Các chuyên gia lo ngại bởi các đột biến của biến chủng nCoV mới B.1.X

Biến chủng nCoV mới được phát hiện tại Pháp mang tên B.1.X hay B.1.640 có những protein tăng đột biến chưa từng được ghi nhận trước đây.

Biến chủng mới mang tên B.1.X hay B.1.640 được cảnh báo đầu tiên bởi giới chuyên gia Pháp. Theo tờ Le Telegramme của Pháp, nó đã lây nhiễm cho 24 trường hợp trong một trường học (18 trẻ em và 6 người lớn) ở vùng Brittany vào tháng 10 khiến ngôi trường này phải đóng cửa.

Mặc dù tình hình dịch tại trường học trên đã được kiểm soát từ ngày 26/10, song giới chuyên gia nước này đặc biệt chú ý và lo ngại khi biến chủng B.1.X có một số đột biến hoàn toàn mới. Protein đột biến cho phép virus bám vào tế bào người và lây nhiễm bị loại bỏ một số thành phần so với chủng gốc.

Từ ngày 11/11, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cũng thêm B.1.640 vào danh sách các biến chủng đang theo dõi. Ảnh: Pixabay
Từ ngày 11/11, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cũng thêm B.1.640 vào danh sách các biến chủng đang theo dõi. Ảnh: Pixabay

Theo Le Telegramme, ngoài Pháp tỷ lệ mắc biến chủng mới tại các quốc gia này vẫn còn khá thấp. Chỉ có khoảng 25-30 trường hợp lây nhiễm biến chủng B.1.X xuất hiện rải rác ở Vương Quốc Anh, Thụy Sĩ, Scotland và Italy.

Nhóm chuyên gia tại Pháp đã cố gắng tìm lời giải cho câu hỏi: liệu sự thiếu hụt của một số đột biến trong giải trình tự gene của B.1.640 có khiến nCoV lây nhiễm ít đi không hay sẽ khiến nó hình thành chủng mới đáng gờm hơn.

Từ ngày 11/11, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cũng thêm B.1.640 vào danh sách các biến chủng đang theo dõi.

Khi truy tìm nguồn lây của chùm ca bệnh mới, nhóm chuyên gia tại Pháp phát hiện B.1.X có nguồn gốc từ châu Phi. Bệnh nhân số 0 đến từ Nantes và lây truyền virus trong một bữa tiệc ở Bannalec.

GS Cyrille Cohen, Đại học Bar-Ilan, Pháp chia sẻ trên tờ The Jerusalem Post về sự lo lắng xung quanh việc xuất hiện biến chúng B.1.X. Ông cho rằng đó là minh chứng cho hậu quả của việc bất bình đẳng trong phân phối vaccine. “Một nhóm dân số trên thế giới không được tiếp cận vaccine. Điều này khiến virus tiếp tục nhân lên và tạo ra nhiều biến chủng hơn nữa. Điều đáng lo là chúng ta không biết chúng sẽ nguy hiểm đến mức nào.

“Nếu chúng ta tiếp tục không tiêm chủng nhanh cho những quốc gia này, các biến chủng mới sẽ ảnh hưởng diện rộng và chính các nước phát triển cũng sẽ ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tôi không muốn làm mọi người sợ hãi. Hiện tại, chỉ một vài ca nhiễm B.1.640, rất có thể trong một tháng tới, biến chủng này cũng không xuất hiện nữa. Song, đó là ví dụ tiêu biểu cho việc cần phải phân bổ vaccine Covid-19 thật nhanh tới những khu vực đang thiếu thốn”, GS Cohen nhấn mạnh.

Theo báo cáo hàng tuần của Q4 Global Forecast, do Economist Intelligence Unit (EIU) công bố, tính đến cuối tháng 10, chỉ có khoảng 6% dân số tại châu Phi được tiêm vaccine Covid-19. “Nguyên nhân của tỷ lệ tiêm chủng thấp tại châu lục này là sự chậm trễ kéo dài trong việc cung ứng vaccine Covid-19”.

Tính đến thời điểm hiện tại, chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới mới chỉ cung cấp khoảng 400 triệu liều vaccine Covid-19 trên toàn cầu.

Diệu Thuần (t/h)

Giám đốc BV Chợ Rẫy: ' Việt Nam cần chuẩn bị kịch bản nếu có biến chủng mới'

Giám đốc BV Chợ Rẫy: " Việt Nam cần chuẩn bị kịch bản nếu có biến chủng mới"

Ông Thức nhấn mạnh việc nhìn lại, đánh giá cần khách quan, không vì mục đích phê phán mà để rút kinh nghiệm nếu dịch không may trở lại.