Chiều ngày 13/3 là một ngày đặc biệt đối với lớp SV cử nhân Ngôn ngữ học, Trường Ngoại ngữ-Du lịch, thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Các em được gặp và nghe ThS. Vũ Thùy Linh, Khoa Trị liệu ngôn ngữ, Bệnh viện Nhi Trung ương, trình bày và trao đổi về công việc của một người tốt nghiệp đại học xuất sắc ngành ngôn ngữ học và làm công tác trị liệu ngôn ngữ ở một bệnh viện lớn.
Đối với nhiều người, Ngôn ngữ học (Linguistics) là một ngành khô khan, hàn lâm, toàn bàn chuyện ở đẩu ở đâu, như kết cấu cú pháp cơ bản của tiếng Việt là gì, Chủ-Vị hay Đề-Thuyết, vì sao xếp tiếng Việt vào loại hình ngôn ngữ thiên-chủ đề (Topic-Prominent), hoặc nếu cụ thể hơn, thì cũng là những vấn đề mà không giải quyết thì cũng chẳng chết ai, kiểu như trong câu tồn tại (kiểu câu như "Trên tường treo một bức tranh") thì có chủ ngữ hay không, nếu có thì chủ ngữ ở đâu: chủ ngữ bị ẩn đi, đứng trước hay đứng sau... Chưa kể những vấn đề hại não hơn, mang tính triết học, như tên riêng (proper name) có nghĩa hay không, nghĩa của nghĩa (meaning of meaning) là gì, có phải cú pháp độc lập với nghĩa (meaning) và cách sử dụng (use) như Chomsky quan niệm?
Hoàn toàn ngược lại hình dung trên đây về ngôn ngữ học hàn lâm, kinh viện, ThS Vũ Thùy Linh đã trình bày một cách cụ thể, như trò chuyện, từ góc nhìn của người trong cuộc, về công việc của một nhà trị liệu ngôn ngữ học. Hóa ra, ngôn ngữ học có những mảng rất thực tế, thiết thực đối với cuộc sống, đem lại niềm vui, nụ cười cho bao số phận.
ThS. Vũ Thùy Linh đã trình bày một cách gọn gàng, mạch lạc và rất duyên dáng về những loại bệnh cần trị liệu ngôn ngữ, từ những trẻ sau phẫu thuật khe vòm miệng, trẻ khiếm thính được cấy ốc tai, trẻ tự kỷ, trẻ rối loạn tiếp nhận và tạo lập ngôn ngữ/lời nói, về công tác chẩn đoán, về những bài tập trị liệu ngôn ngữ đòi hỏi kiến thức ngôn ngữ học, tâm lí học, sự kiên trì, sự yêu thương đối với trẻ... Tất cả đều cảm nhận ngôn ngữ học thật tuyệt vời, khoa trị liệu ngôn ngữ thật là một khoa học nhân văn. Cả phòng (sinh viên và các thầy cô) đã xúc động vỗ tay, khi vào cuối buổi tọa đàm, Linh cho chiếu hai clip để so sánh: ở clip đầu tiên, cháu bé (chừng 5 tuổi) không thể phát âm các từ bình thường; clip thứ hai (do bố cháu gửi tặng), sau mấy tháng được cô Linh trị liệu ngôn ngữ, cháu đã phát âm gần như bình thường, đã có thể đi học và đọc sách vanh vách.
Trị liệu ngôn ngữ học là một trong những mảng ứng dụng của ngôn ngữ học ứng dụng (Applied Linguistics), mà hiện nay không thể thiếu trong đời sống xã hội: xử lí ngôn ngữ tự nhiên, trí tuệ nhân tạo (AI), ngôn ngữ học hình pháp (trong đó có nhận diện giọng nói), giảng dạy bản ngữ và ngoại ngữ, biên phiên dịch, biên tập, các lĩnh vực của ngôn ngữ học rộng lớn đến nỗi trong bộ Bách khoa thư ngôn ngữ học (2004) do Keith Brown chủ biên, tác giả kể rằng hiện nay câu hỏi mà các nhà ngôn ngữ học thường bị hỏi và thường rất lúng túng để trả lời, đó là câu "Vậy, ngôn ngữ học là gì?".
ThS. Vũ Thùy Linh |
Ngôn ngữ học, theo Halliday và Martin (trường phái Ngôn ngữ học chức năng hệ thống, SFL) là một "khoa học khả dụng" (appliable), hiện nay ngôn ngữ học không chỉ dừng lại ở những vấn đề thuộc ngôn ngữ/lời nói mà còn mở rộng ra, bao quát những vấn đề thuộc Tín hiệu học xã hội (Social Semiotics), như văn bản đa phương thức (Multimodal), khi mà hình ảnh, âm nhạc trong phim đều được nghiên cứu trong phạm vi ngôn ngữ học.
Sinh sau đẻ muộn (so với các cơ sở đào tạo ngôn ngữ học ở các trường Nhân văn và Sư phạm) nhưng Khoa tiếng Việt và Văn hóa, Trường Ngoại ngữ-Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, đã có định hướng hợp với xu thế và đòi hỏi của xã hội hiện nay, đó là đào tạo ngôn ngữ học theo định hướng ứng dụng. Lớp cử nhân ngôn ngữ học năm nay là khóa đầu tiên, là khóa hứa hẹn có những đột phá, làm thay đổi quan niệm của mọi người về vai trò của ngôn ngữ học.
Bắt đầu buổi nói chuyện, mình vô cùng xúc động khi Linh chiếu lên hình ảnh mấy thầy trò chụp hôm Linh tốt nghiệp đại học (làm khóa luận tốt nghiệp với thầy Hiệp), Linh nói thầy Hiệp là người truyền cảm hứng cho Linh, cùng với hai người thầy lớn là GS Đoàn Thiện Thuật và GS Nguyễn Văn Lợi.
Cuối buổi nói chuyện, Linh còn nhắc câu mà mình nói với Linh hôm Linh bảo vệ khóa luận tốt nghiệp: "Trình bày chậm thôi, và hãy khoan lấy... chồng".
Trình bày chậm thôi, vì Linh nói nhanh quá (có nhiều điều muốn nói với hội đồng, sợ không kịp nói hết), còn khoan lấy chồng, là vì Linh rất có năng lực, thầy sợ trò vội lấy chồng, như cô nàng trong thơ Hàn Mạc Tử "Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi..."
Nay Linh là một người làm trị liệu ngôn ngữ học có chuyên môn, uy tín ở Bệnh viện Nhi Trung ương, có một gia đình hạnh phúc với người chồng tài giỏi (Linh nói nhà em hỏi thầy có còn đá bóng được không, mình nói là còn, năm vừa rồi tham gia giải bóng đá của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, rinh cái giải "Cầu thủ cao tuổi nhất", kèm hiện kim 500.000 đồng, đã ủng hộ đội bóng uống bia mừng giải nhì. Làm nghề dạy học, thầy cô nào cũng tự hào có được học trò như Linh.
Cũng trong buổi tọa đàm, khi cô Trưởng khoa Lê Thị Lan Anh để nghị tôi nói đôi lời, tôi đã nói thêm về những lĩnh vực ứng dụng của ngôn ngữ học, trải nghiệm của mình những lần tham gia chấm luận án Tiến sĩ tại Trường Đại học Y Hà Nội (những luận án liên quan đến trị liệu ngôn ngữ học, ở khoa Tai Mũi Họng và Răng Hàm Mặt), để thay đổi không khí, mình giới thiệu bài hát tôi rất thích, được xem là một trong những bài hát được yêu thích nhất trên thế giới khi Giáng sinh về, có liên quan đến chủ đề buổi tọa đàm, đó là bài "All I Want for Christmas Is My Two Front Teeth" (tạm dịch: Tất cả những gì tôi muốn trong mùa Giáng sinh này là hai cái răng cửa của tôi". Căn nguyên của bài này, đọc trên mạng, là trong lớp nhạc trẻ con, có bé thay răng, sún hai cái răng cửa, phát âm rất khó, bị bạn chế giễu. Thầy dạy nhạc hỏi học sinh ước gì trong mùa Giáng sinh, bé chỉ ước là có hai cái răng cửa mới thôi. Bài hát này được thầy giáo viết ngay sau đó. Tôi nói: chỉ thay răng (sún tạm thời) mà đã khổ sở như thế, huống chi những em bé có khiếm khuyết về bộ máy cấu âm, bị khuyết tật nào đó trong tạo lập/tiếp nhận ngôn ngữ, sử dụng lời nói. Vì thế, công việc trị liệu ngôn ngữ của những người như ThS.Vũ Thùy Linh thật nhân văn, cao quý.
Cần có cơ chế ưu tiên cho nữ trí thức tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học
Cần tăng cường giao các đề tài, dự án cho các nhà khoa học nữ để sử dụng tài năng của họ một cách tối đa.