Chàng đầu bếp Nhật với niềm đam mê chế biến các món ăn từ... côn trùng

Yuto Shinohara hy vọng mọi người có cái nhìn khác với những món ăn từ côn trùng bằng những sáng tạo của mình

Trong căn bếp đầy hơi nước tại Tokyo, một mùi hương rang phảng phất trong không khí khi đầu bếp Yuto Shinohara đang chuẩn bị nước dùng cho món mì của mình. Mùi đó không phải từ thịt lợn hay gà, mà là từ những con dế.

“Trong cái chảo này có khoảng 10.000 con dế, đủ để làm nước dùng cho 100 bát”, Shinohara giải thích khi đang ngoáy một chiếc nồi to màu bạc.

Chàng trai đam mê côn trùng Yuto Shinohara lên kế hoạch bình thường hóa ẩm thực côn trùng tại Nhật Bản (Ảnh: AFP)
Chàng trai đam mê côn trùng Yuto Shinohara lên kế hoạch bình thường hóa ẩm thực côn trùng tại Nhật Bản (Ảnh: AFP)

Những tô mỳ ramen của đầu bếp Shinohara và đội ngũ của anh nhìn và có mùi giống như bao tô mì ramen tại các quán ăn khắp Nhật Bản: những sợi mì trắng trong nằm gọn gàng giữa làn nước dùng, bên trên là miếng thịt lợn hấp dẫn cùng những lát măng non.

Có lẽ cũng khó nhận ra rằng chàng đầu bếp 26 tuổi này dùng dế trong chế biến nước dùng, dầu, nước tương hay thậm chí cả sợi mì. Ngoại trừ việc anh chàng để nguyên một con côn trùng đã chiên giòn ngay bên trên bề mặt.

Shinohara không phải là một đầu bếp chuyên nghiệp, anh coi bản thân như một “Earth boy”, và tình yêu với thiên nhiên đã dẫn lối cho cậu tới những món ăn làm từ côn trùng

“Tôi muốn giới thiệu niềm vui của việc thưởng thức côn trùng, để chúng có một sự tôn trọng nhất định giống như động vật hay cây cỏ”, Shinohara chia sẻ.

Dế khô, trứng tằm và châu chấu trong các nồi tại căn bếp của Shinohara (Ảnh: AFP).
Dế khô, trứng tằm và châu chấu trong các nồi tại căn bếp của Shinohara (Ảnh: AFP).

Tình yêu côn trùng đến với Shinohara từ khi còn là đứa trẻ. Anh thường dành hầu hết thời gian tại các cánh đồng và bụi cây để bắt châu chấu và ve sầu. Anh bị thu hút bởi những sinh vật bò lổm ngổm đến mức bỏ chúng vào mồm.

“Tôi không thể kể cho ai về tình yêu với côn trùng hay việc ăn chúng cho tới khi 20 tuổi. Tôi sợ trở thành một kẻ kỳ quặc hay bị trêu trọc vì điều đó”.

Việc con người ăn côn trùng thực tế đã diễn ra từ hàng ngàn năm, và giờ đây chúng trở thành đồ ăn khá phổ biến tại các quốc gia châu Á, châu Phi, Mỹ Latin và châu Đại dương. Thế nhưng riêng đối với nhiều quốc gia phương Tây hay các nơi khác, những thành kiến đối với việc coi côn trùng là thực phẩm vẫn còn mạnh mẽ.

Nhiều chuyên gia môi trường và nông nghiệp vẫn đang cố gắng phá vỡ những rào cản đó, quảng bá côn trùng như một nguồn thức ăn thân thiện môi trường giàu khoáng chất và protein.

Một nhân viên trong bếp đang xay dế rang khô (Ảnh: AFP).
Một nhân viên trong bếp đang xay dế rang khô (Ảnh: AFP).

Đối với Shinohara, dù là tín đồ ăn côn trùng nhưng chàng trai trẻ không thích việc coi côn trùng là một giải pháp lương thực cuối cùng. Thay vào đó, anh coi chúng là một đặc sản nên được trân trọng.

Shinohara và đội ngũ của mình từng có kế hoạch mở một nhà hàng ẩm thực côn trùng với cái tên Antcicada tại Tokyo vào tháng 4 nhưng buộc phải trì hoãn vì đại dịch. Thay vào đó, anh đã thiết kế loại mì dế đóng gói và đã bán được 600 bọc qua mạng vào giữa tháng 5.

Bên cạnh đó, đội ngũ của anh cũng đang thử nghiệm nhiều món khác như món tsukudani, một món ăn kèm nổi tiếng của Nhật với hải sản, thịt hay rong biển ninh trong nước tương, với phiên bản côn trùng.

“Chúng tôi đã thử kết hợp nhiều hương vị khác nhau để chế biến với côn trùng, và thấy hạt dẻ cười và thảo quả rất hợp với kén tằm”, Ayumu Yamaguchi, chuyên gia lên men 24 tuổi trong đội ngũ chia sẻ.

Một bát mì ramen dế trong căn bếp của Shinohara (Ảnh: AFP).
Một bát mì ramen dế trong căn bếp của Shinohara (Ảnh: AFP).

Kazuhiko Horiguchi, một thực khách thưởng thức món mì gói cho biết anh khá ngạc nhiên với trải nghiệm thú vị này.

“Nó có một mùi vị khá độc đáo, đúng kiểu mà tôi thích. Tôi khá ấn tượng. Tôi cho rằng rất nhiều người có thể thưởng thức côn trùng khi chúng được chế biến và phục vụ trong những món ăn, dù cho họ sẽ không muốn thấy một chú côn trùng còn nguyên con trong đồ ăn của mình. Món mì ramen dế có thể là món khởi đầu cho nền ẩm thực côn trùng cho nhiều người”.

Shinohara rất hy vọng vào một loạt các sản phẩm khác được chế biến từ côn trùng, bao gồm bia từ dế hay trà làm từ phân tằm.

TM (theo scmp)

Cô gái kiếm triệu đô bằng những bức tranh chì siêu thực trên Instagram

Cô gái kiếm triệu đô bằng những bức tranh chì siêu thực trên Instagram

Những bức tranh bằng bút chì của cô vô cùng chân thực, có giá hàng trăm ngàn đô la và được bán chỉ trong vài giây.