Sau 2 ngày làm thủ tục, HĐXX đã kết thúc ngày thẩm vấn đầu tiên đối với 56 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn SCB về tội Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Trong ngày 7/3, Nguyễn Cao Trí ở lại trại giam theo sự đồng ý của tòa để đảm bảo sức khỏe cho bị cáo. Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan chưa được thẩm vấn.
Cũng giống như nhiều bị cáo khác, Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty Tường Việt) thừa nhận cáo trạng truy tố bị cáo là đúng. Ông cũng thừa nhận những gì các bị cáo khác khai về vai trò của bị cáo Lan là đúng.
Theo cáo trạng, Trước được bà Lan và Trương Khánh Hoàng (nguyên Quyền Tổng giám đốc SCB) thỏa thuận chuyển nhượng dự án Thanh Yến tại phường Bình An, quận 2 (hiện là TP Thủ Đức) cho Công ty Tường Việt với giá 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo Trước không phải trả tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại SCB với số tiền 3.500 tỷ đồng; trong đó 2.500 tỷ là tiền nhận chuyển nhượng dự án Thanh Yến, 1.000 tỷ để bà Lan sử dụng và có trách nhiệm trả cho SCB.
Để hợp thức hóa hồ sơ cho khoản vay trên, Trước chỉ đạo nhân viên Công ty Tường Việt liên hệ với SCB thực hiện phương án vay vốn và thành lập Công ty Thuận Tiến, Công ty Khánh Minh để đứng tên hồ sơ.
Ngày 19/5/2021, SCB ký thỏa thuận cho hai công ty trên vay, lần lượt giải ngân 1.700 tỷ đồng và 1.800 tỷ đồng. Mục đích vay thể hiện trên hồ sơ là "bổ sung vốn nhận chuyển nhượng phần vốn góp" trong công ty sở hữu dự án Thanh Yến; tài sản đảm bảo là hơn 7.000m2 đất và tài sản gắn liền với đất của dự án.
Song, sau khi giải ngân, tiền được chuyển lòng vòng vào tài khoản của nhiều cá nhân và công ty thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát để bà Lan sử dụng vào nhiều mục đích cá nhân. Cáo trạng chỉ ra Trước giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt 4.750 tỷ đồng của SCB, gây thiệt hại 605 tỷ đồng lãi phát sinh.
Tại tòa, bị cáo Trước khai bà Lan nói bị cáo vay 3.500 tỷ của SCB, đưa cho bà 1.000 tỷ. "Chị Lan nói đưa cho chị 1.000 tỷ đồng rồi chị Lan sẽ trả lại nhưng đến giờ này chị chưa trả", bị cáo nói.
Trả lời HĐXX về nhận thức của bị cáo khi tin tưởng Trương Mỹ Lan, Trước nói quá trình làm ăn, biết bà Lan "rất uy tín, có tên tuổi, có nhiều dự án bất động sản nên bị cáo muốn làm đối tác với chị Lan", theo Dân trí.
Để lấy lòng Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Trước từng nhiều lần dùng pháp nhân các công ty của mình để vay tiền SCB ứng trước cho bị cáo Lan, nhận lại lời hứa sẽ trả từ bà.
Về việc được bà Lan hứa "thưởng" 1.500 tỷ đồng, Trước lý giải do mình đã tư vấn pháp lý, xin cấp giấy phép xây dựng siêu dự án Mũi Đèn Đỏ và Sài Gòn Bình An. Để thực hiện điều này, bà Lan chỉ đạo bị cáo làm hồ sơ cho Công ty Tường Việt vay 1.500 tỷ đồng.
VKS xác định, để hợp thức hóa hồ sơ vay trên, Trước chỉ đạo nhân viên lập phương án và hợp đồng mua bán khống giữa các công ty trong nhóm Tường Việt. SCB đã giải ngân 18 lần, tổng cộng 1.498 tỷ đồng. Đây thực chất là rút tiền SCB để Trương Mỹ Lan cho Dương Tấn Trước.
"Có sợ chị Lan không trả không?", HĐXX hỏi.
"Trong suy nghĩ của bị cáo, nếu chị Lan không trả thì mình sẽ trả", bị cáo Trước đáp.
Về thiệt hại, ông Trước cho biết, đến nay bị cáo đã khắc phục xong.
Cũng trong ngày 7/3, tòa nhận được đơn của bị cáo Trương Mỹ Lan và chồng Chu Lập Cơ trình bày hiện còn nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nợ tiền 2 bị cáo. Vợ chồng bà Lan có nguyện vọng để con gái Chu Duyệt Phấn thay mặt đi thu hồi số tiền này để dùng khắc phục thiệt hại vụ án.
Chủ tọa Phạm Lương Toản thông báo đây là phiên tòa công khai, nên công bố đầy đủ nội dung đơn đề nghị của vợ chồng bà Lan. Không chỉ bị cáo Lan và Chu Lập Cơ, với các bị cáo khác tòa cũng không hạn chế. Các bị cáo cần cung cấp danh sách đầy đủ, cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ giúp thu hồi số tiền.
HĐXX cũng thông báo con gái bị cáo Trương Mỹ Lan đã được tòa triệu tập nhưng có đơn xin vắng mặt vì đang ở nước ngoài.