40% mẫu xét nghiệm ca bệnh tay chân miệng dương tính với chủng EV 71

Bệnh tay chân miệng ở nước ta từ đầu năm 2023 đến nay có sự gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71. Trung bình mỗi tuần có khoảng 35 ca bệnh tay chân miệng cần điều trị bằng thuốc Immunoglobulin.

Những thông tin trên được GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đưa ra khi trao đổi với phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống về công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng ở nước ta thời gian qua.

Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong

Bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.

Từ đầu năm 2023 đến nay có sự gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71. Nếu như tuần 14 chủng này chiếm khoảng 6% trong các mẫu xét nghiệm thì tuần 23 tỷ lệ dương tính với chủng EV71 đã tăng lên 40% trong các mẫu xét nghiệm.

40% mẫu xét nghiệm ca bệnh tay chân miệng dương tính với chủng EV 71 - Ảnh 1.

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: SKĐS.

Hiện nay các thuốc điều trị bệnh tay chân miệng thông thường cơ bản đáp ứng đủ công tác điều trị.

Đối với thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch, theo thông tin của Cục Quản lý Dược, ngày 23/06/2023 đã nhập khẩu 6.000 chai thuốc Immunoglobulin về Việt Nam để cung ứng cho các bệnh viện. Số lượng thuốc trên đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách của các bệnh viện.

Ước tính hiện mỗi tuần chúng ta ghi nhận khoảng 350 trường hợp mắc tay chân miệng phải nhập viện, trong đó có khoảng 10% số ca bệnh cần điều trị bằng thuốc Immunoglobulin- tương đương với 35 ca cần điều trị/ tuần.

Các bệnh truyền nhiễm tiếp tục gia tăng

Hiện nay các bệnh truyền nhiễm tiếp tục gia tăng, ví như bệnh sốt xuất huyết cứ 10 năm lại tăng gấp đôi và hiện vẫn tiếp tục gia tăng, trở thành một trong những vấn đề y tế công cộng trên thế giới.

Bên cạnh các bệnh lưu hành tại Việt Nam còn có các bệnh xâm nhập trên thế giới vào Việt Nam. Như vậy có thể thấy bệnh truyền nhiễm luôn luôn hiện hữu và xuất hiện, đặc biệt tuần suất ngày càng rút ngắn lại.

Trong công tác phòng chống dịch ngoài vai trò của ngành y tế cũng cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, và đặc biệt mỗi gia đình, mỗi người dân cùng tham gia.

Đơn cử như với sốt xuất huyết, mỗi tuần mỗi gia đình dành ra 10 phút để kiểm tra, phát hiện và loại trừ các ổ loăng quăng, bọ gậy… để bệnh sốt huyết không có cơ hội bùng phát.

Những lưu ý trong chăm sóc trẻ tay chân miệng 

Giữ gìn vệ sinh nơi ở và vệ sinh cá nhân trẻ. Trẻ cần được giữ vệ sinh sạch sẽ, tắm trong phòng kín gió cùng xà phòng sát khuẩn.

Các vật dụng sử dụng cho trẻ như bình sữa, dụng cụ ăn uống, đồ dùng sinh hoạt, đồ chơi cần được sử dụng riêng biệt hoặc làm vệ sinh thường xuyên để khử khuẩn.

Dùng thuốc đúng cách. Không được tùy tiện cho trẻ dùng các loại thuốc nếu chưa có ý kiến chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp trẻ bị sốt cao, chỉ nên dùng thuốc paracetamol để hạ sốt hoặc các thuốc khác theo đơn của bác sĩ.

40% mẫu xét nghiệm ca bệnh tay chân miệng dương tính với chủng EV 71 - Ảnh 2.

Nên ưu tiên thực phẩm giàu vitamin A để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Chăm sóc trẻ nhỏ trong giai đoạn bị bệnh và phục hồi cũng rất quan trọng. Cho trẻ ăn những món ăn mà trẻ thích, thức ăn cần mềm, loãng cho dễ nuốt, nguội vì thức ăn cứng, nóng làm trẻ đau rát miệng. Có thể thay thế bằng cách uống sữa, ăn bún, miến, phở không cần nhất thiết phải ăn cháo, cơm.

(Nguồn: Tổng hợp)

THANH TRÚC