Bảo đảm cung cầu, bình ổn thị trường Tết 2024

Bộ Công Thương vừa ban hành chỉ thị về việc đảm bảo cân đối cung cầu và ổn định thị trường vào cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Theo Chỉ thị này, để đảm bảo cung cầu ổn định cho các mặt hàng thiết yếu và bình ổn thị trường hàng hóa vào cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cụ thể để đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán.

Theo đó, các Sở Công Thương các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương cần theo dõi và đánh giá nguồn cung và nhu cầu hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, để xác định mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá lớn. Điều này sẽ giúp chuẩn bị phương án để đảm bảo cân đối cung cầu và ổn định thị trường.

Bảo đảm bình ổn thị trường Tết  - Ảnh 1.

Doanh nghiệp chuẩn bạn hàng hóa cuối năm. Ảnh: Cẩm Viên.

Sở Công Thương các tỉnh phải phối hợp với ngành ngân hàng để kết nối doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng thiết yếu với các tổ chức tín dụng để đảm bảo tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Điều này sẽ giúp dự trữ hàng hóa và bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết.

Các Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đảm bảo cung ứng các sản phẩm nông sản và thực phẩm thiết yếu cho thị trường cuối năm và Tết. Đặc biệt, phải có phương án để bảo đảm nguồn cung ứng ổn định.

Bộ Công thường cũng chỉ đạo tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, bao gồm các chương trình kết nối doanh nghiệp phân phối và nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu. Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu công nghiệp và các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá cũng nên được triển khai.

Ngoài ra, để tránh gián đoạn nguồn cung xăng dầu, các địa phương cần chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự trữ đầy đủ xăng dầu và đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường cuối năm và Tết.

Đặc biệt, cơ quan ban ngành tăng cường kiểm tra và giám sát chất lượng, giá cả, và đo lường hàng hóa trong hệ thống phân phối, để ngăn chặn hành vi đầu cơ và tăng giá không hợp lý.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần đảm bảo cung ứng đủ điện trong dịp Tết, và đối với các công ty điện lực trên địa bàn, cần đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.

Ngoài ra, các hiệp hội ngành hàng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương rà soát cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để phối hợp đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ứng phó kịp thời với những biến động bất thường nhằm bình ổn thị trường khi cần thiết.

Đáng lưu ý, chỉ đạo doanh nghiệp thành viên duy trì sản xuất, kinh doanh, chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu, tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời và đầy đủ nguồn hàng cho thị trường.

Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương tuỳ chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị thuộc Bộ Công Thương có liên quan đánh giá cung cầu các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng trong giai đoạn cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Qua đó, chủ động có phương án hoặc đề xuất với Chính phủ các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống.

HÀ MY