Biến chủng của virus SARS-CoV-2 đang ở mức độ nào?

Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 biến đổi liên tục trong quá trình lây nhiễm ở người.

Virus SARS-CoV-2 là chủng virus đang gây ra đại dịch Covid-19 toàn cầu. Đây là chủng virus có vật chất di truyền là một mạch dương RNA. Ban đầu bao gồm 2 nhóm chính là L và S, sau đó kiểu L biến đổi gen và phân thành 2 nhóm mới là V và G. Nhóm G tiếp tục biến đổi thành các nhóm GH và GR.

Các chủng virus có thể giống hoặc khác nhau về mặt sinh học (chức năng), nếu đột biến xảy ra khá thường xuyên các nhà khoa học sẽ tiến hành phân loại. 

  Virus SARS-CoV-2 đột biến liên tục trong quá trình lây truyền trong cộng đồng - Ảnh: EC

Virus SARS-CoV-2 đột biến liên tục trong quá trình lây truyền trong cộng đồng - Ảnh: EC

Hai chủng virus nếu kích thích phản ứng miễn dịch khác nhau trong cơ thể người, hoặc chúng mang đặc tính riêng trong cách thức lây truyền sẽ là khác nhau. Virus xâm nhập tế báo và nhân bản bằng cách sao chép thông tin di truyền - trường hợp virus SARS-CoV-2 là một phân tử RNA. Cơ chế sao chép của virus RNA không chính xác bằng các sinh vật sống cao cấp, do đó đột biến thường xảy ra trong quá trình đó.

2 đột biến quan trọng đã trang bị cho virus SARS-CoV-2 khả năng nhảy từ loài này sang loài khác, dễ lây lan hơn hai loại virus cùng họ corona trước đó. Một trong hai đột biến - vốn cho phép SARS-CoV-2 gắn kết các tế bào lại với nhau, tạo ra một con đường di chuyển nhanh xuyên cơ thể người - chỉ gồm 3 ký tự thay đổi trong mã RNA của nó.

Theo Giáo sư Francois Balloux, thuộc Đại học College London, virus SARS-CoV-2 có khoảng khoảng 20 chủng mỗi năm. Thời điểm giữa năm 2020, các ổ dịch COVID-19 nguy hiểm ở châu Âu và Mỹ làm dấy lên giả thiết rằng chủng SARS-CoV-2 độc và dễ lây hơn đã lan truyền trong dân số. Một số nghiên cứu hồi đầu dịch ước tính có khoảng 30 chủng SARS-CoV-2.

Sau đó dựa vào kết quả khảo sát 30.000 người ở Brazil, các nhà khoa học phát hiện hơn 100 biến thể SARS-CoV-2 khác nhau, tuy nhiên 75% số đó thuộc về 3 chủng chính có nguồn gốc từ châu Âu. 

Biến chủng của virus SARS-CoV-2 đang ở mức độ nào?

Thời gian gần đây, ở Anh đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Ngày 21/12, các nhà khoa học nhận định loại biến thể này có khả năng làm lây nhiễm nhanh hơn từ  50-70% so với chủng virus ban đầu. Đặc biệt trẻ em có thể dễ bị mắc biến thể mới hơn. Các biến thể mới đã gây ra sự bùng nổ gần đây của các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở miền Đông, Đông Nam và London, đặc biệt là khiến Anh bị cô lập với các nước cùng khu vực, các nước láng giềng. 

Một số nhà khoa học cho rằng, loại biến thể này có thể trở nên khó kiểm soát hơn và sau một thời gian biến đổi đủ lâu và có nhiều khả năng vượt qua loại vắc xin đã có. Theo tiến sĩ William Haseltine, chủ tịch tổ chức nghiên cứu Access Health International và là tác giả của nhiều cuốn sách y khoa, cho biết cho tới nay SARS-CoV-2 đã biến đổi với tốc độ khá ổn định với khoảng từ một đến hai biến thể mỗi tháng. Một số đột biến giúp virus dễ lây lan hơn, số khác giúp virus lẩn trốn tốt hơn trước hệ miễn dịch của con người.

Điều gây lo ngại nhất là virus corona ở Anh là virus này có tới 17 đột biến cùng tham gia làm thay đổi các protein của virus. Các đột biến này tác động tới 4 loại protein khác nhau của virus là protein gai (spike protein), ORF1ab, Orf8 và protein N. Trong khi đó không loại trừ khả năng những đột biến này khi kết hợp với nhau có thể thay đổi cách thức hoạt động của virus corona như thế nào.

Hai loại đột biến là  N501Y giúp virus "bám rễ" lâu hơn ở người bệnh và 69-70del có khả năng giúp  virus có thể lẩn tránh được một số phản ứng của hệ miễn dịch đang được lưu tâm.  Dù vậy vẫn phải chờ đợi thêm nhiều nghiên cứu để biết đích xác 17 đột biến sẽ kết hợp với nhau ra sao và tác động thế nào tới cách thức hoạt động của biến thể virus mới.

Đã có ít nhất hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 4 châu lục ghi nhận các ca mắc 2 biến thể virus corona mới tìm thấy ở Anh và Nam Phi, nguồn lây đều là những hành khách đã trở về từ Anh và Nam Phi.

Ngày 1/1, chính phủ Anh công bố nước này đã ghi nhận 53.285 ca nhiễm mới trong ngày đầu và 613 trường hợp tử vong. Theo nghiên cứu của Đại học Imperial London, biến chủng virus mới khiến tỷ lệ lây nhiễm dịch bệnh hiện ở mức 1,1-1,3, tức đã tăng khoảng 0,4-0,7 so với các phiên bản virus trước đây. 

Deepti Gurdasani, giáo sư dịch tễ học từ Đại học Queen Mary, cho biết: "Tỷ lệ lây nhiễm ở khu vực Đông Nam trước đây là 0,9 trong thời gian phong tỏa, nhưng với biến chủng mới, tỷ lệ lây nhiễm là 1,5 ngay cả khi đã phong tỏa, dẫn tới số ca nhiễm mới bùng nổ những tuần gần đây. Tình hình của chúng ta hiện rất nghiêm trọng".

Biến chủng mới lây lan phổ biến trong những người ở độ tuổi dưới 20 nhưng ngày càng lây nhanh trong nhóm người lớn tuổi hơn. Tỷ lệ lây nhiễm ít có khả năng sẽ xuống dưới 1 nếu các trường học vẫn tiếp tục mở cửa, nghiên cứu của Đại học Imperial London cho thấy.

Sáng 2/1/2021, Viện Pasteur TP.HCM cho biết đã phát biện BN1435 nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 - biến thể VOC 202012/01 - là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây. Đồng thời chủng gây bệnh cho BN1435 cũng có đột biến D614G, vốn là chủng được cho làm lây lan nhanh cách đây 4-5 tháng.

Thanh Mai

Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại Canada

Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại Canada

Ngày 27/12, giới chức y tế tỉnh Ontario, tỉnh đông dân nhất Canada, đã xác nhận một cặp đôi sống ở khu vực Durham là...