Chiều 16/6, tại cuộc họp báo 6 tháng đầu năm 2020, đại diện Bộ Xây dựng cho biết thị trường BĐS đang gặp khó khăn khiến nguồn cung khan hiếm tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm đạt thấp, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực sụt giảm..theo thông tin trên báo Hải Quan.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm trong quý đầu năm 2020 thấp, chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm, lượng giao dịch thành công giảm 36,6% so với cuối quý 4 năm 2019.
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển cho thị trường BĐS, đại diện Bộ Xây dựng đã đề cập tới hàng loạt giải pháp nhằm tháo gỡ, thúc đẩy thị trường này phát triển.
Theo đó, về giải pháp dài hạn, Bộ Xây dựng cho biết cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS, Bộ Xây dựng đề xuất cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua BĐS du lịch. Ảnh minh họa. |
Về sửa đổi luật đất đai, trong điều kiện chưa sửa Luật Đất đai, Bộ Xây dựng cho rằng cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định thi hành Luật đất đai năm 2013 để xử lý các diện tích đất công xen kẹt trong dự án đầu tư BĐS, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án BĐS, cho phép các dự án đang thực hiện thủ tục nhận bàn giao đất mà doanh nghiệp diện được giãn, chậm nộp tiền sử dụng đất để có thể triển khai dự án.
Về phía DN, theo Bộ Xây dựng, để khôi phục lại thị trường BĐS, các DN kinh doanh BĐS cần khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp như: chủ động tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, tinh giản bộ máy nhân sự, cho phép nhân viên được làm việc tại nhà hoặc làm việc luân phiên... Đặc biệt, cần tái cơ cấu lại sản phẩm BĐS theo nhu cầu thị trường, thực hiện giảm giá bán, giá thuê BĐS, tăng cường liên doanh, liên kết với các DN BĐS để có thêm nguồn vốn đầu tư…
Trong các biện pháp, đáng chú ý nhất là giải pháp về việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 theo hướng tăng số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu trong mỗi một toà nhà chung cư; cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các BĐS du lịch tại Việt Nam.
Tháng 5 vừa qua, Bộ Quốc phòng đã cung cấp thông tin về những cá nhân, doanh nghiệp người nước ngoài đang “núp bóng” sở hữu và thuê tại các vị trí các khu đô thị ven biển, gần sân bay….Từ đó, câu chuyện về an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế khu vực ven biển, kinh tế biển lại được đặt ra. Các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh nhưng cũng có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.
Tuy nhiên, trước đề xuất cho người nước ngoài mua bất động sản du lịch, trả lời một chủ đầu tư bất động sản cho rằng, nếu chấp thuận cho người nước ngoài mua bất động sản du lịch đồng nghĩa với những rủi ro. Theo đó, một dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển khó tách bạch khu vực bán cho người nước ngoài và khu vực bán cho nhà đầu tư trong nước, chúng ta chỉ kiểm soát được tỷ lệ được phép bán cho người nước ngoài trên tổng dự án là bao nhiêu.
“Đồng ý với việc để người nước ngoài mua dự án bất động sản du lịch nghĩa là người nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài đang “núp bóng” để sở hữu bất động sản ven biển có thể mua một cách hợp pháp, đúng luật. Do đó, cần kiểm soát và phân loại các dự án bất động sản du lịch được bán cho người nước ngoài nếu đề xuất này được chấp thuận”, chủ đầu tư bất động sản trả lời phỏng vấn trên báo VOV.