Google và Apple bị Australia điều tra

Cơ quan giám sát cạnh tranh của Australia (ACCC) ngày 8/9 thông báo mở cuộc điều tra về hoạt động cạnh tranh trên thị trường ứng dụng di động của nước này trong khuôn khổ của dự án nghiên cứu về nền tảng kỹ thuật số trong vòng 5 năm.

Trong thông báo của mình, ACCC cho biết sẽ xem xét các vấn đề bao gồm việc sử dụng dữ liệu và chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng, tình trạng cạnh tranh trên chợ ứng dụng của Google và đối thủ là Apple, cũng như xem xét về việc "có cần một sự minh bạch hơn về giá cả trong thị trường ứng dụng dành cho các thiết bị di động của Australia hay không".

Phó Chủ tịch của ACCC, Delia Rickard, cho biết các ứng dụng đã trở thành công cụ thiết yếu trong cuôc sống hằng ngày của rất nhiều người tiêu dùng Australia. Xu hướng này có thể còn tiếp tục gia tăng trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Vì vậy, ứng dụng đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh tìm kiếm cơ hội thúc đẩy điều hành và phát triển công ty của mình.

ACCC muốn tìm hiểu thêm về thị trường ứng dụng dành cho các thiết bị di động tại Australia, bao gồm mức độ minh bạch và hiệu quả của thị trường đối với người tiêu dùng, cũng như những doanh nghiệp tham gia hoạt động trên thị trường này, cụ thể là Google và Apple. Ngoài ra, ACCC cũng sẽ tập trung vào mức độ cạnh tranh giữa các nhà cung cấp ứng dụng trực tuyến lớn và cách mà họ cạnh tranh để bán ứng dụng so với các nhà cung cấp ứng dụng khác.

Ảnh: Apple Insider
Ảnh: Apple Insider

Bà Rickard cho biết thêm, trong môi trường kinh doanh chợ ứng dụng sôi động như hiện nay, việc giành được vị trí "đắc địa" sẽ ảnh hưởng đáng kể đến doanh số bán hàng và việc thiếu hụt quyền truy cập có thể là một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng.  ACCC sẽ chú ý tới cách dữ liệu được sử dụng và chia sẻ trong hệ sinh thái ứng dụng, bao gồm cả dữ liệu có sẵn cho Google và Apple do họ nắm quyền kiểm soát các cửa hàng ứng dụng lớn, nhằm tạo lập sự minh bạch nhiều hơn nữa cho thị trường tiềm năng này.

Cuộc điều tra của ACCC diễn ra trong bối cảnh vừa xuất hiện cuộc chiến gay gắt tại Mỹ, giữa tập đoàn công nghệ Apple và nhà phát triển các trò chơi điện tử Epic Games. Vụ việc mở đầu vào ngày 14/8 khi Epic cập nhật trò chơi Fortnite, một ứng dụng trò chơi điện tử được ưa chuộng trên toàn thế giới, để người dùng có thể mua trang phục nhân vật kỹ thuật số và các vật phẩm khác trực tiếp bằng thẻ tín dụng. Điều đó vi phạm chính sách của Apple, vì vậy Apple đã gỡ bỏ Fortnite trong vòng vài giờ. Epic Games ngay lập tức đáp trả bằng cách đâm đơn kiện, trong đó cáo buộc Apple có hành vi chống cạnh tranh, đồng thời lên tiếng phàn nàn rằng việc Apples cắt giảm 30% tất cả các giao dịch là không công bằng.

Trước đó, một số nhà phát triển ứng dụng, bao gồm công ty giải trí trực tuyến Netflix, nhà cung cấp ứng dụng hẹn hò Match Group và dịch vụ phát nhạc trực tuyến Spotiry, cũng đã lên tiếng phê phán công khai về khoản phí hoa hồng 30% của Apple. Facebook, đại diện công nghệ hàng đầu của Mỹ, cho rằng việc Apple thu phí dịch vụ cao gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ, khiến họ phải thay đổi các phương thức kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, Apple bảo lưu quan điểm của mình với lý do khoản phí này được tính toán để công ty có thể duy trì chợ ứng dụng App Store cho các khách hàng.

(Nguồn: TTXVN)

TRÚC BÌNH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương