Một số sản phẩm sữa bột bị phát hiện có chất gây ung thư đang bán tại Việt Nam
Theo TTXVN, Hội đồng Người tiêu dùng tại Hong Kong đã thu thập các mẫu sữa bột từ các siêu thị và cửa hàng. Trong số các mẫu được kiểm tra, mẫu chứa 3-MCPD ít nhất là sữa công thức đậu nành cho trẻ sơ sinh Similac Sensitive Isomil Soy của hãng Abbott (13 microgam/kg), và mẫu chứa nhiều nhất là sữa bột Bellamy’s Organic của Úc (120 microgam 3-MCPD/kg).
Ngoài ra, còn có đến 9 mẫu sữa được kiểm tra chứa Glycidyl ester gây ung thư. Hàm lượng cao nhất là sữa bột dành cho trẻ sơ sinh Smart Baby của hãng Snow Brand , được sản xuất tại Úc với 29 microgam/kg, và sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh Meiji của Nhật Bản , với 27 microgam/kg. Trong khi đó, theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) về sữa bột, giới hạn của Glycidyl este trên mỗi kg là 50 microgam.
Kết quả cũng cho thấy hàm lượng dinh dưỡng của nhiều loại sữa bột thấp hơn con số công bố, mức thấp nhất là thấp hơn khoảng 40%.
Có thể kể đến sữa bột illuma của Wyeth dành cho trẻ sơ sinh, có hàm lượng vitamin A thực tế ít hơn 21,9% so với ghi trên nhãn; hàm lượng vitamin B12 thực tế của sữa bột Meiji Infant Formula ít hơn 30% so với hàm lượng ghi trên nhãn.
Cả 2 đều vượt quá giới hạn sai số theo quy định.
|
2 dòng sữa bột bị cho là chứa chất gây ung thư vẫn còn bán ở Việt Nam. |
Theo ghi nhận chiều 19/8, tại các trang bán sữa online và một số kênh mua sắm điện tử như Lazada, Shoppe, Tiki,... vẫn có bày bán các mặt hàng sữa bột bị cho là có chứa chất gây ung thư nói trên, gồm Similac Sensitive Isomil Soy của hãng Abbott, Bellamy's Organic của Australia,...với mức giá trung bình từ 300.000 đồng trở lên, chủ yếu dành cho bé từ 0-12 tháng tuổi.
Những sản này còn được quảng bá với nội dung như đã được chứng minh lâm sàng, giúp trẻ chắc xương, hỗ trợ tối ưu hệ miễn nhiễm, giúp phát triển tốt về ngôn ngữ, thị giác và trí tuệ. Chứa hệ dưỡng chất AA, DHA, omega 3, omega 6, taurin, cholin, sắt, kẽm và những dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của trí não và thị giác,...
Tuy nhiên, người tiêu dùng cần chú ý, nhiều dòng sữa khác của chính các hãng Abbott, Snow Brand hay Meiji của Nhật Bản,... như Similac Total, sữa bột meiji hay sữa bột MegMilk cho trẻ từ 1 tuổi trở lên,... vẫn đảm bảo chất lượng.
Theo chia sẻ của một số bà mẹ tại các hội bỉm sữa trên trang mạng xã hội facebook, đa phần khi mua sữa bột cho trẻ thì họ chỉ quan tâm đến các yếu tố: Giá cả, thương hiệu, mùi vị,... chứ ít khi chú ý đến thành phần trong các sản phẩm này.
Chất Glycidyl esters nguy hiểm thế nào?
Các chuyên gia đã kết luận rằng các este axit béo glycidyl (GE) nguy hại cho sức khỏe tiềm ẩn đối với trẻ em ở tất cả các độ tuổi, với mức độ phơi nhiễm trung bình, và đối với người dùng ở tất cả các độ tuổi với mức độ phơi nhiễm cao.
GE, cùng với 3-MCPD, 2-MCPD và các este axit béo trong sữa công thức, được tìm thấy chủ yếu ở dầu cọ và các chất béo trong dầu cọ.
Ảnh minh họa. |
Theo bác sĩ Helle Knutsen, Chủ tịch Hội chuyên gia nghiên cứu chất gây ô nhiễm chuỗi thức ăn của EFSA (CONTAM), “việc phơi nhiễm với GE ở những trẻ sơ sinh bú sữa công thức hoàn toàn, là một mối quan tâm đặc biệt, vì nó cao đến gấp 10 lần so với chuẩn đối với sức khỏe cộng đồng”.
Knutsen giải thích “Chúng tôi đã đặt ra mức tiêu thụ cho phép một ngày (TDI) chất 3- MCPD và các este axit béo là 0,8 microgram trên mỗi kg trọng lượng cơ thể, dựa vào thí nghiệm trên động vật, cho thấy chất này gây tổn hại đến bộ phận cơ thể".
Knutsen nói thêm: “Có đủ bằng chứng cho thấy glycidol (hợp chất mẹ của GE) là tác nhân gây ra ung thư. Vì vậy CONTAM không đặt ra ngưỡng an toàn cho GE”.
3-MCPD là gì?
3-MCPD (3-monochloropropane-1,2-diol) là một hoá chất thuộc nhóm chlorpropanol được hình thành và hiện diện trong thực phẩm, thông qua các quá trình phản ứng giữa một nguồn có chứa clorine (ví dụ như muối ăn hoặc kể cả nước) trong thực phẩn, hoặc một thành phần nào đó trong thực phẩm với các chất béo. Ngoài 3-MCPD, còn có 1,3-DCP (1,3-dichloro-2-propanol), cũng thuộc nhóm này.
Cho đến hiện nay, giới khoa học chỉ mới xác định được rằng, với nồng độ 3-MCPD ở mức tối thiểu 1.1 mg/kg thể trọng, có thể gây thương tổn hệ sinh sản của chuột cống đực, thương tổn dạng tăng sinh và tạo khối u ở thận trên mô hình thực nghiệm động vật.
Thương tổn gia tăng khi liều lượng tiếp xúc gia tăng, và chưa tìm thấy gây độc cho gen (có tìm thấy dựa trên nghiên cứu mô biệt lập nhưng với liều rất cao).
3-MCPD là một hoá chất được sinh ra trong quá trình sử dụng acid HCl thuỷ phân đạm thực vật trong chế biến thực phẩm và sản phẩm nước tương. Ảnh minh họa |
Các thương tổn này đưa đến kết luận là 3-MCPD được xếp vào nhóm hoá chất gây ung thư, có đáp ứng theo liều lượng nhưng không gây độc cho gen (có nghĩa là có nguy cơ gây bệnh đối với cá thể tiếp xúc, chứ chưa có bằng chứng sẽ tạo đột biến gen, di truyền cho thế hệ sau).
Dựa trên kết quả đó, giới khoa học phải chấp nhận suy luận ngoại suy, là 3-MCPD vẫn có thể có nguy cơ gây hại cho con người. Từ 2002, nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát và thiết lập ngưỡng tiếp xúc được cho là tương đối an toàn đối với hoá chất này.