Báo nước ngoài lý giải Việt Nam chống dịch COVID-19 thành công, tại sao người lao động vẫn gặp khó

Việt Nam có lợi thế hơn một số nước để đối phó với hậu quả của đại dịch. Đây là thị trường 100 triệu dân, còn rất nhiều dư địa phát triển.

Việt Nam , với doanh thu xuất khẩu tương đương quy mô GDP, đã chứng kiến nền kinh tế tăng trưởng nhanh tới 7,02% trong năm ngoái và tầng lớp trung lưu trong nước đang phát triển chiếm khoảng 13% dân số vào năm 2018, theo Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên, giờ đây đất nước đang chuẩn bị cho sự tăng trưởng chậm nhất suốt 20 năm qua, dù Việt Nam vẫn là nền kinh tế duy nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được dự báo sẽ không rơi vào suy thoái trong năm 2020 này.

Ngủ bụi cà phê võng với giá 20.000 đồng

Dọc theo đường cao tốc ở ngoại ô TP.HCM, phóng viên trang Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng quan sát được một người phụ nữ mang theo tài sản của mình trong một túi ni lông chuẩn bị băng qua làn xe tấp nập đến quán cà phê võng phía đối diện, tìm một chiếc võng trống để có thể ngủ qua đêm.

Khoảng 10 giờ tối, bà trả 20.000 đồng cho chủ quán để được sử dụng vòi sen của quán cà phê võng, ổ cắm, wi-fi, chăn và nước uống. Khi xe tải chạy ầm ầm trên Quốc lộ 1A quanh co qua quận Bình Tân, bà bước ra từ phòng vệ sinh, thay một bộ đồ ngủ màu vàng tươi và chuẩn bị nghỉ mệt.

  Bên trong một quán cà phê võng ở ngoại ô TP.HCM, những người lao động lương thấp có thể tìm thấy một nơi đặt lưng với giá 20.000 đồng mỗi đêm. Ảnh: Giang Phạm

Bên trong một quán cà phê võng ở ngoại ô TP.HCM, những người lao động lương thấp có thể tìm thấy một nơi đặt lưng với giá 20.000 đồng mỗi đêm. Ảnh: Giang Phạm

Người phụ nữ này 58 tuổi, tên là Hiền, một trong những người lao động nhập cư từ nông thôn lên thành phố. Sự tăng trưởng ổn định về kinh tế ở các đô thị lớn tạo động lực để những người như bà Hiền, di cư từ Phú Yên vào năm ngoái, sau khi công việc kinh doanh thất bại ở quê nhà.

Nhưng ảnh hưởng chung của COVID-19 toàn cầu, các công ty may mặc đang chứng kiến lượng đơn đặt hàng giảm mạnh và các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng bởi xuất khẩu giảm đột ngột. Điều này khiến những người lao động phi chính thức như bà Hiền, nhóm người chiếm khoảng 30% lực lượng lao động và cung cấp nguồn nhân công giá rẻ để thúc đẩy nền kinh tế, trở nên thất nghiệp.

Với những khoản nợ phải trả do kinh doanh thất bại, bà Hiền đang rất cần tiền. Vào đỉnh điểm của làn sóng COVID-19 đầu tiên, bà đã phải lang thang khắp nơi để xin việc.

Hiện bà kiếm được khoảng 100.000 đồng mỗi ngày từ dọn dẹp và làm những công việc tạp vụ khác cho các quán ăn gần đó. Mỗi ngày, bà được ăn hai bữa miễn phí tại một ngôi chùa gần đây.

  Một người bán hàng vận chuyển rau tại chợ đầu mối ở Hà Nội. Ảnh: AFP

Một người bán hàng vận chuyển rau tại chợ đầu mối ở Hà Nội. Ảnh: AFP

Tại quận Thủ Đức, bà mẹ đơn thân Ngọc Trâm đã nhận thấy lượng công nhân nhà máy đến tiệm làm tóc nhỏ của cô giảm mạnh, phần lớn là do làn sóng cắt giảm lương và sa thải gần đây. Người phụ nữ 35 tuổi này phải vật lộn rất nhiều, cô đã mang một số sản phẩm tươi sống từ quê hương của mình là Đắk Lắk lên bán “nhưng không có nhiều doanh thu”.

Bà Đỗ Thị Lập, 48 tuổi đến từ tỉnh Thái Bình vừa bị sa thải. Bà từng là nhân viên căng tin tại một nhà máy sản xuất giày. Hai tuần trước, bà phải nghỉ việc và chờ đợi lời hứa từ ban lãnh đạo công ty rằng “có thể có việc vào giữa tháng 9”.

“Nếu tôi vẫn thất nghiệp, tôi có thể sẽ phải về quê”, bà nói.

Cần rõ ràng hơn trong gói hỗ trợ 90.000 tỷ đồng

Từ tháng 3 đến tháng 7/2020, đã có khoảng 382.000 lao động thất nghiệp tại TP. HCM. Thêm 120.000 nhân viên của khoảng 4.000 công ty, chủ yếu trong các lĩnh vực du lịch, vận tải, xây dựng, dệt may và da giày, dự kiến sẽ mất việc trong tháng tới hoặc thời gian sau. Một cuộc khảo sát vào đầu tháng 7 của Tổng cục Thống kê, cho thấy 30,8 triệu người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên, đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch, mất việc làm, bị cắt lương hoặc bị giảm giờ làm.

Vào tháng 4, xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh 14% so với năm trước, tiếp đó là giảm 12,4% trong tháng 5 do thương mại toàn cầu đi vào bế tắc. Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu chỉ tăng 1,5%, so với mức tăng 8% cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, ngành du lịch, chiếm khoảng 9% nền kinh tế, đã chứng kiến doanh thu giảm 55,4% trong 7 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Giang, một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam, cho rằng Việt Nam vẫn có lợi thế tốt hơn một số nước khác để đối phó với hậu quả kinh tế của đại dịch.

“Các nhà quan sát có xu hướng nhấn mạnh thực tế rằng Việt Nam là một quốc gia phụ thuộc vào thương mại, với tỷ lệ thương mại trên GDP cao thứ hai trong Đông Nam Á. Tuy nhiên, đây cũng là một thị trường 100 triệu dân, và còn rất nhiều dư địa để phát triển, miễn là đại dịch được kiểm soát. Cách duy nhất để tiến về phía trước là giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, vượt qua khủng hoảng và tiếp tục hoạt động. 

Tỷ lệ doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh hoặc phá sản hiện nay đang ở mức cao đáng lo ngại. Khi họ có thể tự duy trì, công việc sẽ tự được tạo ra”, ông phân tích.

Hoạt động buôn bán nội địa vẫn khá tấp nập, là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Bloomberg
Hoạt động buôn bán nội địa vẫn khá tấp nập, là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Bloomberg

Tiến sĩ Phùng Đức Tùng, chuyên gia kinh tế kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong của Việt Nam, cũng chỉ ra gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng mà Chính phủ đã triển khai vào tháng 4 là xác đáng. Ông đánh giá cao gói hỗ trợ khác trị giá 90.000 tỷ đồng sẽ sớm dành cho người lao động gặp khó khăn.

“Tuy nhiên, các tiêu chí để xác định những người trong khu vực phi chính thức vẫn chưa rõ ràng”, ông lưu ý. Việt Nam phải gồng mình với tình trạng mất việc nhiều hơn, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ tăng cho đến ít nhất là cuối năm nay.

“Tình trạng thất nghiệp sẽ còn kéo dài vì nó còn phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế của các quốc gia khác và các chính sách thúc đẩy nền kinh tế của Chính phủ”, ông nói.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương