Các bác sĩ nói gì về thuốc chữa COVID-19 tại Việt Nam?

Hiện trên thế giới chưa có thuốc nào được công nhận về hiệu quả điều trị COVID-19, việc có thuốc Favipiravir cung cấp thêm một lựa chọn trong điều trị.

Mới đây, Viện Hóa học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu thành công phương pháp mới trong việc tổng hợp thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm.

Theo thông tin từ Viện Hóa học, hiện dịch COVID-19 đang hoành hành ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt hiện nay xuất hiện một số biến thể mới như Alpha, Delta, Delta plus. Biến thể virus này có khả năng lây lan nhanh và khó kiểm soát, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiện nay, việc nghiên cứu, cấp phép, sản xuất và tiêm chủng một số loại vaccine như: Astrazeneca, Pfizer, Moderna, Johnson and Johnson đã góp phần ngăn ngừa đại dịch COVID-19 hiệu quả.

z2588608719870_77b033413adad218167913cf66c421d1(2).jpg
Loại thuốc này đã được Nhật Bản bào chế thành công cách đây 7 năm. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, do xuất hiện nhiều loại biến thể mới có khả năng kháng vaccine, nên thuốc chống virus là yếu tố bổ sung quan trọng cho các loại vaccine hiện có trong phòng và chống đại dịch COVID-19.

Theo GS.TS. Nguyễn Văn Tuyến - Viện trưởng Viện Hóa học, được sự chỉ đạo của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hóa học đã tiến hành nghiên cứu tổng hợp thuốc điều trị SARS-CoV-2. Viện Hóa học đã nghiên cứu thành công phương pháp mới, hiệu quả tổng hợp thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm.

Favipiravir là thuốc có cơ chế hoạt động tương tự như Remdesivir, nhưng được sử dụng ở đường uống và lần đầu tiên được sử dụng chống SARS-CoV-2 ở Vũ Hán. Loại thuốc này cũng được chấp thuận sử dụng ở Ý, Nhật Bản, Nga và một số nước khác.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, nhận định việc các nhà khoa học trong nước tổng hợp thành công Favipiravir, là một tín hiệu rất đáng mừng, khẳng định năng lực nghiên cứu của Việt Nam. Song để đánh giá mức độ an toàn, hiệu quả của thuốc này, chúng ta phải thử nghiệm lâm sàng trên số lượng mẫu lớn, có so sánh mù đôi.

Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Quốc Anh, Phó viện trưởng Viện Hoá học, cho biết thời gian tới, đơn vị này tiếp tục hoàn thiện và nâng cao quy trình tổng hợp, lập hồ sơ đăng ký thử nghiệm lâm sàng, tiến tới xin được cấp phép sử dụng thuốc Favipiravir tại Việt Nam, theo Zing.

z2588616927824_696fa601d6387b7b64e392a442367119.jpg
Các nhà khoa học Viện Hóa học nghiên cứu tổng hợp thuốc Favipiravir. Ảnh: Viện Hóa học

Theo ông Quốc Anh, trong bối cảnh đại dịch phức tạp, chiến lược vaccine vẫn là quan trọng nhất. Việc có thuốc Favipiravir sẽ đưa thêm một lựa chọn trong điều trị.

Về việc nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19 trên thế giới cũng như tại Việt Nam, bác sĩ Hồng Hà chia sẻ hiện có nhiều thuốc kháng virus được sử dụng cho người nhiễm nCoV. Nhưng thế giới chưa có thuốc nào được công nhận về hiệu quả. Các thuốc kháng virus có mục tiêu ngăn cản hậu quả tổn thương, làm giảm bệnh, không phải để ngăn cản virus.

"Chẳng hạn Mỹ dùng Remdesivir trong phác đồ, kết quả giúp giảm một vài triệu chứng so với nhóm không điều trị. Nhưng cũng chỉ giảm nhẹ, trong khi chi phí điều trị cao nên không có ý nghĩa nhiều", bác sĩ Hà nói.

Theo chuyên gia này, Việt Nam chưa sử dụng Favipiravir hay Remdesivir trong phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong lần cập nhật mới nhất (phiên bản 5) vào cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Y tế khẳng định đã có nhiều thuốc kháng virus được thử nghiệm, nhưng chưa có hiệu quả rõ ràng nên không khuyến cáo áp dụng.

(Tổng hợp)

AN LY