Bà Ngụy Thị Khanh, Top 100 người ảnh hưởng nhất thế giới trong lĩnh vực chính sách khí hậu và hành trình nhiều gian khó

Nhờ đóng góp quan trọng trong năng lượng tái tạo, bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), đã trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng danh giá Anh hùng môi trường 2018. Bà cũng được Tổ chức Apolitical bình chọn là 1 trong 100 người có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới trong lĩnh vực chính sách khí hậu năm 2019. Nhưng đằng sau những thành công ấy là hành trình đầy gian khó không phải ai cũng rõ.

Phóng viên (PV): Thưa chị, so với Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, GreenID cùng Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam vừa công bố một nghiên cứu mới đề xuất đến năm 2030 tăng tỷ trọng Năng lượng tái tạo (NLTT) từ 21% lên gần 30%; nhiệt điện than giảm từ 42,6% xuống còn 24,4%... Dựa trên những bằng chứng nào để đưa ra kết quả trên?

- Bà Ngụy Thị Khanh (NTK): Đây là kết quả được rút ra từ nghiên cứu “Các kịch bản phát triển nguồn điện tại Việt Nam” do chuyên gia GreenID thực hiện trong hai năm 2016 - 2017. Báo cáo là một cơ sở để góp ý vào Quy hoạch điện 8 thời gian tới. Phân tích và mô hình hóa nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có thể cắt 30GW điện than, tương đương đưa ra khỏi quy hoạch 25 nhà máy nhiệt điện than. Thay vào đó là áp dụng triệt để các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, với tiềm năng có thể giảm được khoảng 17.000MW; đồng thời tăng tỷ trọng của NLTT.

Hiện tại giá nhiệt điện than rẻ hơn NLTT vì chưa bao gồm chi phí ngoại biên (chi phí môi trường, xã hội, sức khỏe). Người dân và Chính phủ đang và sẽ phải gánh chịu chi phí có thực này, chứ không phải nhà đầu tư. Nếu xem xét chi phí này thì ngay tại thời điểm nghiên cứu năm 2017, tất cả các công nghệ NLTT đều cạnh tranh hơn về chi phí so với các công nghệ nhiệt điện than. Ngay cả khi không tính đến chi phí ngoại biên, đến năm 2020 - 2025 điện mặt trời và gió đã có thể cạnh tranh được với nhiệt điện than.

Bà Ngụy Thị Khanh nhận giải Goldman năm 2018.  Ảnh: Goldman
Bà Ngụy Thị Khanh nhận giải Goldman năm 2018.  Ảnh: Goldman

Vẫn có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam khó tiếp cận được với NLTT ở mức GreenID khuyến khích. Quan điểm của chị về tính khả thi của NLTT ở Việt Nam trong tương quan phát triển thị trường NLTT trên thế giới?

- Các nghiên cứu trong nước và quốc tế gần đây chỉ ra rằng, NLTT đã khả thi về mặt kỹ thuật, tài chính và kinh tế khi xem xét toàn diện các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thách thức với an ninh năng lượng đã cận kề, muốn giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu đắt đỏ và rủi ro ở bên ngoài, chỉ có con đường phát triển NLTT.

Theo đánh giá mới nhất của Viện Năng lượng đầu năm 2018, chỉ riêng năng lượng mặt trời có thể đạt tới 734.000 MW với giá FiT là 9,35 cent/1kWh, với giá khoảng 7,5 cent/1kWh thì công suất là 204.000 MW (gấp 5 - 18 lần công suất toàn hệ thống điện năm 2015 là 39.000 MW). Từ tháng 6.2017, khi giá điện mặt trời 9,35 cent/1kWh có hiệu lực, đã có khoảng 20.000 MW được đăng ký. Trong khi đó, giá điện gió 7,8 cent/1kWh ra đời từ năm 2011 mà hầu như không có nhà máy điện gió nào được xây dựng. Điều này cho thấy chính sách đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc dẫn đường đầu tư và phát triển điện. Hiện nay luật về NLTT vẫn chưa được lập, và quy hoạch quốc gia về NLTT vẫn chưa có. Điều này gây khó khăn rất lớn cho các nhà đầu tư, cũng như cơ quan chức năng các tỉnh trong quản lý.

Để phát triển tăng tốc, biến xu thế của thế giới hiện nay thành lợi ích và cơ hội đầu tư hiện thực ở Việt Nam, khó hay dễ hoàn toàn phụ thuộc vào việc kiến tạo chính sách với tầm nhìn dài hạn, có tính khả thi và ổn định. Đồng thời là sự nỗ lực, đồng hành, hợp tác vượt trở ngại của các doanh nghiệp công, tư; sự vào cuộc của khối ngân hàng, tài chính; và sự ủng hộ của công chúng.

Chị có thể chia sẻ thêm công việc của mình với cộng đồng địa phương, và vai trò của cộng đồng trong thúc đẩy tính bền vững và năng lượng tái tạo?

- Khi nghiên cứu sự tham gia của công chúng vào quá trình quy hoạch điện vào năm 2011, chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về sự tham gia của công chúng trong quy trình lập quy hoạch, chính sách của Chính phủ. Mục tiêu chính của chúng tôi là tăng cường năng lực và thu hút người dân địa phương vào thảo luận năng lượng, và cung cấp bằng chứng cho người ra quyết định. Chúng tôi cũng làm việc với các cộng đồng địa phương để giúp họ phát triển các kế hoạch NLTT, để họ phát huy nội lực, khai thác những nguồn tài nguyên tại chỗ. Chúng tôi cung cấp tài trợ hạt giống rất nhỏ lúc đầu, chỉ để truyền cảm hứng cho họ chủ động đầu tư và nắm quyền sở hữu giải pháp. Năm ngoái, chúng tôi đã thiết lập một giải pháp năng lượng mặt trời bằng lưới điện nhỏ ở Đắk Lắk; và chúng tôi khuyến khích Chính phủ tài trợ cho các cộng đồng địa phương để áp dụng mô hình này và mở rộng trên toàn quốc.

Bà Ngụy Thị Khanh đã sử dụng những nghiên cứu khoa học và thúc đẩy các cơ quan nhà nước tham gia vào nhiều dự án năng lượng dài hạn. 
Bà Ngụy Thị Khanh đã sử dụng những nghiên cứu khoa học và thúc đẩy các cơ quan nhà nước tham gia vào nhiều dự án năng lượng dài hạn. 

Nhận thức về môi trường đã tăng trong công chúng và ở cấp địa phương. Mọi người hành động khi họ thấy sự phát triển đã ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Chúng ta đang thấy nhiều phản đối và khiếu nại của người dân địa phương gửi tới Chính phủ về những bức xúc, lo lắng; các phương tiện truyền thông cũng đang nói nhiều về các vấn đề môi trường. “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Đối với tôi, cộng đồng và người dân có một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thịnh vượng của không chỉ các địa phương mà cả quốc gia. Họ là chủ thể chính kiến tạo và phát triển cộng đồng địa phương. Vì thế họ cần phải được chủ động tham gia quá trình phát triển tại cộng đồng. Tôi quan niệm các thách thức quốc gia và toàn cầu khó có thể giải quyết nếu không có sự tham gia của người dân trong cộng đồng.


Khó khăn nhất khi làm việc tại cộng đồng địa phương là gì, thưa chị?

- Làm sao để phá vỡ sự trông chờ, ỷ lại, thậm chí thiếu tự tin của nhiều người trong cộng đồng.

Bằng chứng khoa học là một vấn đề phức tạp trong chứng minh hậu quả do ô nhiễm. Đến giờ GreenID đã vượt qua được thách thức này chưa? Chị có chia sẻ nào với những người đang thất vọng về nhiều vấn đề môi trường của đất nước hiện nay, đặc biệt là những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp?

- Thực ra chứng minh hậu quả do ô nhiễm không phải là trách nhiệm của cộng đồng đang phải hứng chịu ô nhiễm, mà trái lại người gây ô nhiễm phải có trách nhiệm đưa ra bằng chứng về việc họ có hay không gây tổn hại cho môi trường. GreenID nỗ lực thu thập, cung cấp thông tin, phân tích từ các số liệu hiện có để chỉ ra vấn đề và để cùng thảo luận với các bên đưa ra các giải pháp. Tôi cho rằng thách thức luôn tồn tại trong xã hội, nhưng điều quan trọng là biết nhận diện và có hành động để tìm ra cách giải quyết vấn đề trước khi quá muộn. Chúng ta cần lên tiếng và tiếp sức, phối hợp với các bên liên quan để ngăn chặn những bàn tay cố tình tàn phá môi trường, hỗ trợ cộng đồng sử dụng các quy định hiện hành của pháp luật để chủ động bảo vệ nguồn nước, không khí, tài nguyên tự nhiên. 

Có ba đứa con, thời gian cho công việc và gia đình của chị hẳn ít nhiều cần hy sinh?

- Cân bằng giữa thời gian cho công việc và gia đình luôn là một thách thức với những người phải đứng đầu một cơ quan, nhất là phụ nữ. Tôi tranh thủ ngày nghỉ, buổi tối cho việc gia đình. Buổi sáng vẫn dậy sớm đi chợ và cả nhà ăn sáng cùng nhau. Tôi may mắn có sự cảm thông chia sẻ của chồng và các con nên mọi việc trong nhà và học hành của trẻ con vẫn thuận lợi. Khoe một chút, các con tôi đều được rèn tính tự lập, tự giác và đang theo học lớp chuyên cả (cười). 

Chị đã thuyết phục được các chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và Chính phủ như thế nào?

- Chắc có lẽ do thấy chúng tôi có nhiệt huyết, tận tụy với bà con và chân thành góp ý, cùng ở, cùng lăn vào làm; đã có ý tưởng là tìm mọi cách làm bằng được, nên mọi người thương mến, hợp tác, chia sẻ khó khăn và thành quả với chúng tôi.

Hẳn chị cũng phải đối diện với áp lực từ nhiều phía?

- Có những khi chúng tôi phải chờ đợi 8 tháng trời mới được cấp phép triển khai dự án cho cộng đồng, mặc dù đã hoàn tất các thủ tục theo quy định, phải xin gia hạn thời gian bắt đầu dự án với nhà tài trợ tới ba lần… Những lúc đó, tin vào việc mình làm là đúng, vì lợi ích của cộng đồng, xã hội, vì những điều tốt đẹp hơn, và quan trọng là gia đình, đồng nghiệp tin tưởng mình, để tự động viên phải tiếp tục cố gắng. Tôi chỉ luôn tâm niệm cố gắng hết sức và bền bỉ thôi. 

Theo tạp chí Người đô thị

Nữ trí thức vượt mọi khó khăn, cống hiến hết mình cho khoa học

Nữ trí thức vượt mọi khó khăn, cống hiến hết mình cho khoa học

Nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trò chuyện với TS. Vũ Thị Thu Lan để biết thêm về những cống hiến lặng thầm của các nhà khoa học nữ.