Bà Ksor H’Bơ Khăp có tên thường gọi là Ksor Phước Hà, sinh ngày 10/4/1982. Bà là người dân tộc Jrai, trình độ học vấn là trên đại học, trình độ chính trị là cao cấp lý luận chính trị, trình độ chuyên môn là thạc sĩ Luật. Bà hiện đang là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kì 2016-2021, thuộc đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Gia Lai, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Hiện nữ đại biểu xinh đẹp này là trung tá, giữ vị trí Trưởng Công an thị xã Gia Lai.
Ksor H’Bơ Khăp còn là con gái của ông Ksor Phước, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Việt Nam.
Nữ đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khắp. |
Với tư cách là Đại biểu Quốc hội, bà Ksor H'Bơ Khắp có nhiều chất vấn mạnh mẽ, thẳng thắn.
"Những điều Bộ trưởng nói nghe thấy sai sai"
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội sáng 5/11, khi tranh luận với Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường về diện tích rừng, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) cho biết, những dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ thường xuyên được nhắc lại trong nhiều kỳ họp, phiên chất vấn.
Đại biểu Ksor H’Bơ Khắp cho rằng việc tăng diện tích rừng từ 9 triệu lên 14,6 triệu là con số phấn khởi.Tuy nhiên đối với phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khi cho rằng rừng tự nhiên đang tăng lên lại "thấy sai sai".
Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp nói: “Đó đều là rừng tự nhiên. Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại tăng lên như Bộ trưởng nói. Nghe Bộ trưởng phát biểu thực sự là thấy sai sai”.
Bà nhấn mạnh, hiện nay cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng. “Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2, nhưng cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2. Không có một con gì sống được ở trong rừng đó”, nữ đại biểu nói.
Từ thực tiễn đó, nữ đại biểu Quốc hội của khu vực Tây Nguyên đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cần phải xem xét, điều chỉnh lại việc phát triển rừng, nhất là đối với diện tích rừng tự nhiên.
"Những tấm pin đó sẽ xử lý vào đâu hay dùng để sản xuất bò một nắng?"
Cũng trong phiên chất vấn ngày 5/11, nữ đại biểu tỉnh Gia Lai cũng tranh luận Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về việc xử lý các tấm pin mặt trời của các dự án điện mặt trời mà ông Tuấn Anh thông tin tới các đại biểu Quốc hội trước đó. Bà đánh giá phần giải trình của Bộ trưởng Công Thương là chưa làm đúng trách nhiệm của mình.
“Bộ trưởng không thể đổ thừa cho địa phương, cũng không thể nói là có quy định của luật về việc xử lý rồi chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm xử lý pin năng lượng mặt trời”, bà Ksor H’Bơ Khăp nói.
Dẫn ví dụ thực tiễn từ nơi mình sinh sống, là một lòng chảo của tỉnh Gia Lai và có nhiệt độ rất nóng, một phần do điện năng lượng, pin năng lượng tràn lan, nữ đại biểu cho biết hiện nay, cán bộ và nhân dân những địa phương có pin năng lượng rất hoang mang. Bà nêu rõ, cái mà người dân cần là các tư lệnh ngành đã có phương án gì đối với việc đó.
“Ngay cả bản thân tôi, thị xã Ayun Pa của tôi là lòng chảo, phải nói là nắng cực, mỗi một lần lên ti vi là thời tiết Ayun Pa 10h đêm vẫn 37 độ, bây giờ điện năng lượng là tràn lan. Sau này pin đó dùng để làm gì? Dùng để nướng bò một nắng hay sao. Bởi vì lòng chảo chúng tôi có đặc sản là bò một nắng, những tấm pin đó sẽ xử lý vào đâu, đưa lên mặt trăng hay dùng để tiếp tục làm món đặc sản bò một nắng”, bà Ksor H’Bơ Khăp nhấn mạnh.
"Bộ trưởng tiếp tục ủng hộ làm thủy điện nhỏ đúng không?"
Chiều 6/11, đến lượt chất vấn, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp đã "gọi tên" Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà để tiếp tục truy vấn chủ đề làm thủy điện nhỏ và rừng tự nhiên.
Nữ đại biểu đặt câu hỏi cho ông Trần Hồng Hà: "Bộ trưởng nói bão lũ, sạt ở ở miền Trung trong những ngày qua là do trời mưa, địa chất bị đứt gãy. Vậy bộ trưởng cho biết thời gian tới bộ trưởng vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng, phát triển thủy điện nhỏ đúng không?".
"Theo bộ trưởng, ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có quan hệ gì với thực trạng bảo vệ rừng hiện nay ở Việt Nam. Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?", bà H’Bơ Khăp nêu chất vấn.
Cùng chủ đề, đại biểu Gia Lai trao đổi với Thủ tướng: "Tây Nguyên không thể trở thành sa mạc mà phải được phủ xanh bạt ngàn, phải xem xét vấn đề thủy điện nhỏ để hạn chế phá rừng. Khi nghe được, tôi thực sự xúc động và trân trọng trăn trở đó của Thủ tướng. Xin Thủ tướng cho biết việc phá rừng đúng quy trình thông qua các dự án thì phải điểm tên, chỉ mặt tổ chức, cá nhân nào hay cứ bảo do Quốc hội bấm nút là được. Thủ tướng có ủng hộ văn hóa từ chức không, công tác cán bộ của ta nên đưa văn hóa này vào chưa?".
Hà Nội: 2 ca F1 tiếp xúc với chuyên gia nước ngoài mắc COVID-19 đã có kết quả âm tính lần 1
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho hay, 2 nhân viên khách sạn tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 người Israel đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.