Giám đốc BV Chợ Rẫy: " Việt Nam cần chuẩn bị kịch bản nếu có biến chủng mới"

Ông Thức nhấn mạnh việc nhìn lại, đánh giá cần khách quan, không vì mục đích phê phán mà để rút kinh nghiệm nếu dịch không may trở lại.

Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đại biểu Quốc hội TP.HCM nêu ra nhiều cái khó của ngành y khi các chính sách được thiết kế trong điều kiện bình thường không còn phù hợp trong và sau đại dịch. TP.HCM cần sớm rút ra bài học, vừa để chuẩn bị cho giai đoạn tới.

"Thành phố đang chịu 2 sức ép, một là phát triển kinh tế; hai là một bộ phận người dân có tâm lý muốn bung ra sau thời gian dài giãn cách. Việc cân bằng hai tâm lý này rất quan trọng, không nên vì sức ép kinh tế mà có tâm lý bung quá sớm, hậu quả là thiệt hại nhiều hơn.

Hiện, tôi nhận thấy chính sách của TP.HCM là hợp lý và có đánh giá toàn diện theo Nghị quyết 128, mở cửa từng bước phù hợp. Việc siết quá là không cần thiết, đặc biệt khi Tết sắp đến, nếu mở quá cũng không được. Do đó, cần cân nhắc thời điểm nào mở đến đâu", ông Thức nói.

Giám đốc BV Chợ Rẫy:

Theo ông, trong lúc này, ngành y tế cần tổng kết những gì đã diễn ra, phân tích sâu sắc hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan. Từ kết quả này, thành phố mới có căn cứ xây dựng kịch bản cho bình thường mới.

"Trong 2-3 tuần đầu, thành phố đúng là có bối rối trong điều phối bệnh, và năng lực y tế cơ sở khi đó quá tải", ông Thức cho biết, "Đầu tiên là điều phối. Khi đó, mình cứ nghĩ người bệnh mức nào phải vô tầng đó, nhưng người bệnh không suy nghĩ vậy. Bệnh mức độ nào là kiến thức y khoa, còn người dân đâu giống bác sĩ. Khi bệnh, họ lo lắng, ở tình trạng khó thở thì nơi nào tiện nhất họ sẽ vào. Thứ hai là chia tầng điều trị. Từ đầu, cá nhân tôi luôn ủng hộ 3 tầng điều trị vì khi chẻ nhỏ quá, người bệnh không hình dung hết được. Việc gì cấp bách thì càng ngắn gọn, càng dễ áp dụng càng tốt, không nên “chia 5 xẻ 7”. Thứ ba là phối hợp giữa các tầng điều trị với nhau, phải phân địa bàn, liên kết lại và hội chẩn trực tuyến 24/24, đánh giá bệnh nhân nào phải chuyển tuyến liền". 

Ông Thức nhận thấy có hai vấn đề: một là thời điểm nào bệnh nhân được thở oxy, hai lf thời điểm nào bệnh nhân được vận chuyển đúng tầng điều trị. Giải quyết được 2 thời điểm này đúng theo bệnh lý của người bệnh thì khả năng cứu được rất cao.

"Thực tế, trước dịch, trong hệ thống y tế của Việt Nam và các nước thì hồi sức cấp cứu là điều trị cá thể chứ không phải điều trị dịch bệnh. Do đó, không ai đi sắm ào ạt các thiết bị điều trị hồi sức cấp cứu, để sẵn đó chờ dịch. Như vậy là cực kỳ lãng phí. Đùng một cái xảy ra dịch thì đại dịch là tai nạn, đương nhiên sẽ có sự lúng túng.

Khi dịch xảy ra quá nhanh, chuyện cơ chế còn bất cập trong giai đoạn đầu chống dịch là bình thường. Quan trọng là sau đó giải quyết có kịp thời không. Thời điểm mới thành lập bệnh viện hồi sức 1.000 giường, việc mua sắm khó, đấu thầu không kịp. Dù Luật Đấu thầu quy định trong trường hợp khẩn cấp được phép chỉ định thầu, khi đi sâu vào chi tiết có tình huống rất khó áp dụng".

Theo ông Thức, vấn đề cần làm là hệ thống hóa lại vì lúc ban hành văn bản chỉ chạy theo để xử lý tình huống cấp bách. Đây là giai đoạn cuối dịch ở TP.HCM, cần có phân tích, đánh giá, nêu rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan một cách sâu sắc.

"Ví dụ, đặt tình huống biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh hơn Delta mà không đáp ứng vaccine thì mình kích hoạt hệ thống thế nào? Hiện, quốc tế đã xuất hiện chủng Delta Plus, TP.HCM cần sớm xong kịch bản này để có thể chuyển giao kinh nghiệm cho các tỉnh, thành phía nam và Tây Nguyên, nơi đã nhá nhem dịch trở lại.

Điều may mắn của TP.HCM là vaccine đáp ứng với chủng nhiễm hiện tại. Nhưng nếu chủng mới không đáp ứng vaccine thì sao? Chúng ta cần tính tới cả con đường này', ông Thức nêu vấn đề.

Thanh Mai

Trung tâm mua sắm lớn nhất Thái Lan đang thử nghiệm tiền kỹ thuật số

Trung tâm mua sắm lớn nhất Thái Lan đang thử nghiệm tiền kỹ thuật số

Central Retail Corp, nhà phát triển trung tâm mua sắm lớn nhất Thái Lan, đang thí điểm một loại tiền kỹ thuật số trong số các nhân viên của mình.