở đó.
Là một chuyên gia về chính trị Đông Âu, Tatsiana Kulakevich, Trợ lý Giáo sư hướng dẫn tại Trường Nghiên cứu Toàn cầu Liên ngành, Giáo sư Liên kết tại Viện về Nga, Đại học Nam Florida cung cấp thông tin chi tiết về sự năng động phức tạp giữa Moldova, Transnistria và Nga, rất hữu ích trong việc hiểu được mối quan tâm quân sự của Nga đối với Transnistria. Dưới đây là bốn điểm chính cần ghi nhớ.
1. Transnistria là gì?
Transnistria - tên chính thức là Cộng hòa Moldavian Pridnestrovian - là một dải đất hẹp giữa Moldova và miền Tây Ukraina, là nơi sinh sống của khoảng 500.000 người. Đây là một quốc gia ly khai không được công nhận đã rời khỏi Moldova sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1990.
Chính phủ Transnistrian có độc lập trên thực tế, nhưng nó được các quốc gia khác và Liên hợp quốc công nhận là một phần của Moldova.
Mặc dù Nga cũng không chính thức công nhận Transnistria là một quốc gia độc lập, Transnistria vẫn giữ được nền độc lập ngày nay phần lớn nhờ vào sự hỗ trợ quân sự của quân đội Nga, đóng quân trên lãnh thổ Transnistria.
Transnistria có quan hệ chặt chẽ với Nga. Những người sống ở đó phần lớn là những người nói tiếng Nga và chính phủ được điều hành bởi những người ly khai thân Nga.
Nga cũng cung cấp khí đốt tự nhiên miễn phí và đã hỗ trợ những người lớn tuổi trong khu vực bằng các khoản bổ sung lương hưu.
Khoảng 1.500 binh sĩ Nga đang đóng quân tại Transnistria.
Chỉ có 50 đến 100 binh sĩ đến từ Nga. Những người còn lại là những người Transnister địa phương đã được cấp hộ chiếu Nga. Những người lính này có nhà và gia đình ở Transnistria.
Moldova không cho phép binh sĩ Nga bay vào sân bay quốc tế Chisinau. Kể từ năm 2015, Ukraina đã từ chối họ nhập cảnh qua lãnh thổ của mình. Những hạn chế về giao thông này đã dẫn đến các hợp đồng của Nga với người dân địa phương ở Transnistria.
Bản thân quân đội Transnistria tương đối nhỏ, bao gồm 4.500 đến 7.500 binh sĩ.
Tư lệnh quân đội Nga Rustam Minnekaev cho biết vào ngày 22/4/2022, Nga dự định thiết lập một hành lang trên bộ qua miền Nam Ukraina đến Transnistria.
2. Tại sao Nga quan tâm đến Transnistria?
Từ lâu, Nga đã tìm cách giữ Moldova, trước đây là một phần của Liên Xô, trong phạm vi ảnh hưởng chính trị của mình. Moldova nằm giữa Liên minh châu Âu, giáp Romania và Tây Nam Ukraina. Quân đội Nga đóng tại Transnistria tạo cho Moscow một cách để đe dọa Moldova và hạn chế khát vọng của phương Tây.
Moldova nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu vào tháng 3/2022.
Sự hiện diện của quân đội Nga ở Transnistria ngăn cản Moldova kiểm soát hoàn toàn biên giới của mình. Nếu được kích hoạt, quân đội Nga sẵn sàng chiến đấu ở Transnistria có thể nhanh chóng gây mất ổn định khu vực. Nếu không có sự kiểm soát về biên giới và lãnh thổ, Moldova không thể gia nhập EU. Đây là một trong những điều kiện để trở thành thành viên của EU.
Moldova Natalia Gavrilița tuyên bố nước này không muốn gia nhập NATO, tổ chức mà Nga coi là mối đe dọa trực tiếp, giống như ở Ukraina.
3. Transnistria có trung thành với Nga không?
Trong khi khí đốt miễn phí đã giúp đảm bảo sự trung thành của Transnistria với Moscow, Liên minh châu Âu cũng đã cung cấp một huyết mạch kinh tế cho Transnistria với các thỏa thuận thương mại mới.
Việc Nga sáp nhập Crimea, một bán đảo thuộc Ukraina, vào năm 2014, cũng như cuộc chiến năm 2014 với Ukraina về khu vực Donbas, đã biến đổi định hướng kinh tế của Transnistria từ Nga sang Tây Âu.
Chiến sự ở Ukraina đã khiến Ukraina phải đánh giá lại và thắt chặt chính sách biên giới của mình. Điều này dẫn đến việc đàn áp các tuyến đường vào và ra khỏi Transnistria vốn được sử dụng để buôn bán trái phép hàng hóa trong gần ba thập kỷ.
Việc siết chặt các tuyến đường hàng lậu đến vào một thời điểm cơ hội cho Transnistria.
Moldova đã ký một thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu vào năm 2014, đồng thời cho phép tiến hành thương mại từ Transnistria. Thương mại của Transnistria với Tây Âu kể từ đó tiếp tục phát triển, khi thương mại của nó với Nga suy giảm.
Ngày nay, hơn 70% hàng xuất khẩu của Transnistria đến Tây Âu.
4. Moldova dễ bị tổn thương như thế nào?
Cuộc chiến Ukraina và sự hiện diện của quân đội Nga ở Transnistria đã khiến người dân Moldova và một số chuyên gia quốc tế lo ngại Nga có thể tấn công Moldova tiếp theo.
Không giống như Ukraina, Moldova có quân đội yếu, nhỏ hơn lực lượng của Transnistria. Quân nhân tại ngũ của Moldova lên tới 6.000 binh sĩ, những người không có khả năng chống đỡ thành công quân đội Nga.
Moldova là một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Âu, với dân số khoảng 3,5 triệu người.
Lĩnh vực năng lượng của Moldova là một trong những yếu tố dễ bị tổn thương nhất. Nước này phụ thuộc 100% vào khí đốt của Nga , điều này khiến Moldova khó thoát khỏi quỹ đạo của Moscow, bất chấp định hướng chính trị thân châu Âu.
Trên lý thuyết, Transnistria trông giống như một địa điểm lý tưởng để Nga dễ dàng tiến hành các cuộc tấn công vào Ukraina hoặc Moldova. Tuy nhiên, bản thân Transnistria không có nhiều khả năng để chống lại Ukraina, hoặc ý chí chiến đấu chống lại Moldova.
Tiếp cận Transnistria có thể mang lại cho Nga nhiều lợi thế ở các khu vực phía Nam của Ukraina, nơi quân đội Nga trong nhiều tuần đã đạt được những bước tiến hạn chế và chậm chạp.
(Nguồn: The Conversation)