Các chuyên gia nhận định thế nào về mối quan hệ Mỹ-Trung?

Theo các chuyên gia, việc Trung-Mỹ từ bỏ tiếp xúc khiến cả hai thua thiệt, quan hệ Trung-Mỹ hiện nay tồi tệ hơn quan hệ Xô-Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Theo báo Liên hợp buổi sáng của Singapore có chi nhánh ở Hong Kong, Diễn đàn Hòa bình Thế giới của Đại học Thanh Hoa ( Trung Quốc ) mới đây đã tổ chức hội nghị trực tuyến với chủ đề “Thời đại hậu dịch bệnh: Trung Quốc và thế giới”.

Mối quan hệ Mỹ -Trung đang trong giai đoạn cực kỳ căng thẳng.
Mối quan hệ Mỹ -Trung đang trong giai đoạn cực kỳ căng thẳng.

Tại hội nghị, một số chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài khi thảo luận về triển vọng quan hệ Trung-Mỹ sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã nêu rõ trong bối cảnh dịch bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng cho toàn cầu, Trung-Mỹ đã từ bỏ tiếp xúc khiến cả hai bên cùng thua thiệt, quan hệ Trung-Mỹ hiện nay tồi tệ hơn quan hệ Xô-Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia dự đoán rằng quan hệ Trung-Mỹ có thể mở ra một bước ngoặt sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Một số học giả tham gia hội nghị như Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh Vương Tập Tư (Wang Jisi), cựu Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Shirk và cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd đều cho rằng, dịch bệnh COVID-19 đã gây ra những thiệt hại cho hai nước Trung-Mỹ cả về thực chất và uy tín.

Theo ông Vương Tập Tư, với tư cách là hai quốc gia lớn mạnh nhất thế giới, Trung-Mỹ đã không hợp tác để chống lại dịch bệnh mà còn chỉ trích lẫn nhau là thủ phạm gây lan truyền dịch bệnh. Ông nói: “Tệ hơn nữa, Bắc Kinh và Washington đều coi đối phương là virus chính trị, tác động vào nội bộ và danh dự trên trường quốc tế của nhau”. Ông cho rằng ý đồ chính sách của Washington dường như là cô lập Trung Quốc khỏi cộng đồng quốc tế, cô lập Đảng Cộng sản Trung Quốc khỏi người dân Trung Quốc.

Trong khi đó, hành động của Bắc Kinh đưa ra cũng là “ăn miếng trả miếng”. Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng tại Mỹ vào tháng 3 năm nay, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc lây lan, che giấu dịch bệnh và đưa ra yêu sách đòi Trung Quốc bồi thường, trong khi Trung Quốc lại chỉ trích Mỹ “đổ lỗi” và bôi nhọ danh dự của Trung Quốc.

Trung-Mỹ cũng giao tranh quyết liệt trong một loạt vấn đề như Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương, khiến quan hệ giữa hai nước đã xấu đi toàn diện. Theo quan điểm của Vương Tập Tư, quan hệ Trung-Mỹ hiện nay có thể tồi tệ hơn quan hệ Xô-Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, bởi quan hệ Xô-Mỹ “ít nhất cũng tĩnh lặng hơn”.

Ông cho biết Mỹ và Liên Xô đã duy trì mối quan hệ ổn định trong 40 năm, với sự tách biệt về chính trị, kinh tế và xã hội, xung đột giữa hai siêu cường chỉ còn tồn tại ở bề ngoài.

Ngược lại, “quan hệ Mỹ-Trung đang trải qua quá trình từ bỏ tiếp xúc mãnh liệt... Việc hai nước tranh cãi dữ dội và miễn cưỡng từ bỏ mối liên hệ đã tạo ra những tổn thất về tình cảm và vật chất, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh, đây là điều đáng lo ngại hơn so với Chiến tranh Lạnh và khiến người ta cảm thấy bất an hơn”.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến trên, cựu Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Shirk đánh giá: “Quan hệ Mỹ-Trung đã không khảo nghiệm qua dịch bệnh COVID-19”, đồng thời chỉ ra rằng Mỹ và Liên Xô đã hợp tác thành công trong việc loại bỏ bệnh đậu mùa ngay cả trong thời kỳ tồi tệ nhất của Chiến tranh Lạnh.

Bà nói rằng trong khi thế giới đang tìm kiếm sự lãnh đạo, Trung-Mỹ lại đang tích cực thực hiện hành động lật đổ tập thể toàn cầu, như thể đấu tranh ích kỷ cho lợi ích riêng của họ. Bà Susan Shirk cảnh báo Trung-Mỹ, lực lượng then chốt của toàn cầu hóa, đang tách rời và thúc đẩy trào lưu đi ngược lại toàn cầu hóa; sự xấu đi của quan hệ Trung-Mỹ là rất nguy hiểm, nền kinh tế-xã hội hội nhập cao của hai nước một khi từ bỏ mối liên hệ sẽ tạo ra tổn thất nặng nề.

Chỉ còn 4 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Một số nhà quan sát Trung Quốc lo ngại rằng phe cánh của Trump có thể tạo ra một số sự kiện trong chiến dịch tranh cử để thể hiện quyết tâm kiềm chế Trung Quốc. Chuyên gia Vương Tập Tư cho rằng tình hình có thể trở nên nguy hiểm vì điều này.

Ông nói: “Tại thời điểm nhạy cảm này, Bắc Kinh không nên cung cấp cho Washington đạn dược hoặc cái cớ để có thể gây ra khủng hoảng”. Ông cũng dự đoán một cách bi quan rằng quan hệ Trung-Mỹ sẽ tiếp tục xấu đi trước khi kết thúc đại dịch COVID-19, tốc độ và phạm vi của sự suy giảm theo mô hình xoắn ốc vẫn chưa rõ ràng.

Bà Susan Shirk lạc quan hơn khi cho rằng giới lãnh đạo Mỹ vẫn có cơ hội khởi động lại quan hệ với Trung Quốc, bởi vì trước đó Trump đã đưa ra một số lời tuyên truyền chống Trung Quốc tại Mỹ, cáo buộc Trung Quốc là thủ phạm gây lây lan dịch bệnh COVID-19 sang nước Mỹ, nhưng kết quả là tỉ lệ ủng hộ Trump lại suy giảm rõ rệt, điều đó cho thấy những tuyên truyền này không có tác dụng.

Bà cũng dự đoán rằng ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, ông Biden sẽ giành chiến thắng để trở thành ông chủ Nhà Trắng. Susan Shirk tin rằng nếu thắng cử, Biden sẽ áp dụng thái độ thực dụng hơn đối với Trung Quốc chứ không lấy ý thức hệ làm chủ đạo.

Bà cho rằng ông Biden sẽ cố gắng đàm phán với Trung Quốc về các ưu tiên khác, thay vì sử dụng phương pháp “cây gậy lớn” của chính quyền Trump, để dành không gian cho sự hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như y tế, khí hậu. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd lại tập trung vào vấn đề Đài Loan. Ông coi đây là vấn đề cốt lõi của quan hệ Trung-Mỹ hiện nay và có nguy cơ xảy ra tiếng súng trong vài tuần hoặc vài tháng tới.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Trương Quốc Dương Khiết Trì mới đây (ngày 17/6) đã có cuộc gặp tại Căn cứ Không quân Hickam ở Hawaii. Ông Kevin Rudd tin rằng cuộc gặp giữa các quan chức nội các cấp cao của hai nước là cách duy nhất để ngăn hai bên rơi vào một cuộc xung đột quân sự ngoài ý muốn.

(Nguồn: TTXVN)

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương