Cận Tết, phí đổi tiền lẻ mới lên đến 70%

Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, thị trường mua bán các loại tiền giấy cotton đã dừng lưu hành từ nhiều năm cũng sôi động không kém.

Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ trương không in tiền lẻ mới, siết chặt việc đổi tiền mệnh giá nhỏ trong ngày Tết nên thị trường trao đổi tiền lẻ càng trở nên sôi động. Không ít các cá nhân vẫn có được hàng trăm triệu đồng tiền mới nguyên cọc với các mệnh giá từ 500 đồng đến 50.000 đồng được đổi với mức phí phổ biến từ 10% đến 15%, thậm chí 70% tùy mệnh giá.

Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, thị trường mua bán các loại tiền giấy cotton đã dừng lưu hành từ nhiều năm cũng sôi động không kém.

Cận Tết, phí đổi tiền lẻ mới lên đến 70%

Kể từ năm 2013 đến nay, để tiết kiệm ngân sách, NHNN không phát hành tiền lẻ mới (mệnh giá dưới 10.000 đồng) vào dịp tết Nguyên đán. NHNN cam kết vẫn cung ứng tiền lẻ qua lưu thông để phục vụ nền kinh tế. Nếu người dân có tài khoản ở ngân hàng nào thì nên đến đổi tiền mới ở ngân hàng đó để không tốn phí; số tiền đổi được nhiều hay ít phụ thuộc vào từng ngân hàng.

Trên thực tế, hoạt động thu đổi tiền để hưởng chênh lệch là vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

Cụ thể, NHNN đã ban hành Thông tư 25/2013 quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Tại Điều 12 và Điều 13 Thông tư này đã quy định rõ: "Chỉ có Ngân hàng Nhà nước; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước; tổ chức tín dụng; chi nhánh Ngân hàng Nước ngoài; Kho bạc Nhà nước mới được phép thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân".

Như vậy, những hành vi hưởng chênh lệch khi đổi tiền sẽ bị xử lý, xử phạt nghiêm theo quy định tại Nghị định 88/2019. Theo đó, điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định này quy định: Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với cá nhân nào có hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Nếu tổ chức vi phạm, mức xử phạt hành chính sẽ bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Thanh Mai