"Adventure of Science: Women and Glaciers in Central Asia" được lên ý tưởng và dẫn dắt, duy trì bởi Đại học Fribourg (Thụy Sĩ), chương trình nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sĩ (SDC) - một tổ chức thúc đẩy sự phát triển bền vững trên toàn cầu.
"Adventure of Science" không chỉ đơn thuần hỗ trợ các dự án khoa học, mà còn là một hành trình truyền cảm hứng, khơi dậy niềm đam mê khám phá và trao quyền cho phụ nữ trẻ trên khắp Trung Á. Đặc biệt, sự tham gia của Viện Khoa học Địa chất Ứng dụng Trung Á (CAIAG) - một tổ chức tiên phong trong nghiên cứu địa chất và môi trường tại khu vực, đã cung cấp nền tảng kiến thức chuyên sâu và mạng lưới hợp tác rộng rãi cho chương trình.
Chương trình thu hút sự tham gia nhiệt tình của các bạn nữ trẻ đến từ những quốc gia đa dạng về văn hóa và địa lý, bao gồm Kyrgyzstan, Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan. Mỗi quốc gia mang đến những sắc màu riêng, tạo nên bức tranh đa dạng và phong phú cho chương trình. Bên cạnh đó, Văn phòng UNESCO tại Almaty, với sứ mệnh thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa, cũng đóng góp vai trò quan trọng trong việc kết nối và lan tỏa giá trị của "Adventure of Scienc".
Martina Barandun, người đồng sáng lập chương trình, chia sẻ với niềm tự hào: "Chúng tôi khởi động 'Adventure of Science' với mục tiêu phá vỡ những rào cản vô hình, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận bình đẳng với lĩnh vực nghiên cứu băng hà. Thật tuyệt vời khi chứng kiến chương trình đang dần thay đổi thực trạng, với ngày càng nhiều phụ nữ Trung Á không chỉ chủ động tham gia mà còn mạnh dạn đảm nhận vai trò lãnh đạo."
Hàng năm, chương trình lựa chọn một địa điểm nghiên cứu mới, mang đến cho người tham gia cơ hội khám phá những vùng đất độc đáo và tìm hiểu về các vấn đề khoa học cấp thiết. Năm nay, hành trình đưa các nhà khoa học trẻ đến với Công viên quốc gia Ala-Archa (Kyrgyzstan) - một thiên đường sinh thái với cảnh quan núi non hùng vĩ và hệ sinh thái đa dạng. Tại đây, họ được trực tiếp quan sát, nghiên cứu và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lên băng quyển, môi trường và tài nguyên nước. Laura Niggli, người hướng dẫn đến từ Đại học Zurich (Thụy Sĩ), chia sẻ về phương pháp học tập độc đáo của chương trình: "Học tập thông qua trải nghiệm thực tế mang đến những giá trị vô giá mà sách vở không thể truyền tải. Tại đây, chúng tôi khuyến khích người tham gia chủ động quan sát, trải nghiệm, khám phá và từ đó hình thành nên sự hiểu biết sâu sắc về thế giới tự nhiên."
Không chỉ dừng lại ở việc trang bị kiến thức khoa học, "Adventure of Science" còn chú trọng nuôi dưỡng và phát triển kỹ năng lãnh đạo cho phụ nữ Trung Á. Thông qua các hội thảo chuyên sâu và hoạt động thực địa đa dạng, người tham gia được rèn luyện kỹ năng thiết yếu như: kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và ra quyết định. Các hội thảo này được thiết kế và triển khai với sự hỗ trợ của dự án Cryosphere - một sáng kiến hợp tác giữa Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và UNESCO, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và quản lý tài nguyên nước băng quyển tại các quốc gia đang phát triển. Nhờ đó, người tham gia được trau dồi kỹ năng hướng dẫn, quản lý dự án và tổ chức các chuyến đi thực địa, từ đó tự tin dẫn dắt và truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2019, "Adventure of Science: Women and Glaciers in Central Asia" đã và đang góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực STEM, khích lệ phụ nữ trẻ Trung Á dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học đầy thử thách nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Với đội ngũ hướng dẫn viên và chuyên gia leo núi là những người phụ nữ giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết, chương trình mang đến cho người tham gia những trải nghiệm thực tế quý báu, bao gồm: nghiên cứu khoa học, kỹ năng leo núi, truyền thông khoa học và phát triển khả năng lãnh đạo.
Câu chuyện của Sabrina Muzafari, một cô gái trẻ đến từ Tajikistan, là minh chứng rõ nét cho sức ảnh hưởng sâu rộng của "Adventure of Science". Năm 2019, Sabrina tham gia chương trình với mong muốn khám phá thế giới băng hà kỳ vĩ. Chuyến hành trình đầu tiên tại sông băng Golubin đã mở ra cho Sabrina một thế giới kiến thức mới mẻ về thủy văn và biến đổi khí hậu, đồng thời thử thách cô với những trải nghiệm thực tế đầy khó khăn, từ việc ngủ trong lều giữa thiên nhiên hoang sơ đến việc tự tan tuyết để có nước sinh hoạt.
"Adventure of Science: Women and Glaciers in Central Asia" mang đến những trải nghiệm thực tế trong các lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học, kỹ năng leo núi, truyền thông khoa học và phát triển khả năng lãnh đạo. |
"Adventure of Science" không chỉ là một chuyến khám phá khoa học thuần túy, mà còn là hành trình giúp Sabrina nhận thức sâu sắc hơn về những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt trong lĩnh vực STEM. "Tôi đã thực sự sốc khi biết rằng nhiều nhà khoa học nữ tài năng phải đối mặt với những trở ngại và định kiến chỉ vì giới tính của họ", Sabrina bộc bạch. Chính những trải nghiệm và bài học quý giá từ chương trình đã thôi thúc Sabrina trở thành một thành viên trong nhóm tổ chức vào năm 2022. Và đến năm nay, cô đã tự tin đảm nhận vai trò người hướng dẫn, dìu dắt những người phụ nữ trẻ khác trên con đường chinh phục khoa học.
"Là một người con của Tajikistan, tôi thấu hiểu những khó khăn mà các cô gái trẻ ở Trung Á phải trải qua. Trở thành người hướng dẫn là cơ hội để tôi kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ họ theo đuổi đam mê khoa học", Sabrina, hiện đang theo học Thạc sĩ về Viễn thám tại Đại học Potsdam (Đức), chia sẻ với ánh mắt lấp lánh niềm tin.
"Adventure of Science: Women and Glaciers in Central Asia" đang ngày càng có những góp mạnh mẽ giúp thắp lên ngọn lửa đam mê khoa học cho phụ nữ trẻ tại Trung Á, giúp họ vượt qua rào cản, định kiến xã hội và tự tin khám phá tiềm năng của bản thân trong lĩnh vực nghiên cứu.
Nhà khoa học Việt đầu tiên được vinh danh Giải thưởng TechWomen 100 Vương quốc Anh
Trong số các gương mặt được vào danh sách này qua các năm, TS Linh là nhà khoa học Việt đầu tiên.