Cập nhật COVID 19 ngày 18/4: Ca nhiễm ở Đông Nam Á vượt 27.000

Cập nhật tình hình dịch bệnh COVID 19 ngày 18/4 tại Việt Nam và các nước trên thế giới. Hãy cùng chúng tôi đẩy lùi virus corona.
23h14

Pháp thử nghiệm cách ly bệnh nhân COVID-19 trong khách sạn

Hệ thống thử nghiệm cách ly bệnh nhân COVID-19 tại khách sạn, ra đời với sự hỗ trợ của tập đoàn Accor, nhằm mục đích phá vỡ các chuỗi lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Mang tên "Covisan", hệ thống này dành cho bệnh nhân có tình trạng sức khỏe ổn định và chưa đến mức phải nhập viện.  

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, trong nhiều tuần nay, nhiều chuyên gia y tế công cộng đã kêu gọi chính phủ thực hiện biện pháp này, hiện đang được coi là ưu tiên của Mạng lưới Bệnh viện Paris (AP-HP). Như vậy, các chuỗi lây truyền COVID-19 sẽ bị hạn chế, đặc biệt là trong các gia đình, bằng cách xác định và cách ly những người có khả năng truyền bệnh.

Biện pháp này nhằm tránh bùng phát làn sóng dịch bệnh mới, trong khi giai đoạn dỡ bỏ phong tỏa đang được lên kế hoạch dự kiến từ ngày 11/5.  

Phối hợp với chính quyền địa phương, từ ngày 15/4, AP-HP đã triển khai hệ thống giám sát từ 4 bệnh viện. AP-HP cũng huy động sự tham gia của Hội Chữ thập đỏ và hệ thống phòng khám gia đình để các bác sĩ gia đình có thể đưa bệnh nhân của họ vào danh sách đối tượng dự án. Việc theo dõi diễn biến bệnh tình của bệnh nhân dựa trên kinh nghiệm triển khai hiệu quả nền tảng Covidom trợ giúp người nhiễm virus trong một tháng qua.

Theo ông Sébastien Bazin, Giám đốc điều hành Accor, trước mắt tập đoàn huy động 3 khách sạn nằm gần 4 bệnh viện trên. Ông Martin Hirsch, Tổng Giám đốc AP-HP, cho biết dự án "Covisan" là một phần kế hoạch dỡ bỏ lệnh phong tỏa quốc gia và ngăn chặn làn sóng dịch thứ hai.

Chương trình này, dưới sự bảo trợ của vùng Ile-de-France và cơ quan y tế khu vực, được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Đối với những người muốn ở nhà, các nhóm hỗ trợ sẽ giúp họ tổ chức cuộc sống và kiểm tra xem họ có đủ đồ bảo vệ cá nhân không. Người bệnh được cung cấp các bữa ăn hoặc thực phẩm tươi sống để họ không phải ra ngoài mua đồ.  

Thời hạn của dự án này chưa được xác định cụ thể. Giai đoạn thử nghiệm sẽ được tiến hành trong vài ngày và được mở rộng nếu kết quả thuận lợi. Tập đoàn Accor, bao gồm 1.700 cơ sở lưu trú tại Pháp, tuyên bố có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu. Theo Giám đốc điều hành Bazin, hiện đã có hơn 300 khách sạn tình nguyện tham gia dự án.

"Hoạt động này không tốn kém gì và không mang lại cho chúng tôi bất kỳ lợi nhuận nào", ông nhấn mạnh. Trong vài tuần qua, gần 300 khách sạn thuộc Accor đã đón tiếp các nhân viên y tế hoặc tài xế xe tải đường dài tại nhiều địa phương ở Pháp.  

Kể từ khi đại dịch bùng phát, tập đoàn Accor đã mở cửa một số khách sạn tại Hàn Quốc và Tây Ban Nha nhằm hỗ trợ ngành y tế và giảm tải cho các bệnh viện. Sáng kiến của AP-HP tuy "muộn một chút nhưng muộn còn hơn không", Giáo sư Eric Caume, Trưởng khoa Bệnh Truyền nhiễm tại Bệnh viện Pitié-Salpêtrière, đánh giá.

Theo ông, đây là một chính sách cần được triển khai rộng trên toàn nước Pháp, hơn là chỉ dừng lại như là sáng kiến mang tầm địa phương hoặc khu vực.

19h14

Ca nhiễm COVID-19 ở Đông Nam Á vượt 27.000

Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng hơn 27.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó Singapore tăng kỷ lục 942 ca mới, Indonesia hiện là vùng dịch lớn nhất.

Indonesia ghi nhận thêm 325 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm nCoV ở quốc gia đông dân thứ tư thế giới lên 6.248. Achmad Yurianto, người đứng đầu cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Bộ y tế Indonesia, hôm nay thông báo ở Jakarta nước này ghi nhận 535 ca tử vong, tăng 15 ca so với một ngày trước đó.

Indonesia hôm qua đã vượt Philippines trở thành vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, đây cũng là quốc gia có số ca tử vong cao nhất khu vực.

  Người dân xếp hàng nhận thực phẩm miễn phí tại khu China Town, Singapore, hôm 17/4. Ảnh: Reuters.

Người dân xếp hàng nhận thực phẩm miễn phí tại khu China Town, Singapore, hôm 17/4. Ảnh: Reuters.

Bộ Y tế Phillipines hôm nay báo cáo 209 ca nhiễm và 10 ca tử vong mới, nâng tổng số lần lượt lên 6.078 và 397. Nước này cũng báo cáo thêm 29 bệnh nhân hồi phục, nâng tổng số lên 516. 

Chính phủ Philippines hồi đầu tuần lên kế hoạch tăng cường xét nghiệm nCoV nhằm phát hiện các ca nhiễm mới. Giới chức nước này cũng tin rằng đóng cửa biên giới và cách biệt cộng đồng có thể ngăn chặn thảm họa y tế.

Quốc gia Ca nhiễm mới Tổng ca nhiễm Ca tử vong mới Tổng ca tử vong
Brunei 0 136 0 1
Campuchia 0 122 0 0
Indonesia 325 6.248 15 535
Lào 0 19 0 0
Malaysia 54 5.305 2 88
Myanmar 6 94 1 5
Philippines 209 6.078 10 397
Singapore 942 5.992 1 11
Thái Lan 33 2.733 0 47
Đông Timor 0 18 0 0
Việt Nam 0 268 0 0
Tổng 1.569 27.013 29 1.084

Malaysia báo cáo 54 ca nhiễm mới nCoV, mức tăng hàng ngày thấp nhất kể từ khi chính phủ áp các biện pháp hạn chế di chuyển và đóng cửa doanh nghiệp từ 18/3. Tổng số ca nhiễm ở nước này hiện là 5.305, trong đó, 88 ca tử vong, tăng hai ca so với một ngày trước đó.

Bộ Y tế Singapore ghi nhận thêm 942 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 5.992, trong đó 11 ca tử vong, tăng một ca so với ngày trước đó. Đây là mức tăng ca nhiễm trong 24 giờ cao nhất từ khi dịch xuất hiện ở Singapore. Phần lớn ca nhiễm mới là lao động nhập cư trong các ký túc xá.

Số ca nhiễm mới tại ký túc xá dành cho công nhân nước ngoài tăng một phần do các nỗ lực xét nghiệm liên tục và cách ly công nhân bị nhiễm của Singapore. Nước này đã ban hành nhiều biện pháp để ngăn nCoV lây lan như đóng cửa trường học và các doanh nghiệp không thiết yếu tới 4/5.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi dân chúng hy sinh và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm nCoV. Ông Lý cảnh báo chỉ cần một số không tuân thủ, toàn bộ những "bất tiện, đau đớn và hy sinh" mà người dân Singapore phải trải qua sẽ thành vô nghĩa. 

Thái Lan hôm nay ghi nhận 33 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 2.733, song không ghi nhận ca tử vong mới. Số người chết hiện là 47.

11 trong tổng số các ca nhiễm mới ở thủ đô Bangkok và đều có lịch sử di chuyển đến nơi công cộng. Theo phát ngôn viên Trung tâm xử lý Covid-19 của chính phủ Thái, Taweesin Wisanuyothin, nước này ghi nhận 1.787 người bình phục. 

Đông Timor hiện là nước ghi nhận số ca nhiễm nCoV thấp nhất trong khu vực với 18 trường hợp. Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là những nước Đông Nam Á chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào do Covid-19. (theo VnExpress)

18h23

60 giờ, Việt Nam không có thêm ca nhiễm COVID-19

Theo Bản tin lúc 18h00 ngày 18/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trong ngày không có thêm ca nhiễm COVID-19. Hiện số ca bệnh COVID-19 vẫn là 268. Như vậy, kể từ ngày 7/3, đây là lần đầu tiên đã 60 giờ Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới.

Tổng số ca mắc: 268 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%, 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%. Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 62.998, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 279; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.338; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 51.381.

16h36

Philippines ghi nhận số ca tử vong và nhiễm COVID-19 tăng đột biến

Theo Reuters, Bộ Y tế Philippines ngày 18/4 cho biết đã ghi nhận thêm 10 ca tử vong và 209 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 ở Philippines đã tăng lên thành 6.087 người và số ca tử vong hiện là 397.

Bộ trên thống kê cho biết Philippines đã có thêm 29 ca bệnh hồi phục, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi lên thành 516 người.

16h12

Hơn 700.000 người nhiễm tại Mỹ, gần 5.000 ca nhiễm mới tại Nga

Theo woldometers.info, tính đến 16h ngày 18/4 (giờ Việt Nam), số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Mỹ đã tăng lên thành 709.735 người. Số ca tử vong là 37.154 ca. 

Mỹ hiện đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong do mắc COVID-19, trong đó bang New York bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 230.579 người nhiễm và 17.131 người tử vong. Trong khi đó, LB Nga ghi nhận số người nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất trong 24 giờ qua. 

Cập nhật COVID 19 ngày 18/4: Ca nhiễm ở Đông Nam Á vượt 27.000

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của LB Nga cho biết tính đến trưa 18/4, nước này đã ghi nhận thêm 4.785 trường hợp nhiễm COVID-19 tại 79 chủ thể liên bang (con số này một ngày trước đó là 4.070 người), nâng tổng số người nhiễm căn bệnh nguy hiểm này lên 36.793 người.

Cũng trong khoảng thời gian này, Nga ghi nhận thêm 40 người tử vong, nâng tổng số ca tử vong so mắc COVID-19 lên 313 người, cùng với đó là 467 người hồi phục, đưa tổng số bệnh nhân khỏe lại lên 3.057.

Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất với 2.649 trường hợp trong vòng 24 giờ, đưa tổng số người mắc bệnh tại thủ đô lên 20.754 ca (lần đầu tiên vượt mốc 20.000).

Trong một ngày qua, tại thủ đô Nga cũng có 162 người xuất viện, đưa tổng số bệnh nhân hồi phục lên 1.679, và 21 trường hợp tử vong, đưa tổng số người tử vong lên 148. Các chủ thể liên bang ghi nhận nhiều người nhiễm virus SARS-CoV-2 trong một ngày còn có tỉnh Moskva - 428 trường hợp; thành phố St. Petersburrg - 139 người; CH Mordovia - 62 người và CH Chechnya - 60 người. Ukraine tiếp tục ghi nhận thêm hơn 400 ca nhiễm SARS-CoV-2. 

Văn phòng Báo chí Bộ Y tế Ukraine dẫn số liệu của Trung tâm Sức khỏe cộng đồng cho biết, tính đến đầu giờ chiều 18/4 (giờ Việt Nam), Ukraine đã ghi nhận thêm 444 trường hợp nhiễm COVID-19, đưa tổng số người nhiễm bệnh tại nước này lên thành 5.106 ca, trong đó có 133 bệnh nhân tử vong và 275 người khỏi bệnh.

Ngoài ra, có 3.371 bệnh nhân đang được điều trị tại nhà theo chế độ tự cách ly, trong đó có 225 trẻ em. 1.735 người được chữa trị tại bệnh viện, trong đó có 77 trẻ em. Trong số 133 ca tử vong, có 71 nam giới và 62 phụ nữ.

15h16

Số ca nhiễm COVID-19 ở Nhật Bản cán mốc 10.000 người

Theo Reuters, Đài truyền hình NHK của Nhật Bản cho biết số ca nhiễm COVID-19 ở Nhật Bản đã tăng lên thành 10.000 người, chỉ vài ngày sau khi nước này mở rộng tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 17/4 đã yêu cầu người dân ở yên trong nhà trong bối cảnh các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tăng lên mức kỷ lục tại thủ đô Tokyo và gia tăng lo ngại các dịch vụ y tế có thể "quá tải" ở khu vực nông thôn, nơi chủ yếu là người già sinh sống.

Hiện Nhật Bản ghi nhận 200 bệnh nhân tử vong vì COVID-19 và Tokyo vẫn là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 201 ca nhiễm mới chỉ tính riêng trong ngày 17/4 - một mức kỷ lục mới - trong khi con số đó trong ngày 18/4 là 181 ca.

13h39

Mỹ cho phép các bang đủ năng lực xét nghiệm bắt đầu mở cửa kinh tế trở lại 

Ngày 17/4, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố các chuyên gia tin rằng những bang hiện có đủ năng lực xét nghiệm COVID-19 sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn mở cửa lại nền kinh tế trong giai đoạn một. 

Phát biểu tại họp báo ở Nhà Trắng, Phó Tổng thống Pence nêu rõ các nhà khoa học và chuyên gia y tế đã đánh giá rằng những bang đang có đủ năng lực xét nghiệm virus có thể thực thi giai đoạn một của lộ trình mở cửa lại nền kinh tế nếu muốn. Theo hướng dẫn về lộ trình này, trước khi mở cửa lại nền kinh tế, các bang cần phải có chương trình xét nghiệm diện rộng cho các nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm cao. 

Cập nhật COVID 19 ngày 18/4: Ca nhiễm ở Đông Nam Á vượt 27.000

Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết việc mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ sẽ diễn ra theo ba giai đoạn, với điều kiện tiên quyết là các bang cho thấy sự suy giảm dịch bệnh COVID-19. Ông cũng lưu ý rằng không phải Nhà Trắng, mà chính thống đốc các bang sẽ đảm nhiệm tiến trình này.

Cụ thể, trong giai đoạn đầu, các địa điểm như nhà hàng và rạp chiếu phim có thể hoạt động trở lại cùng với quy định giãn cách xã hội chặt chẽ. Trong giai đoạn hai, việc hạn chế đi lại không thiết yếu có thể được dỡ bỏ và các trường học có thể mở cửa trở lại.

Trong giai đoạn ba, những người dễ bị tổn hại sức khỏe có thể tái tương tác cộng đồng. Tờ New York Times đưa tin, Tổng thống Trump đã nói với thống đốc các bang rằng một số bang có thể mở cửa trở lại vào ngày 1/5 hoặc sớm hơn.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại New York, Thống đốc Andrew Cuomo ngày 17/4 cho biết New York cần có sự hỗ trợ của chính quyền liên bang để có thể tổ chức xét nghiệm trên diện rộng và mở cửa lại các hoạt động kinh tế tại tiểu bang. Bên cạnh đó, Thống đốc Cuomo cho biết, Tổng thống Trump đã từ chối hỗ trợ đủ kinh phí chống dịch cho New York do việc này quá khó và quá phức tạp. 

Trong ngày 17/4, New York đã ghi nhận thêm 630 ca tử vong, tăng 24 ca so với ngày trước đó. Số bệnh nhân nhập viện tại bang đã giảm hơn 1.500 ca kể từ đầu tuần tới nay và hiện số người đang điều trị tại viện là 17.316 người.

Số người nhập viện trung bình trong 3 ngày qua cũng giảm tới gần 3% mặc dù mỗi ngày vẫn có khoảng gần 2.000 ca nhập viện mới. Thống đốc Cuomo khẳng định tình hình đang tiếp tục được cải thiện.

11h10

Đà Nẵng tiếp nhận, cách ly 57 công dân Việt Nam trở về từ Italy

Sáng 18/4, chuyến bay mang số hiệu VN9054 của Hãng hàng không Vietnam Airlines đưa 60 hành khách từ Ý về nước đã hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Trong chuyến bay có 57 người Việt Nam và 3 người Ý.

Trước đó, vào 6h40 ngày 17/4, chuyến bay đã xuất phát từ Milan (Ý) và hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Đà Nẵng vào lúc 0h5 phút ngày 18/4.

Ngay sau khi hành khách xuống máy bay, lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế và các cơ quan chức năng đã có mặt đo thân nhiệt, khử trùng hành lý, đeo khẩu trang, mặc áo quần bảo hộ và kiểm tra y tế theo quy định phòng chống dịch COVID-19.

Theo ông Lê Trung Chinh (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) 60 hành khách trên sẽ được các xe chuyên biệt đưa đi theo dõi sức khỏe tại các khu vực cách ly tập trung ở Đà Nẵng.

Trong đó, công dân Việt Nam được cách ly tại Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) còn 3 công dân người Ý sẽ được cách ly ở một khách sạn trên địa bàn TP.

Chuyến bay VN9054 từ Italy chở 60 hành khách hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN.
Chuyến bay VN9054 từ Italy chở 60 hành khách hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN.
11h01

279 người liên quan đến bệnh nhân 262 ở Bắc Ninh có kết quả âm tính

Liên quan đến bệnh nhân số 262 (BN 262) mắc COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh cho biết, tính đến 9h ngày 18/4, ngành chức năng trong tỉnh đã lập danh sách xác định 221 trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân (F1) và 1.109 trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc với bệnh nhân (F2).

Cụ thể, trong số 221 trường hợp F1 có 111 người đang được cách ly tại Bắc Ninh, trong đó có 10 người cách ly tại các cơ sở y tế, 101 người cách ly tại khu cách ly tập trung  và 110 người được chuyển rà soát, cách ly tại các tỉnh, thành phố khác.

Trong số 1.109 trường hợp F2 có 659 người đang cách ly tại Bắc Ninh và 450 người đang được rà soát và cách ly tại tỉnh, thành phố khác.

Hiện tỉnh Bắc Ninh đã lấy mẫu 279 trường hợp (F1) và (F2) và tất cả các mẫu này  đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó có 111 trường hợp F1 và 168 trường hợp F2.

Các lực lượng chức năng kiểm soát dịch bệnh tại điểm chốt cầu Như Nguyệt, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh trên cao tốc Hà Nội-Bắc Giang. Ảnh: TTXVN.
Các lực lượng chức năng kiểm soát dịch bệnh tại điểm chốt cầu Như Nguyệt, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh trên cao tốc Hà Nội-Bắc Giang. Ảnh: TTXVN.

Trước đó, ngày 13/4, Bộ Y tế thông tin, bệnh nhân mắc COVID-19 số 262 (nam giới, 26 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú tại xóm Chợ, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội) làm việc tại Công ty Samsung Display Việt Nam.

Ngày 27/3, bệnh nhân có tiếp xúc gần với BN 254 (là bác của bệnh nhân). Ngày 31/3, bệnh nhân xuất hiện ho khan, sốt. Bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm ngày 11/4 và xét nghiệm, ngày 12/4 cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, thành phố Hà Nội).

08h47

Đại dịch có thể giết chết ít nhất 300.000 người ở Châu Phi

Đại dịch COVID-19 có thể sẽ giết ít nhất 300.000 người ở châu Phi và đẩy 29 triệu người vào tình trạng nghèo đói cùng cực, Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc về Châu Phi (UNECA) cho biết hôm 17/4, kêu gọi 100 tỉ USD cứu trợ cho lục địa này.

Tính đến nay, tổng số ca nhiễm bệnh tại 54 quốc gia Châu Phi chỉ khoảng hơn 20.000 người, chiếm tỉ lệ nhỏ so với hơn 2,2 triệu người nhiễm trên toàn cầu. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 16-4 đã cảnh báo rằng số người nhiễm ở Châu Phi có thể lên tới 10 triệu chỉ trong ba đến sáu tháng.

"Để bảo vệ và xây dựng sự thịnh vượng chung, chúng tôi cần ít nhất 100 tỉ USD để phản ứng nhanh với tình hình sức khỏe và an toàn xã hội tại đây" - UNECA cho biết.

UNECA cũng cho biết nếu những lời kêu gọi trên không được đáp ứng, số người nhiễm bệnh tại châu lục này có thể lên đến 1,2 tỉ và giết chết 3,3 triệu người trong năm nay. Hiện dân số châu Phi khoảng 1,3 tỉ.

08h45

Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 709.201 ca nhiễm và 37.135 ca tử vong, tăng lần lượt 31.631 và 2.516. New York - tâm dịch của Mỹ sẽ mở thêm 5 trạm thực hiện xét nghiệm Covid-19 từ ngày 20/4, trong đó có một địa điểm tập trung vào những cư dân từ 65 tuổi trở lên tại các khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm bệnh.

02h39

Mỹ từng cảnh báo Israel và NATO về nguy cơ bùng phát dịch COVID-19

Kênh truyền hình 12 của Israel ngày 16/4 đưa tin, các cơ quan tình báo Mỹ đã từng cảnh báo Israel về nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 tại Trung Quốc hồi tháng 11/2019. Thông tin này được chuyển cho phía Israel cả trước khi người dân biết về virus corona chủng mới SARS-CoV-2, nhưng Bộ Y tế Israel đã không có phản ứng gì.

Theo Kênh 12, cộng đồng tình báo Mỹ đã biết về dịch bệnh sẽ bùng phát tại Vũ Hán trong tuần thứ 2 của tháng 11/2019 và đã có một báo cáo mật về vấn đề này. Tình báo Mỹ đã thông báo cho chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng thông tin không được coi trọng.

Sau đó, Mỹ quyết định thông tin cho hai đồng minh là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Israel, đặc biệt là Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Cuối tháng 11/2019, các quan chức quân sự Israel đã thảo luận về nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại khu vực và ảnh hưởng đối với Israel, cũng như các nước láng giềng.

Thông tin về vấn đề này cũng được chuyển tới các nhà hoạch định chính sách Israel và Bộ Y tế, nhưng không có phản ứng nào được đưa ra.

00h19

Anh sản xuất 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19

Một triệu liều vaccine phòng COVID-19 do các nhà khoa học Anh phát triển đang trong quá trình sản xuất và sẽ có sẵn để sử dụng vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, tính hiệu quả của vaccine này vẫn là để ngỏ vì chưa có nhiều thử nghiệm thực tế.

Vaccine "ChAdOx1 nCoV-19", thành quả nghiên cứu của nhóm nhà khoa học tại Đại học Oxford, là một trong số ít nhất 70 loại vaccine tiềm năng đang được các nhà nghiên cứu và công ty công nghệ sinh học trên khắp thế giới phát triển. Ít nhất 5 trong số các loại vaccine này đang trong giai đoạn thử nghiệm bước đầu trên người.

Cập nhật COVID 19 ngày 18/4: Ca nhiễm ở Đông Nam Á vượt 27.000

Trong thông báo ngày 17/4, các nhà khoa học tại Đại học Oxford cho biết họ đang tuyển tình nguyện viên cho giai đoạn 1 - thử nghiệm vaccine "ChAdOx1 nCoV-19" trên người, đồng thời gấp rút sản xuất với số lượng lớn, mặc dù cũng có những quan ngại rằng các kết quả thử nghiệm có thể cho thấy vaccine không có tác dụng phòng bệnh COVID-19.

Trong khi đó, phát biểu họp báo trực tuyến, Giáo sư Adrian Hill, người đứng đầu Viện Jenner thuộc Đại học Oxford, cho biết vaccine "ChAdOx1 nCoV-19" đang được các nhà sản xuất đối tác chế tạo tại 7 nơi trên thế giới, trong đó có 3 nhà sản xuất ở Anh, 2 nhà sản xuất ở châu Âu, một ở Ấn Độ và một ở Trung Quốc.

Kinh phí sản xuất ban đầu sẽ rơi vào khoảng "vài chục triệu bảng Anh". Cũng theo các nhà khoa học Anh, các cuộc thử nghiệm giai đoạn 2 sẽ được tiến hành trong vài tuần tới, với nhóm người trưởng thành tuổi từ 18-55, trước khi mở rộng sang nhóm đối tượng cao tuổi hơn.

Các nhà khoa học hy vọng có thể tiến hành thử nghiệm giai đoạn đầu với khoảng 5.000 tình nguyện viên vào cuối mùa Hè này.

CHẤN HƯNG (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương