Biểu tình lan rộng từ Iran sang nhiều nước vì cái chết của một cô gái

Các cuộc biểu tình đang diễn ra với phạm vi, quy mô và tính chất nữ quyền chưa từng có.

Mahsa Amini, một phụ nữ người Kurd 22 tuổi, đã thiệt mạng sau khi bị cảnh sát đạo đức bắt giữ vì vấn đề trang phục. Điều này đã làm nổ ra nhiều cuộc biểu tình diễn ra khắp Iran, sau đó lan rộng đến Mỹ, Úc, các quốc gia châu Âu và nhiều nơi khác.

Cái chết của Amini đã làm dấy lên sự phẫn nộ về các vấn đề bao gồm hạn chế quyền tự do cá nhân ở Iran, các quy định nghiêm ngặt về trang phục đối với phụ nữ và một nền kinh tế quay cuồng với các lệnh trừng phạt. 

  Một người biểu tình cầm ảnh chân dung của Mahsa Amini trên đại lộ Istiklal ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: Getty Images

Một người biểu tình cầm ảnh chân dung của Mahsa Amini trên đại lộ Istiklal ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: Getty Images

Cái chết của Amini giờ đây đã trở thành biểu tượng của sự áp bức bạo lực mà phụ nữ phải đối mặt ở Iran trong nhiều thập kỷ. Ít nhất 50 người đã chết sau khi đụng độ với lực lượng an ninh. Nhiều phụ nữ đã tháo khăn trùm đầu để phản đối các quy tắc hà khắc.

Sau khi Mahsa Amini thiệt mạng, biểu tình bùng lên và lan sang các thành phố lớn, bao gồm Isfahan, Mashhad, Shiraz và Tabriz cũng như tỉnh Kurdistan quê hương của cô. Những người biểu tình yêu cầu chấm dứt bạo lực và phân biệt đối xử với phụ nữ cũng như chấm dứt việc bắt buộc đội khăn trùm đầu.

Firuzeh Mahmoudi, Giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ nhân quyền United for Iran, nói: "Hiện tại chúng ta không chỉ chứng kiến biểu tình ở các thành phố lớn, mà còn các thành phố nhỏ hơn, điều mà trước đây chưa từng xảy ra. Giờ đây, chúng ta cũng đang chứng kiến những cách mà mọi người chưa từng thể hiện, cả trong thông điệp và sự táo bạo".

Mahmoudi cho biết những lời hô vang tại các cuộc biểu tình, như "Chúng tôi sẽ hỗ trợ chị em phụ nữ với cuộc sống và sự tự do" được nghe thấy trên khắp đất nước. Đây là điều chưa từng có đối với chúng tôi. Chúng tôi chưa bao giờ thấy phụ nữ cởi khăn trùm đầu hàng loạt như thế này".

Công chúng cảm thấy hoài nghi về giải trình của các quan chức nhà nước - những người nói rằng Amini chết sau khi lên cơn đau tim và rơi vào hôn mê. Tuy nhiên, gia đình Amini cho biết cô là một người khỏe mạnh và không mắc bệnh tim.

Các nhà lãnh đạo thế giới nhắc đến cô tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở Thành phố New York (Mỹ) trong tuần qua.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm thứ Năm (22/9) cho biết các chuyên gia Liên Hợp Quốc lên án mạnh mẽ việc chính quyền nhà nước sử dụng bạo lực thân thể đối với phụ nữ ở Iran

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi hôm 24/9 đã tuyên bố nước này phải đối phó dứt khoát với các cuộc biểu tình. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ các cuộc biểu tình ở Iran.

"Chúng tôi cũng kêu gọi các nhà chức trách tôn trọng quyền của phụ nữ và xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái, thực hiện các biện pháp hiệu quả để bảo vệ họ khỏi các vi phạm nhân quyền khác, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế".

Vào thứ Bảy vừa qua, tại các thành phố ở Iraq, Đức, Hy Lạp, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Mỹ, nhiều người cũng xuống đường biểu tình để bày tỏ ủng hộ với người dân Iran. Tại Melbourne, người Úc gốc Iran và các nhà hoạt động đã tuần hành ở Phố Swanston và hô vang "tự do cho Iran". Các cuộc biểu tình nhỏ hơn cũng diễn ra ở Canberra.

Thanh Mai