Bỏ phố về quê chưa đầy 1 năm, 2 ông bà U70 lại khăn gói về phố: Chi phí sống chẳng rẻ hơn, lại nhiều bất tiện

Về quê sống để thảnh thơi tận hưởng không gian trong lành và sự yên bình, nhưng thực tế liệu có đúng như kỳ vọng?

Ở thời đại này, bỏ phố về quê không chỉ là mong muốn, mục tiêu của những người trung niên, đang bước sang tuổi xế chiều. Ngay cả giới trẻ, cũng có không ít người cảm thấy chán nhịp sống xô bồ, vội vã của những thành phố lớn mà muốn "bỏ hết" để về quê "nuôi cá, trồng rau".

Với người trẻ, mong muốn này có phần khó thực hiện hơn vì ai chẳng biết, tiền không có, đất đai cũng không thì chỉ có thể nuôi cá, trồng rau và thảnh thơi trong tâm tưởng. Thế nên thôi đành, cứ ở thành phố làm việc kiếm tiền, tạm gác lại giấc mơ về quê hít hà hương đồng gió nội, ngắm cánh cò bay.

Thời trẻ của vợ chồng bác Trương cũng hệt như thế. Đến nay, khi đã bước sang tuổi 67, cuối cùng cũng đến ngày vợ chồng bác Trương thực hiện được mong ước đã phải tạm gác lại thời trẻ.

Bỏ phố về quê chưa đầy 1 năm, 2 ông bà U70 lại khăn gói về phố: Chi phí sống chẳng rẻ hơn, lại nhiều bất tiện

Chia sẻ trên Toutiao, bác Trương cho biết: "Chúng tôi đã chuyển tới Bắc Kinh để làm việc, sinh sống và lập gia đình cách đây hơn 40 năm. Tôi là kỹ sư xây dựng còn bà xã là nhân viên hành chính tại bộ phận nhà ăn của một tập đoàn lớn. Khỏi cần nói, thành phố này đã nuôi sống vợ chồng và cả con cái của chúng tôi. Nhưng mong muốn được về quê sinh sống vẫn cứ cắm rễ trong lòng.

Sau khi nghỉ hưu ở tuổi 65, vợ chồng tôi mất gần 2 năm suy nghĩ, đắn đo để đưa ra quyết định cuối cùng: Chuyển về quê - Nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, để sống hết phần đời còn lại".

Theo lời bác Trương kể lại, hai bác đã dành toàn bộ số tiền trợ cấp nghỉ hưu cũng như tiền tiết kiệm để mua một mảnh đất, xây một ngôi nhà ở quê. Hai người con của bác cũng biếu bố mẹ khoản tiền gần bằng 2/3 ngôi nhà. Nói vậy là đủ biết, vợ chồng bác Trương hoàn toàn được con cái ủng hộ với quyết định bỏ phố về quê này.

Bỏ phố về quê chưa đầy 1 năm, 2 ông bà U70 lại khăn gói về phố: Chi phí sống chẳng rẻ hơn, lại nhiều bất tiện

Tuy nhiên, sau 3 tháng chuyển về quê sinh sống, vợ chồng bác Trương lại cảm thấy lo ngay ngáy và bắt đầu nghĩ tới việc quay lại Bắc Kinh vì 3 lý do "không ngờ" dưới đây.

1. Khó tiếp cận dịch vụ y tế

Bác Trương cho biết quê bác rất đẹp, căn nhà bác xây dựng thậm chí còn có view biển, hàng sáng có thể nghe tiếng sóng vỗ rì rào. Nhưng chỉ khi dọn về sống và không may bị viêm ruột cấp, bác mới nhận ra nơi này quá xa các bệnh viện lớn, việc tiếp cận dịch vụ y tế khá khó khăn.

"Tôi đã chọn 1 nơi gần trạm y tế ở vì cũng nghĩ tới việc chẳng may đau ốm lúc tuổi già, còn có thể tới khám chữa. Tuy nhiên, dịch vụ y tế ở trạm y tế lại không thực sự giúp ích được trong những trường hợp nặng như viêm ruột cấp của tôi. Tôi được chuyển lên bệnh viện tỉnh và phải đi mất gần 4 tiếng mới tới nơi. Quằn quại trên xe cấp cứu chừng đó thời gian, tôi thực sự đã nghĩ giá như mình đang ở Bắc Kinh, có lẽ mình sẽ chỉ phải chịu cơn đau này trong vòng 10-15 phút, cùng lắm là 30 phút mà thôi" - Bác Trương kể lại.

2. Mức sống chẳng rẻ hơn là bao, chất lượng hàng hóa không đảm bảo

"Nơi chúng tôi ở cách thành phố tới 4 tiếng lái xe nên giá hàng hóa như thịt, trái cây, dầu gội, nước giặt quần áo,... khá cao. Thứ duy nhất không bị thổi giá ở đây chính là hải sản. Nhưng chúng tôi đều đã có tuổi rồi, không thể ăn hải sản hàng ngày được nữa" - Bác Trương kể thêm 1 yếu tố "không thể ngờ" khi chuyển về quê sinh sống.

Sau đó, bác Trương còn khẳng định, giá rau hay giá thịt heo, thịt bò ở đây không hề rẻ hơn bao nhiêu nếu so với giá ở Bắc Kinh.

"Thịt thà, rau củ, trái cây ở đây vốn đã không nhiều mà còn đắt, lại chẳng tươi. Nếu so với giá ở Bắc Kinh, có lẽ chỉ rẻ hơn khoảng 5-6 đồng nhưng việc mua được thịt tươi ngon, chất lượng cũng rất hên xui" - Bác Trương kể thêm.

3. Mạng điện thoại, wifi quá yếu

Tưởng chừng như đây chỉ là nỗi sợ của những người trẻ, suốt ngày phải "cắm mặt vào điện thoại/laptop" để làm việc, nhưng không. Với những người như vợ chồng bác Trương, wifi yếu, chập chờn cũng là một nỗi ám ảnh.

"Ngay từ khi còn sống ở Bắc Kinh, chúng tôi đã không sống cùng con cháu nên việc gọi video call để được nhìn, được nói chuyện với các cháu đã trở thành thói quen hàng ngày. Nếu không làm, chúng tôi sẽ cảm thấy bứt rứt, nhớ chúng vô cùng.

Nhưng kể từ khi về quê, hai thân già này chẳng còn được nhìn thấy các cháu dù chỉ qua màn hình điện thoại, giao tiếp cũng câu được câu mất vì sóng wifi quá yếu. Vợ chồng tôi đã bỏ thêm tiền để đăng ký 5G tốc độ cao những cũng không mấy hữu ích" - Bác Trương thở dài.

Khu làng nơi vợ chồng bác Trương ở
Khu làng nơi vợ chồng bác Trương ở

Cuối cùng, sau khoảng hơn 5 tháng chuyển về quê sinh sống, vợ chồng bác Trương đã quyết định quay trở lại thành phố Bắc Kinh. Thật may, hai bác mới chỉ cho thuê căn nhà ở Bắc Kinh chứ chưa bán đứt. Với căn nhà ở quê này, hai bác cũng quyết định để nguyên đó, không cho thuê cũng không bán.

"Chúng tôi dự định sẽ về quê mỗi tháng 1 lần, có thể đi cùng các con, các cháu nữa. Sau thời gian chuyển về quê sinh sống, chúng tôi mới nhận ra có lẽ bản thân đã quá quen với những sự tiện lợi mà thành phố này mang lại.

Chất lượng không khí hay nhịp sống ở quê thích thật đấy nhưng với những người có tuổi như chúng tôi, ở gần bệnh viện, có thể nhanh chóng tiếp nhận sự trợ giúp y tế trong trường hợp cấp bách là điều quan trọng nhất. Tôi cũng chỉ nhận ra điều đó sau lần viêm ruột cấp nhớ đời vừa rồi. Nếu đó là một cơn đau tim hoặc đột quỵ khi đang ở quê, có lẽ giờ tôi không còn ngồi ở đây nữa" - Bác Trương chia sẻ.

Từ chia sẻ của vợ chồng bác Trương, có thể thấy việc bỏ phố về quê không phải lúc nào cũng mang tới những trải nghiệm ưng ý, như mơ, đặc biệt là khi chúng ta không tìm hiểu kỹ càng về những dịch vụ được coi là vô cùng thiết yếu với chính bản thân.

AMT

Vợ mẫu tây Bùi Tiến Dũng hoà nhập cực nhanh khi về quê chồng: Đi xe máy, chơi bóng chuyền cùng hàng xóm

Vợ mẫu tây Bùi Tiến Dũng hoà nhập cực nhanh khi về quê chồng: Đi xe máy, chơi bóng chuyền cùng hàng xóm

Vợ Bùi Tiến Dũng đã có mặt tại Thanh Hoá sau khi hoàn thành công việc.