“Món quà Giáng sinh đầu tiên là gì?” - bạn đã bao giờ đặt ra và trả lời câu hỏi này. Có lẽ phần lớn chúng ta khi được hỏi câu này đều nghĩ đến một món quà vật chất, một thứ đồ quý giá nào đó. Và nếu bạn chưa có câu trả lời, hãy đọc “Chiếc hộp Giáng sinh” (The Christmas Box) của nhà văn người Mỹ Richard Paul Evans.
Câu chuyện mở đầu bằng hình ảnh gia đình Richard - Keri và cô con gái nhỏ Jenna, một gia đình nhỏ gặp những khó khăn về chỗ ở khi trở về quê hương lập nghiệp. Căn hộ một phòng ngủ chật chội đến mức cô con gái của họ đã 4 tuổi vẫn được đặt trong chiếc nôi kê vừa khít vào phòng ngủ. Qua một trang báo, hai vợ chồng tìm được ngôi biệt thự cổ của một người phụ nữ độc thân sống trong vùng cần một gia đình có trẻ nhỏ đến ở cùng. Từ đây, ý nghĩa câu chuyện dần được mở ra.
Mary Anne - chủ nhân ngôi biệt thự lộng lẫy ấy đã mất cô con gái duy nhất khi cô bé được 3 tuổi và chưa đêm nào bà nguôi ngoai nỗi nhớ con. Nỗi nhớ ấy được bà gửi gắm vào những bức thư nhuốm màu thời gian đựng trong chiếc hộp Giáng sinh bí mật trên căn gác áp mái của ngôi biệt thự. Sự ra đi của cô con gái khiến bao nhiêu năm Mary đắm chìm trong buồn bã, đau khổ và cô độc, khi không biết thổ lộ lòng mình cùng ai.
Có thể nói, cuộc gặp gỡ giữa gia đình Rachard và bà Mary giống như một định mệnh mà Chúa trời đã sắp xếp. Một bên người phụ nữ dư giả nhưng gần như cả đời sống trong cô đơn, đến tuổi “gần đất xa trời” chợt nhận thấy cần có ai đó để được sẻ chia, được trò chuyện, để yêu thương: “Thật là tuyệt khi có ai đó trong nhà khi những ngày lễ đến”. Còn bên kia là một gia đình trẻ hạnh phúc, ăm ắp tiếng cười trẻ thơ nhưng đang gánh trên vai nỗi lo toan cơm áo gạo tiền. Sự gặp gỡ giữa họ giống như những mảnh ghép trong cuộc sống, bổ khuyết cho nhau những phần thiếu để làm nên một bức tranh tươi đẹp về cuộc sống hạnh phúc.
Sống chung với Mary, càng ngày vợ chồng Richard càng cảm thấy gần gũi với người phụ nữ cô đơn ấy, cảm thấy bà như một người thân trong gia đình: “Em có cảm giác như em đã biết bà ấy cả đời rồi” - Keri nói. “Như là bà mình vậy”, tôi nhận xét. Vợ chồng Richard nhận ra rằng người phụ nữ ấy muốn có người ở cùng là vì bà mong muốn có được cái không khí gia đình chứ không phải vì nhu cầu vật chất. Và điều làm Richard tò mò, muốn khám phá chính là những bức thư ngả vàng trong chiếc hộp Giáng sinh có thể chơi nhạc trên căn gác áp mái của căn biệt thự. Những lá thư chứa đầy tình yêu thương tha thiết, nỗi nhớ nhung của người mẹ đối với con gái mỗi dịp Giáng sinh về. Chủ nhân của những bức thư bí ẩn ấy là ai? Tại sao nó lại được đựng trong chiếc hộp Giáng sinh ấy. Nhưng bí mật dần hé mở cũng là lúc Mary phát hiện có một khối u trong não. Chính trong những ngày tháng ấy, khi Richard tìm hiểu được nguồn gốc những bức thư kia là của bà Mary viết cho cô con gái đã qua đời Andea. Đọc những bức thư nhuốm màu thời gian nhưng chứa chan xúc cảm của người mẹ ấy, Richard đã có câu trả lời cho câu hỏi của bà Mary dành cho anh “có bao giờ anh tự hỏi món quà Giáng sinh đầu tiên là gì không?”. Đấy chính là lời nhắn gửi đầy yêu thương mà bà góa phụ đã gửi đến cho anh, để anh nhận thấy đâu mới là thứ quý giá nhất của cuộc đời. Trải qua mất mát, đớn đau của cuộc đời nên Mary hiểu rõ, dù có kiếm được bao nhiêu tiền, dù cuộc sống vật chất có đầy đủ đến đâu nhưng thiếu sự quan tâm, dành thời gian cho gia đình là ta đã đánh mất món quà quý giá nhất của cuộc đời. Những lo toan thường nhật, những giấc mơ kiếm tiền dần thành công đã phần nào chiếm mất thời gian Richard dành cho gia đình, dành cho cô con gái nhỏ Jenna. Trẻ con luôn ngây thơ, trong sáng những cực kỳ nhạy cảm. Nghe cách cô bé Jenna trò chuyện với bà Mary không ít người trong chúng ta cũng tự soi lại chính mình bởi rất nhiều lúc, giống như Richard, ta mải mê với những lo toan mà xao nhãng sự quan tâm dành cho con cái. Có đôi lúc ta nghĩ cố gắng dành cho con những gì tốt nhất, cố gắng kiếm tiền để lo cho cuộc sống của con mà quên đi rằng, tuổi thơ của con cần nhất là sự gần gũi, chuyện trò của cha mẹ. Và cũng giống như Richard, chắc hẳn cũng không ít người, một ngày nào đó bỗng nhận ra rằng thời gian sẽ đưa tuổi thơ của con đi xa. Và càng lớn thì dường như con càng rời xa vòng tay của mình, cho nên hãy ở bên con, gần gũi với con khi vòng tay mình còn đủ rộng để ôm được nó. “Con gái nhỏ quý giá của tôi. Tôi đã ngu ngốc làm sao, khi để tuổi thơ của nóm tuổi thơ quý giá thoáng qua của nó vô tình trôi đi. Mãi mãi. Trong cái đầu óc khờ khạo của tôi sẽ mà là con gái nhỏ của tôi. Nhưng thời gian đã cho thấy tôi mới lầm lạc biết nhường nào. Một ngày nào đó con bé sẽ lớn. Một ngày nào đó con bé sẽ ra đi, còn tôi bị bỏ lại với ký ức về tiếng cười khúc khích và những điều bí mật mà lẽ ra tôi đã được biết”.
Hiếm có tác phẩm đầu tay của tác giả nào lại giành được vị trí thứ nhất trong top best-seller cho cả ấn bản bìa cứng và bìa mềm của tạp chí New York Times như “Chiếc hộp Giáng sinh” cho dù ban đầu tác giả chỉ định viết câu chuyện như một món quà dành cho hai cô con gái của mình. Ngay từ lần xuất bản đầu tiên (năm 1994) “Chiếc hộp Giáng sinh" đã được bán ra tới hơn 7 triệu bản. Tác phẩm này được dịch ra hơn 20 thứ tiếng với bốn mươi triệu bản được bán ra và còn giành được giải Emmy cho bộ phim truyền hình được dựng cùng tên. Tại Việt Nam, sách được Nhà xuất bản Văn học cùng Công ty Nhã Nam liên kết xuất bản năm 2014 và lập tức trở thành cơn sốt với bạn đọc trong nước. Chính những thông điệp đầy nhân văn mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm đã làm lay động trái tim bạn đọc trên toàn thế giới. Không còn đơn thuần là một tác phẩm viết cho ngày Giáng sinh mà tác phẩm này giống như những nốt nhạc đầy yêu thương và cảm động gieo vào tâm hồn mỗi người, để chúng ta nhận ra rằng món quà quý giá nhất của cuộc sống tình yêu thương.
Ai đã đọc “Chiếc hộp Giáng sinh” có lẽ sẽ có cùng chung nhận xét, tác phẩm này thật sự xúc động dù cả nội dung và văn phong đều vô cùng giản dị. Kết thúc truyện đượm buồn khi bà Mary ra đi vì căn bệnh u não nhưng đằng sau đó vẫn lấp lánh tình yêu thương. Sự ra đi của Mary không gây cho bạn đọc cảm giác nặng nề, u uất mà vô cùng nhẹ nhàng bởi đó là giây phút bà được gặp lại con gái bé bỏng mà suốt đời bà yêu thương, nhung nhớ. Và chiếc hộp Giáng sinh được trao lại cho Richard như một món quà bà để lại, như một lời nhắc nhở hãy luôn trân trọng món quà quý giá nhất cuộc sống - đó là tình yêu thương trong mỗi gia đình.
“Chiếc lọ Giáng sinh diệu kỳ” của Jason F. Wright - cho đi yêu thương, nhân niềm hy vọng
“Chiếc lọ Giáng sinh diệu kỳ” là cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times năm 2015, được First News biên dịch và xuất bản năm 2010