Các nước ASEAN cần thay đổi tư duy nếu muốn đi sau Việt Nam trong việc thu hút FDI

Việt Nam với việc minh bạch trong các quy trình kinh doanh và quản trị đã dẫn đầu ASEAN trong thu hút vốn FDI mà các nước cần học hỏi.

Shireen Muhiudeen, nhà quản lý quỹ khu vực với hơn 30 năm kinh nghiệm. Cô thành lập Corston-Smith Asset Management tại Kuala Lumpur (Malaysia) và được vinh danh là một trong 25 phụ nữ có ảnh hưởng nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương về quản lý tài sản và là một trong 50 Nữ Doanh nhân Quyền lực của Forbes Châu Á năm 2014.

Cô vừa có bài bình luận về xu hướng đầu tư nước ngoài ở ASEAN cho trang Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, trong đó đề cao cách làm của Việt Nam

Người ta nói rằng, sau mỗi cuộc khủng hoảng, một bài học có thể được rút ra. Và chắc chắn, đại dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng thấy trong ký ức của nhiều người, sẽ có nhiều bài học để lại. Nhưng từ góc độ kinh tế, có một điểm nổi bật: Những nước có nền tảng kinh tế mạnh nhất có cơ hội tốt nhất để thoát khỏi khủng hoảng một cách nguyên vẹn.

Một số quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể tuyên bố là nền kinh tế mạnh mẽ trong khu vực như Singapore. Tuy nhiên, có một đất nước đang âm thầm tiết kiệm nguồn lực và đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển.

Việt Nam đã trở thành trung tâm đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thập kỷ qua, chứng kiến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ổn định là 10,4% từ năm 2013 đến mức cao kỷ lục của năm ngoái là 16,12 tỷ USD, tăng tổng cộng 81%.

Để so sánh, Singapore ghi nhận mức tăng 63% FDI so với cùng kỳ 6 năm, trong khi Thái Lan và Malaysia thực tế lại ghi nhận sự suy giảm trong dòng vốn FDI . Trong khu vực ASEAN, chỉ Philippines có tỷ lệ phần trăm FDI tăng nhiều hơn so với Việt Nam là 104%, mặc dù con số này từ mức thấp hơn là 3,7 tỷ USD vào năm 2013.

FDI là một nguồn tài chính bên ngoài tư nhân quan trọng cho các nước đang phát triển và đóng góp đáng kể vào sự phát triển lâu dài của nền kinh tế. Nguồn vốn này được bơm dựa vàp triển vọng dài hạn của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc tạo ra lợi nhuận trong các hoạt động sản xuất mà họ có quyền kiểm soát trực tiếp, thường thông qua liên doanh với các công ty địa phương.

Kết quả của mối quan hệ kinh tế xuyên biên giới này là đem đến cơ hội đào tạo kỹ thuật, tiến bộ công nghệ, cải thiện triển vọng việc làm, tài chính công tốt hơn và cải thiện tiềm năng xuất khẩu cho các nước nhận vốn FDI.

Cả thành công kinh tế của Singapore và Trung Quốc trong vài thập kỷ qua, có thể ít nhất một phần, nhờ vào nguồn vốn FDI, dòng vốn đầu tư này tăng hai con số mỗi năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Nguồn vốn FDI của Trung Quốc lại tăng vọt từ khoảng 11,15 tỷ USD vào năm 1992 lên mức cao nhất là 290 tỷ USD vào năm 2013. Sau đó, tình hình bắt đầu thay đổi do chi phí lao động ngày càng tăng khiến các nhà đầu tư quốc tế bắt đầu tìm kiếm nơi khác.

Trong khi đó, từ năm 2015, Bắc Kinh công bố chiến lược “Made in China 2025” để nâng cấp ngành sản xuất trong nước, cạnh tranh trực tiếp với ngành sản xuất mà nước ngoài đầu tư. Trong khi đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang dường như đã tạo ra động lực cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn nhân công dồi dào và giá rẻ của Việt Nam từng rất hấp dẫn vốn FDI. Ảnh: SCMP
Nguồn nhân công dồi dào và giá rẻ của Việt Nam từng rất hấp dẫn vốn FDI. Ảnh: SCMP

Đó là khi Việt Nam tạo ra chuyện để bàn. Sự gia tăng mạnh mẽ của FDI vào Việt Nam từ năm 2013 trở lại xảy ra đây đồng thời với việc dòng vốn chảy vào Trung Quốc giảm. Một trong những doanh nghiệp góp vốn lớn là Samsung. Hãng này được cho là đã đầu tư khoảng 17 tỷ USD kể từ năm 2008. Việc Hà Nội chủ động thực hiện các chính sách đầu tư thân thiện với doanh nghiệp và các khu công nghiệp, cũng như nguồn cung lao động trẻ dồi dào của đất nước, đã giúp thu hút FDI từ các quốc gia khác. Nhật Bản hiện là một trong những nhà đầu tư mới trong lĩnh vực năng lượng lớn của Việt Nam.

Cạnh tranh về FDI trong ASEAN sẽ tiếp tục. Mặc dù một số người có thể cho rằng vị trí địa lý gần Trung Quốc, cũng như lực lượng lao động trẻ trong 96 triệu dân của Việt Nam đã tạo thêm lợi thế, nhưng sức hấp dẫn của một môi trường chính trị ổn định không thể bị đánh giá thấp.

Trong khi Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia đều đã trải qua những biến động và bất ổn chính trị trong những năm gần đây, thì khi nhìn vào Việt Nam, người ta sẽ hiểu tầm quan trọng của sự ổn định chính trị mà Việt Nam đang có được.

Các nhà đầu tư cũng chú ý đến tỷ lệ lạm phát, họ luôn muốn tỷ giá hối đoái ổn định và không thích quan liêu. Đây đều là những cam kết của Hà Nội và đang hiện thực hoá bằng thuế điện tử và các dịch vụ công điện tử.

Việt Nam đang hướng đến sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Ảnh: SCMP
Việt Nam đang hướng đến sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Ảnh: SCMP

Trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã chuyển từ tập trung vào sản xuất thâm dụng lao động sang các quy trình tự động hóa hơn và hiện đang bước vào giai đoạn tiếp theo của hiện đại hoá. Các nhà đầu tư đang rất trông chờ đợi việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố dự thảo chiến lược FDI trong 10 năm tới, dự kiến ưu tiên các dự án công nghệ cao, giá trị cao và thân thiện với môi trường.

Việt Nam sẽ tiếp tục có biện pháp thu hút vốn FDI như thiết lập sự minh bạch trong các quy trình kinh doanh và quản trị, đòi hỏi ý chí và cam kết chính trị thực sự. Mặc dù các nước láng giềng có thể không đánh giá cao các nỗ lực này, nhưng chính phủ Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines sẽ phải thay đổi tư duy rõ ràng nếu họ muốn đi theo sự dẫn đầu của Việt Nam.

TIỂU GU

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương