Bar bãi biển ở Hạ Long đang "tiếp tay" cho trẻ em tiếp cận nội dung giải trí không phù hợp lứa tuổi, hay người lớn quá vô tâm?

Mỗi tối, các vũ công múa lồng tại Valley Beach Club tiếp đón hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lượt khách vào ngày cao điểm. Trong số này, có không ít trẻ em đang trở thành nạn nhân của chiêu trò tiếp thị "bẩn".

Có mặt tại bãi tắm Sun World Hạ Long (phường Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh) vào một buổi chiều hè, mới thấy, nơi đây thực sự là một điểm đến lý tưởng trong hành trình khám phá thành phố biển này. Một không gian công cộng tuyệt vời cho tất cả mọi người với bờ cát trắng trải dài ôm sát lấy mặt biển, lấp ló phía xa là những núi đá trùng điệp đúng kiểu đặc trưng của vịnh tạo cảm giác chill vô cùng. Mỗi chiều, nơi đây thu hút đông đảo người dân và du khách tới vui chơi, tắm biển hoàn toàn miễn phí.

Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi khi "ông mặt trời đi ngủ". 

Quang cảnh bãi tắm vào buổi chiều
Quang cảnh bãi tắm vào buổi chiều

Bãi biển công cộng thành nơi vũ công nhảy múa khiêu gợi trước mặt trẻ con

7h tối, mặt trời vừa tắt nắng, bãi biển ngoảnh mặt, khoác lên mình tấm áo hoàn toàn mới. Tiếng nhạc điện tử nổi lên, phá tan bầu không khí chill chill trước đó. Bãi tắm "bỗng chốc thu bé lại" về đúng cửa quán bar Valley Beach Club - nằm ngay cạnh mặt đường, trước lối vào bãi tắm. Quán bar này mới bị xử phạt hôm 1/8 nhưng điều đó không gây ảnh hưởng gì tới độ hút khách. Những chiếc lồng hot hit trên TikTok vẫn sừng sững đặt trước cửa quán bar, sát mặt đường Kỳ Quan - một trong những con đường bao biển to đẹp nhất Bãi Cháy.

Sau khi dư luận lên tiếng về hoạt động nhảy múa "nhạy cảm" - thứ vốn làm nên "tên tuổi" của Valley Beach Club Hạ Long, nơi đây xuất hiện những tấm biển "Hạn chế người dưới 18 tuổi". Những tấm biển được cắm giữa bãi biển công cộng, bên cạnh là một vài gia đình và trẻ nhỏ đang vội bước trở về từ bãi tắm, đi lách qua đám đông hiếu kỳ tập trung trước cửa bar, tạo nên khung cảnh... khá nực cười.

Vấn đề trẻ em ở bar bãi biển Hạ Long

Ít phút sau, các dancer bước vào lồng trong trang phục "giống người đi tắm biển" và bắt đầu uốn éo theo điệu nhạc, hàng trăm người xúm đông xúm đỏ trước cửa quán bar bãi biển lớn nhất Hạ Long. Lúc này, đoạn đường trước cửa quán đông nghịt người và phương tiện, ùn ứ tới vài trăm mét. Đêm nay, mọi ngả đường đều hướng về Valley. Phút chốc, người đã ken đặc quanh đây, hàng trăm, hàng nghìn ánh mắt đổ dồn vào các vũ công.

Đáng nói, trong số này, không khó để nhận ra có tới hàng chục trẻ em (dưới 13 tuổi) đang vừa say sưa ngắm nhìn các cô dancer hot TikTok, vừa đung đưa theo điệu nhạc. Thậm chí có những em còn lấy điện thoại ra quay lại những nội dung đáng ra các em không được phép tiếp cận. Theo quan sát, có những em đi cùng bố mẹ, nhưng cũng thoải mái làm điều mình thích mà không vướng phải sự ngăn cản nào. Đặc biệt có những em còn rất nhỏ, được phụ huynh cao hứng bế hẳn tới lồng cho tiền cô dancer...

Trẻ con ở đây được thoải mái tiếp cận nội dung giải trí vốn chỉ dành cho người lớn. Hình thức giải trí này không xa lạ trong các bar, club trong nhà, nơi đủ điều kiện hạn chế triệt để
Trẻ con ở đây được thoải mái tiếp cận nội dung giải trí vốn chỉ dành cho người lớn. Hình thức giải trí này không xa lạ trong các bar, club trong nhà, nơi đủ điều kiện hạn chế triệt để "Người dưới 18 tuổi".
Có người cho rằng trang phục của dancer
Có người cho rằng trang phục của dancer "giống người dân đi tắm biển" nên khó có thể coi là phản cảm. Nhưng thực tế, có người dân đi tắm biển nào uốn éo khiêu gợi như thế?

 Bắt chuyện với các em, ngoài các em đi cùng bố mẹ, đa số đều đến đây vì hiếu kỳ thông qua xem TikTok và có thể đọc thông vanh vách tên các cô Q.N., T.A... - các dancer nổi nhất quán, đồng thời sở hữu hàng chục đến hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên MXH. Khi được hỏi chưa đủ tuổi sao đã ra đây xem, các em từ chối trả lời. Trong khi đó, người lớn - bố mẹ các em thường tiếp cận vấn đề bằng những cái cười xòa, hoặc những câu kiểu như "vui mà", "có sao đâu, xem tí rồi về"...

Quán bar bãi biển nằm trên khu vực công cộng, hàng ngày có rất đông gia đình đưa trẻ ra vui chơi.
Quán bar bãi biển nằm trên khu vực công cộng, hàng ngày có rất đông gia đình đưa trẻ ra vui chơi.

Qua tìm hiểu, được biết tại quán bar này mỗi đêm có khoảng 4-10 dancer thay phiên nhau. Hoạt động "miễn phí" thường kéo dài từ 20h đến 22h hàng ngày nhằm thu hút khách qua đường tại các lồng nhảy. Hết giờ, Q.N. hay T.A. cũng rút vào trong bar, trở lại với công việc chính là tiếp rượu khách và kiếm tiền "bo". Tuy nhiên trên thực tế, rất ít khách từ nhóm "qua đường" vào sử dụng dịch vụ trong bar, một phần vì giá khá đắt, phần vì họ đến đây chỉ vì hiếu kỳ xem múa lồng. Trong khoảng thời gian 2 tiếng đó, hàng chục, thậm chí hàng trăm trẻ em trở thành nạn nhân của chiêu tiếp thị "bẩn".

Người lớn đang quá vô tâm?

Trò chuyện với những người dân sống quanh khu vực, chúng tôi nhận thấy hầu hết người địa phương đều không mấy quan tâm dù có biết tới quán bar này. Họ đều cho rằng nó vui, cho rằng du khách có chỗ để chơi, giúp hút khách cho thành phố của họ. Nhưng phần lớn họ, đều chưa một lần thực sự trải nghiệm quán bar này, những người làm nghề taxi cũng chỉ chở khách đến cửa rồi quay đi, không vào. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về vấn đề trẻ em, họ im lặng. Có những người sau đó khẳng định, "con mình thì đưa đến đó làm gì". Chỉ một số ít người đưa ra quan điểm một cách trực tiếp vào vấn đề mà chúng tôi đặt ra.

Ở bãi biển công cộng nơi quán bar án ngữ, người lớn có nhận ra họ đang giành chỗ chơi của trẻ con?
Ở bãi biển công cộng nơi quán bar án ngữ, người lớn có nhận ra họ đang giành chỗ chơi của trẻ con?

N.V.H. (người Quảng Ninh, làm nghề lái taxi ở Hạ Long nhiều năm nay) cho biết: "Người dân địa phương không quan tâm anh ạ, chủ yếu đến xem ở đó toàn khách du lịch thôi. Em thấy không phù hợp lắm vì chỗ đó công cộng, chẳng thể cấm được bọn trẻ. Sao không quây lại bên trong mà bày hết ra mặt đường để nhảy nhót. Mà cũng nhiều chuyện buồn cười xảy ra rồi đấy, em nghĩ là phụ nữ, chẳng ai thích chồng mình ra đấy xem, rồi quay phim chụp ảnh, tặng tiền cho mấy cô ở đó cả. Mà cũng nhờ cái đó (múa lồng - PV) quán mới đông, chứ anh xem, các quán xung quanh vắng ngắt".

Chị T.N.T. (du khách đến từ Hà Nội) cho rằng về vấn đề trẻ con, chính người lớn cũng có trách nhiệm: "Theo tôi thấy quán này học theo mô hình ở nước ngoài, nhưng ở nước ngoài, trẻ con không tiếp cận mấy chỗ như vậy được. Dancer nhảy nhót kiểu đó theo tôi sẽ ảnh hưởng không tốt tới trẻ con. Nhưng theo quan điểm của tôi, cũng do bố mẹ nữa, biết như vậy thì đừng đưa, đừng cho con mình đến. Cũng cần mấy chỗ giải trí như bar bãi biển để du khách vui chơi, nhưng vui cần đúng lúc, đúng chỗ".

Chú T. - một người dân Hạ Long, chủ quán giải khát ở Bãi Cháy, biết tới "bar bãi biển có mấy cô dancer nhảy nhót uốn éo" qua chính lời truyền tai nhau của khách tới quán chú, nói: "Chú thi thoảng có đi bộ ngang qua nhưng chưa ghé vào bao giờ. Ở đấy là bãi tắm công cộng. Chú nghĩ việc mấy cô nhảy nhót như thế chỉ phù hợp với một bộ phận thanh niên, chứ các cháu nhỏ hay các ông bà lớn tuổi xem thì không phù hợp chút nào. Chú nghĩ cũng chẳng ai thích đâu, nhưng đôi khi còn vì dịch vụ, vì kéo khách thành ra rất khó lên tiếng. Quan điểm của chú thì mô hình này không hợp với văn hóa mình. Theo chú cần nghiên cứu nhiều cách khác để thu hút khách, chứ cái này không thể hiện bản sắc của Hạ Long".

Biển hạn chế tại nơi công cộng không có tác dụng gì khác ngoài để... làm cảnh.
Biển hạn chế tại nơi công cộng không có tác dụng gì khác ngoài để... làm cảnh.

Qua thực tế quan sát cũng như loạt clip được đăng tải tràn lan trên MXH, có thể thấy hầu hết người lớn có mặt tại quán bar bãi biển nói trên đều không để ý tới vấn đề trẻ con. Họ có thể đã quá mải vui mà thậm chí bế bồng con đứng xem như xem ca nhạc, thoải mái đút tiền... bằng miệng cho dancer rồi chụp hình làm kỷ niệm ngay trước mặt con trẻ. Không ít các ông chồng ngậm tiền lên lồng tip cho dancer bị nhéo tai kéo xuống, rồi cả cụ ông trong tình trạng thiếu tỉnh táo có hành vi cực kỳ phản cảm với người đáng tuổi con, cháu mình... Đằng sau đó, liệu đã có biết bao mâu thuẫn, xung đột trong các mối quan hệ xảy ra? Người lớn chúng ta, định dạy điều gì cho bọn trẻ?

Trẻ em đang bị quấy rối công khai?

Trước vấn đề trên, trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng, chúng ta cần xác định rõ nội hàm của không gian công cộng ở đây.

Vì nếu là không gian công cộng thì chúng ta có quy tắc ứng xử văn hóa trong không gian này. Nếu xác định phần bãi biển sát mặt đường là không gian công cộng, thì cần phải duy trì các nguyên tắc ứng xử tôn trọng con người, tôn trọng các giá trị văn hóa, không được có những hành động phá hoại bầu không khí văn hóa để kiếm lợi cho bản thân.

Rõ ràng, trong tình huống các doanh nghiệp sử dụng dancer ở các bar club phơi ra ngoài đường để hút khách đang làm hỏng không gian văn hóa chung. Rất nhiều hình ảnh phản cảm mang tính chất gợi dục, thiếu tôn trọng phụ nữ. Trẻ em đáng ra cần được bảo vệ khỏi những nội dung không thích hợp với độ tuổi nhưng lại được người lớn cổ vũ lên bục tặng tiền.

Cậu bé này còn được người lớn kiệu trên lưng để tiện xem cô dancer nhảy múa...
Cậu bé này còn được người lớn kiệu trên lưng để tiện xem cô dancer nhảy múa...

 PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh: "Tôi cảm thấy bất bình là tại sao cơ quan quản lý không can thiệp để điều chỉnh các nguy cơ gây hại cho cộng đồng này. Hội phụ nữ tại sao không có ý kiến bảo vệ các cháu khỏi những hành vi quấy rối công khai của công việc trên. Những người bảo vệ trẻ em tại sao chưa lên tiếng khi có nhiều đứa trẻ vẫn hàng ngày ngồi xem dancer nhảy múa".

Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm, những đứa trẻ tiếp cận thoải mái với các tư thế vũ đạo khiêu gợi và nội dung người lớn có thể tạo ra một hình mẫu sai lệch về cách mà nam và nữ nên ứng xử tương tác với nhau trong môi trường công cộng. Bắt chước lại những tư thế này và cho rằng đó là một phần tự nhiên của cuộc sống hàng ngày.

"Càng tiếp cận nhiều sẽ càng dẫn đến những hiểu lầm về giới tính, tình yêu, tình dục và thúc đẩy những hành vi nguy cơ theo những quy chuẩn không lành mạnh", PGS TS Trần Thành Nam chia sẻ.

"Vì lợi ích ngàn năm thì phải gieo trồng văn hóa"

Thời gian gần đây, nhờ sự phổ biến của TikTok, cái tên Hạ Long một lần nữa nổi lên như cồn nhờ các clip nhảy nhót khiêu gợi triệu view. Điều này, theo PGS.TS Trần Thành Nam là lợi bất cập hại. Theo vị PGS.TS, có câu vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.

"Và tôi cho rằng vì lợi ích ngàn năm thì phải gieo trồng văn hóa. Chúng ta phát triển du lịch, nhưng chúng ta không kiếm tiền bằng mọi giá, không hủy hoại văn hóa. Không thể biến nơi có những di sản thiên nhiên tầm thế giới như Hạ Long lại được nhận diện và phải sử dụng chiêu trò hút khách bởi các dịch vụ "người lớn" như vậy được. Nó sẽ hạ thấp và làm mất đi sự quý giá của cảnh quan thiên nhiên nơi này.

Vì vậy, cần có sự vào cuộc nghiêm túc của các cơ quan quản lý để tạo ra sự cân bằng trong việc thu hút du khách, đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp dịch vụ trong bối cảnh tôn trọng con người, tôn trọng vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa địa phương. Xây dựng điểm đến với sự hấp dẫn bởi giá trị và bản sắc văn hóa thiên nhiên con người thực sự chứ không phải những chiêu trò phản cảm", PGS.TS Trần Thành Nam nêu quan điểm.

Quán bar bãi biển lớn nhất Hạ Long từng bị xử phạt

Trong Hội nghị thông tin báo chí thường kỳ của tỉnh Quảng Ninh chiều 1/8, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết, lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt 12,5 triệu đồng đối với Valley Beach Club do lỗi "hoạt động biểu diễn nhưng không thông báo với cơ quan có thẩm quyền".

Ông Sơn cho biết: "Mặc dù hình ảnh trên mạng có những cái không chuẩn mực, nhưng khi đoàn kiểm tra đến thì các cơ sở cũng điều chỉnh ngay, các vũ công nam nữ đã mặc trang phục phù hợp, không biểu diễn trái với thuần phong mỹ tục".

Cũng theo ông Sơn, trong công tác quản lý, vì chưa có quy định rõ ràng như thế nào là phản cảm nên cơ quan quản lý gặp khó. Thực tế trên bờ biển, người đi tắm cũng mặc 2 mảnh như vũ công. Qua sự việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long cũng mong sớm được hướng dẫn cụ thể hơn để thuận tiện cho công tác giám sát, quản lý.

Nhóm PV

Cựu đại úy công an Lê Thị Hiền kháng cáo trong vụ 'dí bill' cướp tài sản ở quán bar

Cựu đại úy công an Lê Thị Hiền kháng cáo trong vụ 'dí bill' cướp tài sản ở quán bar

Lê Thị Hiền là một trong bốn chủ mưu, cầm đầu gây ra các vụ "dí bill" để cướp tài sản của nhiều vị khách đến vui chơi tại quán bar Magic Lounge, bằng thủ đoạn lén đẩy thật nhiều đồ ăn như hoa quả, rượu bia hoặc bóng cười cho khách sử dụng.