Cá mặt thỏ hay cá nóc đầu thỏ mắt tròn là một trong những loài cá có độc tính mạnh nhất ở Việt Nam, thuộc chi lagocephalus trong họ cá nóc.
Loại cá này có nguồn gốc từ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có khả năng phát triển mạnh ở vùng biển Địa Trung Hải thông qua kênh đào Suez. Trong cơ thể nó có chứa một loại kịch độc có tên là tetrodotoxin, có thể gây chết người.
Cá mặt thỏ. |
Đặc điểm hình dáng của cá mặt thỏ khá kỳ dị, đầu lớn, răng nhô như răng thỏ, đuôi đốm đen như cá mú. Tuy nhiên thịt của loài cá này khá ngon, da cá cũng có giá trị kinh tế cao vì vậy thường bị lột da trước khi đem bán làm thực phẩm.
Cá mặt thỏ sống ngoài khơi xa, sâu dưới đáy biển, chúng có hàm răng sắc nhọn, đặc tính hung dữ chuyên tấn công các loại khác. Vì có số lượng ít, do đó, chúng rất hiếm gặp trên thị trường và giá thành thường cao.
Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, cá mặt thỏ là một trong 8 loài cá nóc có độc tính mạnh nhất. Mức độ độc tố trong từng bộ phận của cá nóc được sắp xếp theo thứ tự: trứng, tinh sào, gan, ruột đến da và thịt. Độc tính của cá nóc thường tăng cao vào các tháng 2-3 và 7-9 trong năm, có thể khác nhau do nơi sống.
Theo tạp chí chuyên ngành của Viện Nghiên cứu Hải sản, cá mặt thỏ chứa độc tố thần kinh cực độc, có thể gây tình trạng ngộ độc cấp tính cho người và gia súc. Độc tố này đang được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm nghiên cứu, ứng dụng trong y dược để chữa một số bệnh hiểm nghèo như bệnh tim mạch, cai nghiện…
Ở Việt Nam, cá nóc nói chung hay cá mặt thỏ nói riêng phân bố dọc bờ biển từ Bắc vào nam nhưng chủ yếu là từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Những năm gần đây có khá nhiều vụ ngộ độc vì cá nóc, nhất các khu vực dân cư ven biển.
Mới đây nhất là một bệnh nhân 36 tuổi, bị liệt toàn thân sau khi ăn bao tử cá mặt thỏ, may mắn là được cấp cứu kịp thời và giữ được mạng sống.
Theo phác đồ điều trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, khi ăn hải sản có chứa tetrodotoxin (cá nóc, mực đốm xanh, cua móng ngựa...) trước đó vài phút hoặc vài giờ, nạn nhân sẽ có triệu chứng mệt, hoa mắt, chóng mặt, tê bì các chi, nôn và mất phản xạ, nặng hơn có thể bị hạ huyết áp, liệt toàn thân.
Tác động của độc tố tetrodotoxin trên lâm sàng được chia thành 4 cấp độ:
- Độ 1: Tê bì và dị cảm quanh miệng, có thể xuất hiện triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy.
- Độ 2: Tê bì ở lưỡi, mặt, đầu chi và các vùng khác của cơ thể, liệt vận động và thất điều, nói ngọng, đau đầu, vã mồ hôi, các phản xạ vẫn bình thường.
- Độ 3: Co giật, liệt mềm toàn thân, suy hô hấp, nói không thành tiếng, đồng tử giãn tối đa, mất phản xạ ánh sáng, có thể vẫn còn tỉnh.
- Độ 4: Liệt cơ hô hấp nặng, ngừng thở, hạ huyết áp, nhịp tim chậm hay loạn nhịp, hôn mê.
Hiện chưa có thuốc giải loại độc này, vì vậy bệnh nhân thường được cấp cứu bằng cách hạn chế hấp thu độc tố của cơ thể và điều trị triệu chứng. Nếu bị liệt toàn thân, suy hô hấp nặng, bệnh nhân cần được can thiệp tích cực. Các bác sĩ cho biết phụ thuộc vào hàm lượng độc tố, thời gian từ khởi phát đến khi được điều trị để tiên lượng các bệnh nhân ngộ độc.
Nếu nhiễm độc tố cao, chỉ sau 4 - 6 giờ bệnh nhân sẽ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Người bệnh được đặt nội khí quản và thở máy kịp thời, sau 24 giờ đầu thường hồi phục tốt.
Chất độc xyanua là gì? 7 sự thật 'khủng khiếp' về xyanua
Xyanua là một trong những chất độc nhất trên Trái đất. Chỉ cần vài chục mg xyanua xâm nhập qua đường miệng sẽ giết chết một người.