Chỉ có 10 triệu đồng/tháng, thanh niên 20s đang đầu tư vào đâu để ôm mộng “làm giàu"?

Những năm đầu của tuổi 20, với tiền tiết kiệm ít ỏi hàng tháng, các bạn trẻ đang đầu tư vào đâu?

Lương ít ỏi nên chỉ biết mua vàng và gửi tiết kiệm

Nhiều người trẻ mới ra trường đặt mục tiêu tìm hiểu các hình thức đầu tư sinh lời nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, điều này khó thực hiện bởi với thu nhập không cao hàng tháng, họ chỉ có thể để dành số ít tiền nhàn rỗi, từ đó chỉ tính đến chuyện mua vàng hay gửi tiết kiệm - các kênh gửi tiền an toàn và ổn định hiện nay.

Thuỳ Linh (SN 2000, Hà Nội) cho biết: “Mình mới đi làm được 2 năm nay. Mỗi tháng, trừ các khoản chi tiêu cố định thì mình còn khoảng 5 triệu đồng/tháng. Thời gian dành cho việc học đầu tư không có nhiều. Bởi lẽ thời gian đi làm đã bận rộn nên khi vào buổi tối, sau khi về nhà mình chỉ muốn được giải trí như xem phim, nghe nhạc hay tụ tập ăn uống cùng bạn bè. Thêm vào đó, thời gian dành ngoài giờ hành chính mình cũng đang dành trọn để trau dồi ngoại ngữ".

Với Thuỳ Linh, 5 triệu đồng/tháng là khoản tiết kiệm ít ỏi, mà bản thân cô nàng chỉ cần tiêu xài quá tay là có thể hết sạch. 

Thuỳ Linh chia sẻ: “5 triệu đồng chỉ tương ứng vài buổi đi chơi du lịch, mua ít đồ trang sức đắt tiền hay đầu tư ăn uống. Mua chứng khoán hay đất đai thì quá ít, còn nếu tính đến các mục tiêu xa hơn như nghỉ hưu sớm hay tự do tài chính thì hoàn toàn khó thực hiện… Không phải mình chưa từng nghĩ đến tìm hiểu các hình thức đầu tư sinh lời cao. Mà bởi 5 triệu đồng không thấm vào đâu so với khoản vốn bỏ vào đầu tư”.

Cũng vì thế, hiện nay có bao nhiêu tiền tiết kiệm, Thuỳ Linh chia làm 2 phần. Một phần nhỏ cất trong tài khoản ngân hàng dùng để phòng ngừa cần dùng việc gấp hàng tháng, còn lại cô đem đi mua chỉ vàng.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Một trường hợp khác, An Chi (SN 2001, TP.HCM) hiện đang tiết kiệm được 7 triệu đồng/tháng từ công việc văn phòng. Đây cũng là khoản để dành được nhiều nhất hàng tháng của cô nàng. Quỹ tiết kiệm của An Chi có thể dao động lên xuống tùy thuộc vào tình hình công việc và mức chi tiêu hàng tháng.

An Chi cho biết: “Vừa mới ra trường và đi làm nên mình có suy nghĩ khá an phận. Cụ thể hơn, mình vẫn đang đi theo con đường truyền thống là: Đi làm - nhận lương - có một khoản tiết kiệm thì sẽ gửi ngân hàng.

Mục tiêu của mình là tiết kiệm được 100 triệu đồng thì sẽ gửi ngân hàng lấy lãi. Đến khi nào kiếm được 100 triệu đồng tiếp theo thì sẽ tiếp tục gửi vào ngân hàng và không rút ra".

Được biết, với số tiền tích lũy từ tiền dư 7 triệu đồng/tháng như hiện nay, An Chi đang gửi tiết kiệm ⅔ khoản này vào tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, do nhận thức lãi suất ngân hàng đang giảm nên An Chi đã dành một phần tiền mua cổ phiếu, với mức sinh lời tốt nhất có thể chạm đến 5-10% giá trị.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Không đặt mục tiêu tiết kiệm, có bao nhiêu tiền dành hết đầu tư vào bản thân

Trái với suy nghĩ của các bạn trẻ có tiền nhàn rỗi sẽ gửi tiết kiệm hoặc mua vàng, thì có những người vẫn ưu tiên dùng thu nhập tái đầu tư vào bản thân. Thu Hạnh (Hà Nội, 25 tuổi) - một nhân viên truyền thông dành tiền dư hàng tháng để theo đuổi khóa học graphic design và mua máy ảnh nhằm phát triển sự nghiệp của mình.

“Khi đã đi qua độ tuổi 25, mình cảm thấy việc cố gắng nỗ lực tiết kiệm, sau đó có một khoản để dành… thật phí phạm. Không phải mình không trân trọng giá trị của đồng tiền, mà bởi nếu để tiền một chỗ hàng tháng sẽ khiến chúng sinh lời thấp.

Trước đây, mình từng có một khoản tiết kiệm nhỏ nhờ đều đặn gửi ngân hàng bằng số tiền lương không cao hàng tháng. Tuy nhiên, chỉ sau 1 vài biến cố tài chính, số tiền này của mình nhanh chóng hết sạch. Cũng từ đó, mình hiểu bên cạnh tiết kiệm thì cần không ngừng nỗ lực đầu tư vào bản thân, để tiền tự đẻ ra từ công việc của mình”, Thu Hạnh nói.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Cùng quan điểm, Kim Thắng (31 tuổi, Hà Nội) đang làm quản lý nhân sự trong một tập đoàn đa gia quốc gia chia sẻ quan điểm: "Mình vẫn nhớ như in khoảng thời gian 6 năm trước, khi mới ra trường đi làm được vài năm. Tuổi 23-24 nhiều bạn đã có khoản tiết kiệm trăm triệu, xe ô tô, thậm chí có cả nhà riêng và đất đai. 

Mình không phủ nhận sự cố gắng của nhiều người trẻ, nhưng lúc đó những người bạn có của ăn của để đều có hậu thuẫn từ gia đình rất tốt. Bản thân mình cũng thầm ngưỡng mộ họ, và đặt mục tiêu tiết kiệm tiền cho bản thân khi đó: Phải có được cuốn sổ tiết kiệm trăm triệu trước tuổi 25”.

Tuy nhiên, sau khi trải qua những thăng trầm của cuộc sống, Kim Thắng nhận ra suy nghĩ đó sai lầm. Anh cho hay: “Càng được rèn giũa, mình nhận ra được một điều rằng: Ra trường đi làm, còn non nớt, lại từ vạch xuất phát chẳng có hỗ trợ từ gia đình, thì kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ là thứ cần được đầu tư nhiều nhất. Chứ không phải vài con số trong sổ tiết kiệm”.

Cũng vì thế, từ tiền lương hàng tháng, Kim Thắng chỉ dành một chút để trả chi phí sinh hoạt và bỏ vào tài khoản dự phòng cần dùng khi khẩn cấp. Số còn lại, anh chàng tập trung đầu tư cho kiến thức, quan hệ, từ bỏ những ước mơ bé khi trước. Và kết quả, chỉ sau 2-3 tháng, việc kiếm được 100 triệu đồng/tháng đã đến với Kim Thắng.

Tổng kết lại, Kim Thắng cho rằng việc để tiền tiết kiệm không sai, nhưng quan trọng bạn phải có mục đích rõ ràng cho khoản tiền được tích lũy đấy. 

“Lời khuyên năm 30 tuổi của mình, là không ngừng trau dồi bản thân, học thêm ngoại ngữ, học thêm các chuyên ngành liên quan… Trong những năm 20 tuổi, đừng quá chú trọng việc sẽ làm dư được bao nhiêu tiền. Thay vào đó hãy đầu tư để làm tăng giá trị của bản thân, tạo một nền tảng vững chắc cho tương lai sau này'', anh nhận định.

Chỉ có 10 triệu đồng/tháng, thanh niên 20s đang đầu tư vào đâu để ôm mộng “làm giàu

Vân Anh

Tiết kiệm kiểu Konmari: Dọn dẹp cách bạn chi tiêu để cuộc sống thoải mái, ngân sách gọn gàng

Tiết kiệm kiểu Konmari: Dọn dẹp cách bạn chi tiêu để cuộc sống thoải mái, ngân sách gọn gàng

Không đơn thuần là một phương pháp tiết kiệm, 4 quy tắc Konmari còn giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống.