Các công ty cà phê quay lưng với châu Phi khi luật phá rừng của EU sắp có hiệu lực

Các nhà nhập khẩu cà phê vào Liên minh châu Âu đang bắt đầu giảm quy mô mua hàng từ các nông dân ở châu Phi và xa hơn nữa khi họ chuẩn bị cho một đạo luật mang tính bước ngoặt của EU.

Các nguồn tin trong ngành cho biết, chi phí và khó khăn trong việc tuân thủ Quy định không phá rừng của liên minh châu Âu (EUDR) có hiệu lực vào cuối năm 2024 có thể định hình lại thị trường hàng hóa toàn cầu theo thời gian. Châu Âu là một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng, bao gồm 50% cà phê và 60% ca cao của thế giới.

Các đơn đặt hàng đã cạn kiệt trong những tháng gần đây đối với cà phê từ Ethiopia, nơi có khoảng 5 triệu gia đình nông dân sống dựa vào cây trồng này. 

Chiến lược tìm nguồn cung ứng được các công ty áp dụng trước luật này có nguy cơ làm tăng tình trạng đói nghèo của nông dân quy mô nhỏ và tăng giá đối với người tiêu dùng EU, đồng thời làm suy yếu tác động của EUDR đối với việc bảo tồn rừng.

"Chúng tôi không có cách nào để mua số lượng lớn cà phê Ethiopia trong tương lai", Johannes Dengler, giám đốc điều hành của nhà rang xay Dallmayr của Đức là công ty mua khoảng 1% lượng cà phê xuất khẩu của thế giới, cho biết.

Những hạt cà phê mà công ty đặt hàng hiện nay có thể được đưa vào các sản phẩm cà phê được bán trong khối vào năm 2025, nên chúng phải tuân thủ theo EUDR - mặc dù các hành vi thực thi luật này vẫn chưa được hoàn thiện.

Các công ty cà phê quay lưng với châu Phi khi luật phá rừng của EU sắp có hiệu lực- Ảnh 1.

Những quả cà phê đỏ tại một trang trại ở quận Shebedino của Sidama, Ethiopia. Ảnh: Reuters

Theo EUDR, các nhà nhập khẩu các mặt hàng như cà phê, ca cao, đậu nành, cọ, gia súc, gỗ và cao su và các sản phẩm sử dụng chúng phải chứng minh được hàng hóa của mình không có nguồn gốc từ đất phá rừng hoặc gây suy thoái rừng.

Công ty cà phê lớn JDE Peets cho biết họ có thể buộc phải loại một số quốc gia sản xuất nhỏ hơn khỏi chuỗi cung ứng của mình ngay nếu chưa tìm ra và giải pháp thực hiện. 

Phá rừng là nguyên nhân thứ hai gây ra biến đổi khí hậu sau việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Ủy ban châu Âu cho biết, họ có một số sáng kiến nhằm giúp các nước sản xuất và các hộ sản xuất nhỏ tuân thủ EUDR, bao gồm một sáng kiến được đưa ra tại COP28 nơi EU và các quốc gia thành viên cam kết chi 70 triệu euro (76 triệu USD) cho mục đích đó.

Một số hộ sản xuất nhỏ coi EUDR là một cơ hội, đặc biệt nếu đi kèm với các biện pháp hỗ trợ của EU, vì nó sẽ giúp họ đáp ứng nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm có nguồn gốc bền vững.

Truy xuất nguồn gốc

EUDR yêu cầu các công ty lập bản đồ kỹ thuật số chuỗi cung ứng của họ đến khu vực trồng nguyên liệu thô, điều này có khả năng liên quan đến việc truy tìm hàng triệu trang trại nhỏ ở vùng sâu vùng xa.

Hơn nữa, vì các công ty thường không giao dịch trực tiếp với nông dân nên họ có thể dựa một phần vào dữ liệu được cung cấp bởi trung gian địa phương, tuy nhiên dữ liệu có đáng tin cậy hay không thì vẫn chưa xác thực. 

Ở một số nước đang phát triển, phạm vi phủ sóng internet không đồng đều khiến việc lập bản đồ trở nên khó khăn, trong khi các thương nhân và chuyên gia trong ngành cho rằng tranh chấp quyền đất đai, thực thi pháp luật yếu kém và xung đột gia tộc có thể gây nguy hiểm cho việc tìm kiếm dữ liệu về quyền sở hữu trang trại.

"Ngày nay ở châu Âu không còn ai quan tâm đến cà phê của chúng tôi", đại diện của nông dân trồng cà phê Oromia của Ethiopia, đã phát biểu trong hội thảo trực tuyến gần đây của Liên minh Cà phê Thế giới.

Ông cho biết, hầu hết nông dân trồng cà phê ở Ethiopia chưa bao giờ nghe nói đến EUDR và ngay cả những người dân làng có học thức cũng sẽ gặp khó khăn trong việc thu thập dữ liệu cần thiết kịp thời.

Cà phê tạo ra 30-35% tổng thu nhập xuất khẩu của Ethiopia, với gần 1/4 được bán sang EU.

"Các nhà rang xay đang chuyển sang các nông dân Brazil giàu có. Ở những quốc gia nghèo khó, không có nhiều thành phần dân trí, những người nông dân vẫn còn mù chữ - và chúng tôi không thể nào nói với họ với một đạo luật mà ngay cả người châu Âu cũng không hiểu", thương nhân chuyên thu mua cà phê cho biết.

Các công ty cà phê quay lưng với châu Phi khi luật phá rừng của EU sắp có hiệu lực- Ảnh 2.

Châu Phi được biết đến là cái nôi của cà phê thế giới. Ảnh:

Tách bạch chuỗi cung ứng

Nhưng việc cắt giảm sẽ không khả thi nếu họ là những nhà sản xuất hàng hóa lớn. Bờ Biển Ngà và Ghana sản xuất gần 70% lượng ca cao của thế giới, trong khi 60% cà phê đến từ Brazil và Việt Nam. Indonesia và Malaysia sản xuất gần 90% lượng dầu cọ của thế giới, một mặt hàng được sử dụng trong mọi thứ từ pizza, son môi đến nhiên liệu sinh học.

Do đó, một số công ty lớn cho biết sẽ chuyển hướng nguyên liệu thô mà họ không thể truy xuất nguồn gốc một cách đáng tin cậy ở các quốc gia đó sang các thị trường ngoài EU. 

Golden Agri Resources, một trong những công ty dầu cọ lớn nhất thế giới, nói rằng "sẽ cần có chuỗi cung ứng tách biệt" khi thực hiện EUDR. 

Trong phạm vi chiến lược này chiếm ưu thế, nó sẽ làm giảm tác động của EUDR đối với việc bảo tồn rừng vì nguyên liệu thô vẫn sẽ được trồng trên đất bị phá rừng, chỉ là không dành cho tiêu dùng của EU.

Trong khi đó, chi phí tuân thủ trong toàn bộ chuỗi cung ứng dự kiến sẽ làm tăng giá thực phẩm ở 27 quốc gia EU.

Theo một nguồn tin tại một công ty thương mại hàng hóa lớn, hai trong số những nhà kinh doanh cà phê lớn nhất thế giới, Sucafina và Louis Dreyfus Company đã khóa các hợp đồng mua bán trong tương lai bao gồm phí bảo hiểm EUDR.

Ủy ban châu Âu cho biết, EUDR dự kiến sẽ không thúc đẩy lạm phát lương thực. Việc truy xuất nguồn gốc có chi phí nhưng điều này có thể sẽ được bù đắp vì luật sẽ giảm số lượng trung gian trên thị trường.

Các công ty cà phê quay lưng với châu Phi khi luật phá rừng của EU sắp có hiệu lực- Ảnh 3.

Cà phê Yirgacheffe Ethiopia được coi là một trong những loại cà phê ngon nhất Châu Phi và đứng thứ 8 thế giới. Ảnh: 43factory

Chống phá rừng

EUDR là một thách thức đặc biệt ở các nước sản xuất ca cao lớn.  Ví dụ, một nửa sản lượng thu hoạch của Bờ Biển Ngà được bán qua các trung gian địa phương và do đó khó truy tìm nguồn gốc. 

Ca cao được trồng chủ yếu để tiêu thụ ở EU, do đó nó không thể chuyển hướng hoàn toàn sang châu Á vì sôcôla ít phổ biến hơn ở đó. Tuy nhiên, việc cắt giảm mua hàng từ trung gian cũng rất khó khăn, đặc biệt là vì chính quyền Bờ Biển Ngà buộc họ phải mua 20% lượng ca cao từ chuỗi cung ứng địa phương này.

Vấn đề đối với Bờ Biển Ngà là 20-30% ca cao được trồng trong các khu rừng được bảo vệ bởi gần một 1 triệu nông dân. 

Việc từ chối sinh kế của họ có thể gây ra tình trạng bất ổn xã hội, trong khi việc di dời là không khả thi nếu không có nguồn tài trợ và hỗ trợ lớn. Abidjan do đó đang xem xét phân loại lại các khu rừng được bảo vệ của mình, khiến EU phải công khai kêu gọi nước này chấm dứt.

"Bạn di dời cộng đồng đến đâu, bằng những nguồn lực nào?", Renske Aarnoudse, giám đốc chương trình cao cấp về ca cao và rừng tại tổ chức phi lợi nhuận IDH cho biết. 

Bà cho biết EU nên chấp nhận kế hoạch của Bờ Biển Ngà để phân loại lại thành đất nông nghiệp ở một số khu vực có rừng đã bị suy thoái nghiêm trọng.

"Những khu vực này hiện nay hầu như không còn rừng và có thể sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc chuyển đổi sang sở hữu nông lâm kết hợp thuộc sở hữu của các hộ nhỏ", Aarnoudse nói.

(Nguồn: Reuters)

TÚC