Bill Gates kêu gọi Nhóm G20 tài trợ nhiều hơn để nghiên cứu vaccine chống dịch COVID-19

Theo ông, dù COVID-19 chưa ảnh hưởng nhiều đến nước có thu nhập trung bình - thấp song việc lây lan chỉ là vấn đề thời gian, vì vậy nhóm G20 cần hành động nhiều hơn.

Tỷ phú Mỹ Bill Gates ngày hôm nay (12/4) đã kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tài trợ nhiều hơn nữa để nghiên cứu vaccine ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Bill Gates kêu gọi Nhóm G20 tài trợ nhiều hơn để nghiên cứu vaccine chống dịch COVID-19 (Ảnh minh họa).
Bill Gates kêu gọi Nhóm G20 tài trợ nhiều hơn để nghiên cứu vaccine chống dịch COVID-19 (Ảnh minh họa).

Trong cuộc trao đổi riêng với hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, ông Bill Gates cho biết mắc dù dịch COVID-19 vẫn chưa ảnh hưởng đến nhiều nước có thu nhập thấp và trung bình, song các nhà lãnh đạo thế giới, đặc biệt là G20 cần duy trì việc tài trợ cho hoạt động nghiên cứu trên bởi vì việc lây lan dịch bệnh giữa các khu vực trên thế giới chỉ là vấn đề thời gian.

Để ngăn chặn sự lây lan này, họ cần thực hiện 3 biện pháp gồm đảm bảo việc phân phối thích hợp các nguồn như khẩu trang y tế và các bộ xét nghiệm, tài trợ cho việc nghiên cứu và phát triển vaccine, bào chế và phân phối vaccine.

Cũng theo tỷ phú Bill Gates, Liên minh vì Đổi mới ứng phó dịch bệnh (CEPI) do Quỹ Bill và Melinda Gates, Quỹ Tín thác và chính phủ của nhiều quốc gia thành lập đang phát triển ít nhất 8 loại vaccine tiềm năng phòng COVID-19 và dự kiến sẽ có ít nhất một trong số những vaccine này sẽ sẵn sàng để sử dụng trong vòng 18 tháng tới.

Trong 2 tuần qua, có nhiều nước đã tài trợ cho CEPI, tuy nhiên số tiền tài trợ này chưa đủ và CEPI cần ít nhất 2 tỷ USD để nghiên cứu và phát triển vaccine.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Trung tâm Nghiên cứu vắc xin của Viện Y tế quốc gia Mỹ tại Maryland, hối thúc tiến trình phát triển loại vắc xin mới. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Trung tâm Nghiên cứu vắc xin của Viện Y tế quốc gia Mỹ tại Maryland, hối thúc tiến trình phát triển loại vắc xin mới. Ảnh: Reuters

Các trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu thế giới từ Mỹ, Anh, Israel hay Trung Quốc đang hối hả đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và thử nghiệm, nhằm cho ra đời sớm nhất loại vắc xin ngừa COVID-19.

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 1, Trung Quốc đã công bố bản mã gien loại virus mới tới cơ sở dữ liệu khoa học mở, giúp các viện nghiên cứu và công ty thương mại có thể phát triển thuốc chữa và vắc xin mà không cần lấy mẫu. Đơn vị đang giữ kỷ lục về tốc độ nghiên cứu và phát triển vắc xin cho đại dịch lần này là Công ty Công nghệ sinh học Moderna của Mỹ.

Cuối tháng 2 vừa qua, Moderna tuyên bố hoàn tất việc phát triển một loại vắc xin chống COVID-19 có tên mRNA-1273. Sau đó họ gửi mẫu vắc xin tới Học viện quốc gia Mỹ về bệnh truyền nhiễm và dị ứng (NIAID) để xin phép thử nghiệm lâm sàng trên người. Ngày 16/3 vừa qua, tình nguyện viên 43 tuổi Jennifer Haller trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm liều vắc xin thử nghiệm này, đánh dấu bước tiến quan trọng trong cuộc chạy đua chống lại cơn đại dịch.

Ủy ban Châu Âu vừa cung cấp 80 triệu Euro cho một công ty công nghệ sinh học của Đức có tên CureVac để đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu phát triển vắc xin chống lại Covid-19, nhằm tránh việc công ty này bị Washington thao túng làm đơn vị điều chế độc quyền vắc xin mới cho Mỹ. CureVac đang ở giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật và hy vọng sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người sớm nhất vào tháng 6 tới. Công ty thành lập từ năm 2000 nổi tiếng với các loại thuốc chống ung thư, bệnh dại, cúm và sốt rét.

Tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng yêu cầu Viện Nghiên cứu Sinh học nước này huy động mọi nguồn lực để phát triển vắc xin chống Covid-19. Ngay sau đó, các mẫu virus bảo quản ở nhiệt độ -80 độ C được đưa tới viện để phân tích. Ngày 18/3, viện nghiên cứu này thông báo họ sắp công bố một số đột phá trong việc hiểu biết về cơ chế sinh học của virus Corona chủng mới, tạo tiền đề sản xuất các kháng thể và tiến tới cho ra đời loại vắc xin hoàn chỉnh.

THUẬN TIỆN (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương