Cần phải có biện pháp "quản chặt" người điều khiển xe máy, xe máy điện

GS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng, việc có một loại “chứng chỉ” cho nhóm đối tượng điều khiển xe máy dưới 50cc, xe máy điện công suất nhỏ là điều cấp thiết.

Theo  Quyết định số 2060/2020 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, người điều khiển xe máy dưới 50cc hoặc xe máy điện có công suất động cơ dưới 4kW sẽ được đào tạo, cấp giấy phép lái xe.

Chính phủ đã thống nhất điều chỉnh phân hạng giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ cho phù hợp với Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ và đặc thù phương tiện tại Việt Nam; hài hòa hóa quy trình, phương pháp và nội dung đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ tương đương với các nước phát triển,…

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ Giao thông vận tải có đề xuất phân loại thành 17 hạng GPLX, trong đó bổ sung thêm hạng A0 dành cho loại xe máy có dung tích xy-lanh dưới 50cc, xe máy điện có công suất dưới 4kW.

Cần phải có biện pháp

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc quản lý cả nhóm đối tượng điều khiển xe máy dưới 50cc và xe máy điện là việc cần thiết. Lý do là bởi những chiếc xe này nặng xấp xỉ 100kg, có thể đạt vận tốc tối đa đến 60-70km/h có thể gây nguy hiểm không kém gì các loại mô-tô, xe máy khác. Tuy nhiên, theo Luật Giao thông đường bộ 2008 thì người dân chỉ cần đủ 16 tuổi trở lên là đã được điều khiển các phương tiện, không có bất cứ quy định cụ thể nào khác nên nhiều học sinh vẫn thản nhiên lái xe này. 

Đối tượng chủ yếu của quy định này sẽ là học sinh THPT trên 16 tuổi và một số ít người trên 18 tuổi nhưng chỉ có nhu cầu sử dụng loại xe máy có công suất nhỏ. Trong đó, việc quản chặt nhóm đối tượng học sinh tham gia giao thông bằng xe máy, xe máy điện được đông đảo người dân ủng hộ.

Trao đổi với VietNamNet, GS.TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên cao cấp trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng việc có một loại “chứng chỉ” cho nhóm đối tượng điều khiển xe máy dưới 50cc và xe máy điện công suất nhỏ là điều cấp thiết. Tuy nhiên, do phần lớn nhóm đối tượng này là học sinh dưới 18 tuổi, cần có thêm tuyên truyền, giáo dục và có phương pháp tiếp cận hợp lý.

Ông Sùa cho rằng ngay từ bây giờ có thể “luật hóa” và ra các văn bản hướng dẫn thực hiện, tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế cần có lộ trình rõ ràng.

Tuy nhiên một số ý kiến chỉ ra rằng yêu cầu đối với người điều khiển xe máy dưới 50cc và xe máy điện dưới 4 kW cần phải được tính toán để phù hợp độ tuổi 16-18 tuổi. Nếu yêu cầu quá cao trong việc học, sát hạch có thể gây lãng phí thời gian và tiền của.

Thanh Mai

Hà Nội: Đề xuất cho học sinh vào lớp sau 8 giờ ngày rét

Hà Nội: Đề xuất cho học sinh vào lớp sau 8 giờ ngày rét

Hiện nay, giờ tập trung ở các trường ở Hà Nội là 7h15, nhiều ý kiến đề xuất lùi giờ tập trung đến 8h15 hoặc 8h30.