“Cách mạng siêu nhân hóa” của Luc Ferry: Loài người có thể trở thành bất tử hoặc siêu phàm?

Cuốn sách cung cấp một cái nhìn toàn cảnh, dễ hiểu nhất về thuyết siêu nhân hóa, sự thay đổi tất yếu.

Con người luôn khao khát vượt qua các giới hạn về thể chất và trí tuệ của chính mình. Tham vọng to lớn đó là động lực cho y học và khoa học phát triển suốt nhiều thế kỷ qua, nhằm phát minh những công nghệ mới có khả năng loại bỏ mọi bệnh tật, giúp ta trở nên siêu phàm và bất tử. Ngày nay, thế giới đã đi được một chặng đường rất xa, dần bắt kịp những tham vọng tưởng như bất khả thi nhất, tạo nên một cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử loài người: Cách mạng siêu nhân hóa, đưa con người trở thành “siêu nhân”.

Sự bùng nổ của công nghệ mở ra nhiều cơ hội cũng như đặt ra nhiều câu hỏi về đạo đức, về nguy cơ bị thế chỗ, “thống trị” bởi trí tuệ nhân tạo, v.v. Những rủi ro về kinh tế, chính trị và mọi mặt của đời sống mà một xã hội ưu việt, “bậc cao” có thể đặt lên nhân loại đòi hỏi ta phải phán đoán, lường trước để tận dụng hoặc để đương đầu.

Quan tâm sâu sắc đến con người và những tác động của công nghệ nói chung lên sự phát triển của xã hội, tác giả Luc Ferry đã nghiên cứu, khai thác và phân tích các vấn đề trên trong cuốn sách “Cách mạng siêu nhân hóa”. Cuốn sách cung cấp  một cái nhìn toàn cảnh, dễ hiểu nhất về thuyết  siêu nhân hóa, sự thay đổi tất yếu và những chuyển giao giữa các hệ thống kinh tế và tư tưởng trên toàn thế giới, cùng với đó là những dự đoán về tương lai và những con đường khả dĩ mà ta có thể chọn lựa.

“Cách mạng siêu nhân hóa” của Luc Ferry: Loài người có thể trở thành bất tử hoặc siêu phàm?

“Siêu nhân hóa” (dịch từ transhumanism) là niềm tin hoặc lý thuyết cho rằng loài người có thể tiến hóa vượt ra ngoài giới hạn thể chất và tinh thần hiện tại để trở thành bất tử hoặc siêu phàm, đặc biệt là bằng phương tiện khoa học và công nghệ. Những người theo trường phái siêu nhân hóa đấu tranh cho việc sử dụng công nghệ mới, tăng cường sử dụng tế bào gốc, công nghệ nhân bản vô tính trong sinh sản, công nghệ lai tạo người/máy, công nghệ gien và sửa chữa gien, những thứ sẽ làm biến đổi giống loài chúng ta theo chiều hướng không thể đảo ngược, với mục đích cải thiện điều kiện sống của con người.

Nhờ những tiến bộ nhanh chóng của các ngành phẫu thuật sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ nano, Internet vạn vật kết nối, y học tái tạo, công nghệ robot, công nghệ in 3D, tự động hóa và sự phát triển trên nhiều phương diện khác nhau của trí tuệ nhân tạo, tương lai về một loài người siêu phàm ngày càng trở nên khả thi, tới mức trở thành một cuộc cách mạng nở rộ với sự tham gia cạnh tranh, đầu tư của các ông lớn, không chỉ trong lĩnh vực y tế mà còn mở ra cả kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Quá trình này được thể hiện rõ nhất trong sinh học và y học, khi ranh giới giữa chữa trịcải tiến đang ngày càng mờ nhạt; y học trước đây là để chữa bệnh, tìm lại sự cân bằng cho cơ thể sau khi khỏi bệnh, giờ đây còn mang một mục đích khác là “tăng cường” cơ thể con người để đẹp hơn, khỏe hơn, sống lâu hơn, và thậm chí là thay đổi ở mức gien di truyền để loại bỏ mọi bệnh tật và trở nên “bất tử”. Sự thay đổi chóng mặt mang tính tất yếu này, cuộc cách mạng toàn diện này đặt ra cho xã hội nhiều thách thức cũng như nỗi lo.

Những câu hỏi mà cách mạng siêu nhân hóa đặt ra

Thuyết siêu nhân hóa được Luc Ferry nghiên cứu phân tích dưới góc độ của một đời sống lý tưởng, không còn bệnh tật, nơi con người sẽ chỉ chết vì các tác động ngoại cảnh. Trên lập trường ấy, câu hỏi lớn mà cuốn sách này đặt ra là: Con người sẽ làm gì khi trở nên bất tử? Liệu những gì ta vẫn coi là quan trọng, quý giá vẫn còn nguyên giá trị khi ta không còn sợ chết nữa, khi ta có tất cả thời gian trên đời cho riêng mình?

“Cách mạng siêu nhân hóa” của Luc Ferry: Loài người có thể trở thành bất tử hoặc siêu phàm?

Nhiều năm trước, can thiệp vào gien của con người còn là điều không thể, nhưng giờ đây việc “trẻ hóa” dường như không phải chuyện bất khả nữa. Khi con người có khả năng của một “siêu nhân”,  ta sẽ phải sớm ý thức và đối mặt với những câu hỏi khó về nhân khẩu học, kinh tế, xã hội và nhiều câu hỏi khác như, liệu ta có còn động lực để lao động? Liệu ta có trở nên chán nản và lười biếng? Ta có gì để học nữa sau vô số thập kỷ tồn tại? Liệu ta có còn muốn chinh phục, khám phá, tiếp tục hoàn thiện bản thân? Tình yêu có trở nên nhàm chán? Ta có còn muốn hoặc còn có thể sinh con không? Ta thấy một cuốn sách, một bản nhạc hay vì ta biết nó sẽ có hồi kết, vậy một “sự sống bất tận” liệu có còn hấp dẫn và ý nghĩa?

Luc Ferry chỉ ra rằng từ đầu thiên niên kỷ mới, người ta bắt đầu thảo luận về cách mạng siêu nhân hóa với những góc nhìn khác nhau, thậm chí còn trái ngược hoặc thù địch. Phe ủng hộ chia thành hai quan điểm, một bên cho rằng việc “cải tiến” con người cần diễn ra trên sự tiếp nối của chủ nghĩa nhân văn, tin rằng con người có khả năng tự hoàn thiện vô hạn, còn một bên mong muốn tạo ra một giống loài người mới, một “hậu thế” được lai ghép, lai tạo với máy móc, công nghệ để trở nên vượt trội về cả thể chất và trí tuệ. Phe phản đối yêu cầu phải dừng tất cả, bởi bản chất con người là vô hình và bất khả xâm phạm, và việc tạo ra sự lai tạp giữa người/máy/động vật, những thứ không phải con người nữa là điều không thể chấp nhận được và đe dọa tới sự công bằng, cân bằng của xã hội.

Dù ở phe nào trong cuộc tranh luận, rõ ràng là các nhà nghiên cứu đều thể hiện niềm tin rằng “siêu nhân hóa” thực sự có thể xảy ra và xem xét khả năng này một cách nghiêm túc. Vì đều tin tưởng rằng tương lai “siêu nhân hóa” là một điều khả thi người ta bắt đầu suy nghĩ về việc đặt ra các giới hạn, các quy định và luật pháp để áp dụng ở phạm vi quốc tế, và đó là một lo lắng chính đáng.

Cách mạng siêu nhân hóa thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người

Ta không thể phủ nhận những công lao to lớn của khoa học công nghệ trong mọi mặt của cuộc sống hiện đại. Bên cạnh những tác động lớn lao thay đổi cả ngành y học, sự đổi mới không ngừng này cũng gây ra nhiều đảo lộn, dẫn tới sự ra đời cần thiết của một mô hình kinh tế mới nhằm thiết lập lại các mối quan hệ giữa người với người và cắt bỏ nhiều vai trò không còn cần thiết trong hệ thống. “Uber hóa” (Uberisation) quá trình thay đổi khi các ngành nghề áp dụng công thức kinh tế chia sẻ có ứng dụng công nghệ và các công nghệ NBIC - bao gồm công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và khoa học nhận thức, được Luc Ferry đề cập tới và phân tích như hai phần chính yếu của cuốn sách, với dự đoán rằng trong bốn mươi năm tới, chúng sẽ thay đổi không chỉ y học mà còn nền kinh tế của chúng ta với tốc độ và cường độ lớn hơn cả những gì đã diễn ra trong bốn nghìn năm qua.

Kinh tế không cần tới công nghệ sinh học, nhưng internet vạn vật, dữ liệu lớn và công nghệ robot đang thâm nhập vào đời sống hàng ngày và đóng vai trò lớn trong quản lý và tổ chức xã hội. Nguồn tri thức vô hạn và miễn phí cũng tác động tới các vấn đề mang tầm triết học, như quyền tự do và kiểm soát số phận của bản thân, đặt ra vấn đề về bản sắc cá nhân, và cả cách thức ta lao động, trao đổi, giao tiếp và xây dựng xã hội trong tương lai.

PV

Quảng Nam cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND đối với ông Nguyễn Viết Dũng

Quảng Nam cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND đối với ông Nguyễn Viết Dũng

Tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Quảng Nam tiến hành thủ tục cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh khóa X đối với ông Nguyễn Viết Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Quảng, người hành hung nữ nhân viên sân golf cuối năm 2022).