Từ thời điểm cách đây 1 tuần, tại TP.HCM, dọc các tuyến đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), Cộng Hòa, Trường Chinh (Q.Tân Bình); Ba Tháng Hai, Cách Mạng Tháng Tám (Q.10); Hồng Bàng (Q.5)... không khó để bắt gặp những điểm bán bánh Trung thu đã chính thức áp dụng "giảm giá 20 - 50%" hoặc "mua 1 tặng 1".
Một người bán bán Trung thu trên đường 3/2 (Q.10), cho hay sức mua thời điểm hiện tại đã tăng so với đầu mùa nhưng vẫn thấp hơn khoảng 40% so các năm trước dịch COVID-19, lượng khách hàng chủ đạo là các doanh nghiệp năm nay cũng sụt giảm mạnh.
"Có thể do năm nay giá bánh tăng nhẹ so với mọi năm nên nhu cầu mua thưởng thức của người dân cũng chậm lại", bà Ngân nói và dự báo, có thể qua tuần tới khi sát đến ngày Trung thu, các điểm bán sẽ tăng khuyến mãi "mua 1 tặng 2" thì lượng khách mua sẽ đông hơn, theo Dân Việt.
Còn hiện tại ở Hà Nội, vài ngày nữa mới đến tết Trung thu, nhiều cửa hàng đã treo biển siêu khuyến mại như mua 1 được 4 cái, mua 1 thành 2, mua 1 thành 4, xổ hết 35k, giảm giá 40%…
"Thời điểm này tất cả các điểm bán đều xả hàng nếu mình không đại hạ giá cũng khó bán", chủ một cửa hàng kinh doanh bánh trung thu phố Nguyễn Xiển (Hà Nội) cho biết.
Người bán tại cửa hàng này giải thích, từ đầu mùa chủ yếu bán chạy các loại bánh của các thương hiệu như Kinh Đô, Như Lan, Bibica… do nhu cầu biếu tặng. Thời điểm này, cửa hàng bán giảm giá 50% bánh thương hiệu nhỏ hơn để phục vụ cho những ai có nhu cầu thưởng thức.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng bánh trung thu có thương hiệu, được cho phép sản xuất thì về cơ bản là an toàn. Chỉ đáng bàn là các loại bánh đại hạ giá này có hạn sử dụng thế nào, được bảo quản trong điều kiện ra sao, đã hỏng chưa, dù hạn sử dụng vẫn còn.
Ngoài ra, có những loại bánh giá rất rẻ nhưng lại không có tem nhãn, nhà sản xuất nên sẽ đem đến nguy cơ cao cho người sử dụng nếu chúng ta ăn phải bánh sử dụng chất tạo màu không được phép sử dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm.
Một số chất tạo màu có thể gây nguy hiểm sức khỏe là: Brilliant blue (dùng trong chế biến sữa, thạch, siro, đồ uống, kẹo) có nguy cơ gây dị ứng, erythrosine (sử dụng trong chế biến kẹo, bánh nướng, gia vị, thực phẩm ăn nhẹ) gây ung thư tuyến giáp, allura red (sử dụng trong chế biến thực phẩm ăn nhẹ, nước uống không cồn) có thể gây dị ứng, hen suyễn, viêm mũi ở người, chứng hiếu động thái quá ở trẻ em…
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo người tiêu dùng không nên ham rẻ, tránh mang bệnh tật vào người.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, hiện nay thị trường bánh trung thu nói chung khá loạn về chất lượng nên cần hết sức cẩn trọng khi mua về sử dụng, nhất là với những loại bánh làm từ nguyên liệu giá rẻ, không rõ cơ sở sản xuất, hạn sử dụng… Đặc biệt lưu ý loại bánh trung thu được xả hàng về việc quan sát xem chúng có dấu hiệu mốc, hỏng không.
Bánh trung thu cần được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ tiêu chuẩn, mát thì mới không hỏng khi hạn sử dụng chưa hết. Trong khi đa phần các điểm bán xả hàng đại hạ giá, bánh được phơi dưới nắng, khói bụi của xe cộ qua lại cả ngày. Liên tục trong nhiều ngày như thế, bánh không thể đảm bảo an toàn theo hạn sử dụng ghi trên bao bì. Nấm mốc chắc chắn sẽ phát triển trong điều kiện này, theo SKĐS.
Việc "tranh thủ" ăn bánh trung thu khi các cơ sở kinh doanh đại hạ giá không phải là xấu, nhưng khi chọn bánh, kể cả bánh của công ty hay bánh được sản xuất thủ công (nhưng vẫn có đăng ký kinh doanh, công bố chất lượng, bánh cổ truyền của làng nghề), người dân cần xem kỹ hạn sử dụng, quan sát kỹ vỏ bánh để phát hiện nấm mốc. Đừng vì "tiếc của" mà rước bệnh vào thân vì nguy cơ ngộ độc của các loại bánh mốc là cực cao.
Năm 2020, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN đã ban hành bộ tiêu chuẩn về bánh trung thu. Các tiêu chuẩn này sẽ giúp cho các cơ sở sản xuất có căn cứ để công bố sản phẩm theo quy định nêu trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật an toàn thực phẩm; giúp cơ quan quản lý có căn cứ để kiểm soát sản phẩm và giúp cho người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm có chất lượng thích hợp.
(Tổng hợp)