Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 33/CĐ-TTg ngày 7/4/2024.
Công điện nêu rõ: Trước tình hình hoạt động tấn công mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền (ransomware) tăng mạnh thời gian gần đây và có thể tiếp tục diễn biến phức tạp trong giai đoạn tới, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào các nội dung trọng tâm.
Thứ nhất, trực tiếp chỉ đạo và phụ trách công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ tướng Chính phủ nếu để hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý không bảo đảm an toàn thông tin mạng, để xảy ra sự cố nghiêm trọng.
Hai là, chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; gửi kết quả về Bộ Thông tin và Truyền thông trước 30/4/2024.
Ba là, thực hiện nghiêm thời hạn hoàn thành phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn cho 100% hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý, thực hiện và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin theo hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt.
Bốn là, sử dụng thường xuyên các nền tảng hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và thực thi pháp luật về an toàn thông tin mạng.
Năm là, bố trí hạng mục về an toàn thông tin khi xây dựng, triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm, giai đoạn 5 năm và các dự án công nghệ thông tin; bảo đảm tỷ lệ kinh phí chi cho các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng đạt tối thiểu 10% tổng kinh phí triển khai các kế hoạch, dự án này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 7/6/2019.
Trường hợp xảy ra sự cố tấn công mạng, phải kịp thời báo cáo sự cố về cơ quan chủ quản, đơn vị chuyên trách ứng cứu sự cố cùng cấp và Cơ quan điều phối quốc gia, các cơ quan, doanh nghiệp có chức năng quản lý an ninh mạng. Đồng thời, tuân thủ sự điều phối ứng cứu sự cố của Cơ quan điều phối quốc gia và các cơ quan chức năng có liên quan trong việc: thu thập, phân tích thông tin; xử lý, khắc phục sự cố; xác minh nguyên nhân và truy tìm nguồn gốc; phát ngôn và công bố thông tin…
Ngoài ra, hằng quý gửi Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý trước ngày 20 của tháng cuối quý, theo Dân Việt.
Hiện nay các cuộc tấn công mã hóa dữ liệu nhằm vào các tổ chức kinh tế, tài chính, năng lượng… gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, dẫn đến tâm lý lo lắng cho hàng triệu người dùng Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia an ninh mạng, mã độc nằm vùng một thời gian và sau đó mã hóa dữ liệu tống tiền, lúc này không ai có thể lấy lại dữ liệu, buộc phải "chuộc" số tiền lớn để hacker trả khóa. Phần lớn họ sử dụng Bitcoin không thể tìm ra dấu vết. Nếu các doanh nghiệp không có giải pháp phòng vệ, sẽ còn gặp nhiều các tình huống tấn công như vậy trong tương lai.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hơn 13.750 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam gây ra sự cố. Trong đó, tính riêng 3 tháng đầu năm nay, số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam là 2.323 cuộc. Việc các tổ chức, doanh nghiệp Việt liên tiếp phải đối mặt với sự cố gần đây đang khiến nhiều cơ quan, đơn vị lo lắng, theo diendandoanhnghiep.vn.