Phút yên bình quý giá
Khi những chiếc xe ủi di chuyển qua những tàn tích của thị trấn Al Qarara phía Nam Gaza vào sáng Chủ nhật, một nhóm người đã theo dõi với vẻ lo lắng.
Họ hy vọng thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas và Israel sẽ cho phép có đủ thời gian để đưa thi thể những người thân yêu của họ ra khỏi đống đổ nát. Sau đó, cuối cùng họ có thể được chôn cất tử tế theo đúng phong tục từ xa xưa. Với nhiều người khác, đây là dịp để họ tìm kiếm người thân và bạn bè mất tích.
Trong gần bảy tuần, hầu hết người dân ở Dải Gaza chỉ cố gắng sống sót, tập trung vào những điều cơ bản là tìm nơi trú ẩn, chạy trốn khỏi cuộc chiến, tiếp cận thực phẩm và nước uống.
Đối với nhiều người dân ở Gaza, bốn ngày ngừng bắn mang đến cho họ thời gian yên bình quý giá sau thời gian dài căng thẳng vì xung đột, cho họ chút thời gian để thở - và đánh giá lại sự tàn phá xung quanh. Theo phân tích dữ liệu vệ tinh radar, thị trấn Al Qarara nằm ở phía Nam tỉnh Khan Younis, khu vực chứng kiến thiệt hại về các tòa nhà gia tăng rõ rệt trong hai tuần qua.
Khu chợ vắng vẻ gần như suốt bảy tuần qua, hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa và người dân ngại ra ngoài. Ngày Chủ nhật, nơi đây náo nhiệt với các hoạt động, người mua hàng đổ xô đi mua sắm, trẻ em chạy quanh các quầy hàng với rau củ lẫn rác chất đống ở hai bên đường.
Đoạn phim của CNN từ Deir El Balah, một thành phố ở trung tâm Gaza, cho thấy hàng nghìn người đổ xô ra đường và đi chợ, cố gắng mua những vật dụng không thể tiếp cận trong nhiều tuần qua để tìm cách duy trì sinh hoạt.
Những cư dân Deir El Balah kể về cảm giác nhẹ nhõm mà họ cảm thấy khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực.
Một người phụ nữ tên Um Ihab cho biết, Chủ nhật là lần đầu tiên cô đi chơi cùng gia đình. "Chúng tôi luôn sợ ra ngoài sẽ bị rocket tấn công. Nhưng kể từ ngày ngừng bắn đầu tiên, chúng tôi đã có thể đi mua những thứ chúng tôi cần một cách an toàn", cô nói. "Trong 47 ngày, chúng tôi sống trong chiến tranh và sợ hãi. Con cái chúng tôi rất hoảng loạn".
Hãng tin Al-Jazeera dẫn báo cáo của Cục Thống kê trung ương Palestine cho biết giá lương thực tại Gaza trong thời gian qua đã tăng mạnh vì nhu cầu tăng đột biến và nguồn cung bị cắt do chiến dịch quân sự của Israel. Theo đó, giá rau và bột mì tăng lần lượt lên 32% và 65%, riêng giá nước tăng tới 100%.
Abu Udai, một người dân địa phương khác, nói: "Chúng tôi hy vọng rằng lệnh ngừng bắn có thể là vĩnh viễn và Israel sẽ rút khỏi miền bắc, để tất cả những người bị buộc phải di dời có thể trở về nhà, ngay cả khi họ phải ở trong lều trại".
Tuy nhiên, đối với nhiều người ở Gaza, lệnh ngừng bắn mang đến nỗi đau lòng khi lần đầu tiên họ được chứng kiến toàn bộ sự tàn phá. Nhiều tuần giao tranh đã khiến toàn bộ khu dân cư bị san bằng và hàng ngàn người đã thiệt mạng.
Xung đột ở Dải Gaza bùng phát sau khi Hamas tấn công Israel ngày 7/10, khiến 1.200 người thiệt mạng và bắt có 240 con tin. Israel lập tức tiến hành chiến dịch không kích và tấn công trên bộ chống Hamas. Hơn 14.500 người thiệt mạng và ít nhất 35.000 người bị thương ở Dải Gaza trong hơn 6 tuần xung đột.
Ước tính khoảng 1,7 triệu trong số 2,3 triệu dân ở Gaza phải sơ tán, trong đó nhiều người di tản từ miền Bắc xuống miền Nam sau những cảnh báo của quân đội Israel.
Tuy nhiên, những cuộc oanh tạc của Israel đã mở rộng tới miền Trung và miền Nam Gaza, khiến dải đất Địa Trung Hải dường như không còn nơi nào an toàn đối với dân thường. Nhiều trường học và bệnh viện cũng bị tấn công.
Tình hình tồi tệ nhất ở khu vực phía Bắc Gaza, nơi một số thường dân vẫn ở lại bất chấp lệnh của Lực lượng Phòng vệ Israel liên tục sơ tán đến khu vực phía Nam Dải Gaza.
Hàng viện trợ vào Gaza liên tục
James Elder, quan chức Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề trẻ em cho biết sau khi thỏa thuận ngừng bắn 4 ngày được thực thi thì các lô hàng viện trợ nhân đạo đã ngay lập tức được chuyển tới Dải Gaza.
Theo ông Elder, đây là lô hàng viện trợ lớn nhất được chuyển vào Gaza trong hơn 1 tháng qua. Hàng viện trợ gồm nước uống, thực phẩm, thuốc men và một số nhu yếu phẩm cần thiết.
Ông Elder lưu ý rằng, trước khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hama có hiệu lực, LHQ gần như không thể chuyển hàng viện trợ vào Gaza, vì họ không tìm được lối đi an toàn.
"Tôi đã thấy mọi người rất tuyệt vọng, người lớn và trẻ em đều hốc hác, gầy mòn vì thiếu ăn, thiếu uống. Khi họ nhìn thấy hàng viện trợ vào Gaza, họ dùng chúng ngay lập tức", ông Elder kể lại sau khi tham gia đoàn xe viện trợ nhân đạo tới Gaza.
Hamas cho biết vào tối thứ Bảy, thỏa thuận ngừng bắn có thể gặp nguy hiểm nếu không có đủ xe tải đến phía Bắc Gaza, nơi có nhu cầu lớn nhất. Tranh chấp về số lượng viện trợ vào Gaza đã góp phần khiến kế hoạch bàn giao một nhóm con tin bị Hamas bắt giữ vào thứ Bảy bị trì hoãn một thời gian ngắn.
UNRWA hôm Chủ nhật cho biết, số lượng viện trợ đến Dải Gaza vẫn không đủ.
"Chúng tôi cần 200 xe cứu trợ mỗi ngày liên tục trong ít nhất hai tháng để đáp ứng nhu cầu. Chúng tôi thậm chí còn cần nhiều nhiên liệu hơn để có thể vận hành các dịch vụ và lĩnh vực mà chúng tôi hỗ trợ, như khử muối trong nước, nước thải, bệnh viện, cũng như các dịch vụ và thông tin liên lạc của UNRWA", Adnan Abu Hasna, cố vấn truyền thông của UNRWA cho biết, viện trợ hiện tại chỉ là một giọt nước trong đại dương đối với nhu cầu nhân đạo.
Theo Liên Hợp Quốc, trước chiến tranh, khoảng 455 xe tải vào Gaza hàng ngày để chở hàng viện trợ.
"Thỏa thuận ngừng bắn trong bốn ngày có ý nghĩa gì? Tôi muốn một thỏa thuận đình chiến hoàn toàn", Atrash, 40 tuổi, nói.
Anh lo rằng không thể đảm bảo nhu yếu phẩm cho gia đình trong thời gian đó. Atrash không tin nhiều xe tải viện trợ có thể vào Gaza qua một cửa khẩu duy nhất từ Ai Cập để đáp ứng nhu cầu của người dân.
"Lợi ích của ngừng bắn không phải là giúp chúng tôi được cung cấp nhiên liệu, thực phẩm, chăn màn, quần áo mùa đông hay sao?", anh tự hỏi.
(Nguồn: CNN/Reuters)