Áp lực hơn 26.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 12/2023

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 26.761 tỷ đồng. 46% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với hơn 12.372 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với 4.030 tỷ đồng (chiếm 15%).

Theo báo cáo của VBMA tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 1/12/2023, đã có 35 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 11 với tổng giá trị hơn 29.331 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 8,2%/năm, kỳ hạn trung bình 6 năm.

Trong đó, có gần 13.000 tỷ đồng đến từ nhóm ngành Ngân hàng (chiếm 44% tổng giá trị phát hành) còn lại đến từ tài chính, vận tải, nông nghiệp, bất động sản,...

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 249.454 tỷ đồng, với 28 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.070 tỷ đồng (chiếm 10,9% tổng giá trị phát hành) và 217 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 222.384 tỷ đồng (chiếm 89,1% tổng số).

Các doanh nghiệp đã mua lại 10.664 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 11. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11 đạt 210.003 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương 84,2% giá trị phát hành. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 47,9% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 100.490 tỷ đồng).

Áp lực hơn 26.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 12/2023- Ảnh 1.

Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 26.761 tỷ đồng. 46% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với hơn 12.372 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với 4.030 tỷ đồng (chiếm 15%), theo Dân Việt.

Tại tọa đàm về thị trường trái phiếu mới đây, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08, thị trường đã có những dấu hiệu tích cực hơn, doanh nghiệp đã quay lại phát hành được trái phiếu, quý 1 hầu như không có đợt phát hành nào nào, từ quý 2 trở đi, tháng sau khối lượng phát hành đều cao hơn tháng trước. Tới hết tháng 11, có 77 doanh nghiệp phát hành khối lượng khoảng 220.000 tỷ đồng.

Thứ hai, căn cứ các quy định của Nghị định 08, doanh nghiệp và nhà đầu tư trái chủ đã rất nỗ lực thực hiện đàm phán thanh toán trái phiếu đến hạn. Có khoảng 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 doanh nghiệp thì đến nay đã có phương án đàm phán, tỉ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% tháng 2/2023 lên 63% vào tháng 10/2023.

Ngoài ra, những doanh nghiệp bố trí được nguồn lực tài chính đã chủ động mua lại trái phiếu trước khi đến hạn. Cùng với đó, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng các bộ, ngành tăng cường kiểm tra giám sát để xử lý các vi phạm trên thị trường nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường; thực hiện công tác tuyên truyền, cảnh báo rủi ro trên thị trường với nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành, tổ chức trung gian tài chính, theo Vneconomy.

Bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI nhấn mạnh, thực ra từ cuối năm 2022, toàn bộ các thành viên thị trường có chung một mối quan ngại là liệu rằng đến năm 2023 điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đến thời điểm này, chúng ta đều có thể nói rằng đã có "hạ cánh mềm" cho sự việc này.

"Thời điểm sắp kết thúc 2023 cũng là thời điểm tất cả chúng ta đều thấy rằng một năm rất khó khăn đã đi qua và thực sự đây là cơ hội, tiền đề để sang năm 2024 sẽ có những tăng trưởng vượt bậc trong thị trường này", bà Ngọc Anh nói.

(Tổng hợp)

AN LY