“Chiếc lọ Giáng sinh diệu kỳ” của Jason F. Wright - cho đi yêu thương, nhân niềm hy vọng

“Chiếc lọ Giáng sinh diệu kỳ” là cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times năm 2015, được First News biên dịch và xuất bản năm 2010

Bạn sẽ làm gì vào đêm Giáng sinh? Nếu là một người yêu sách, được cuộn mình trong chăn ấm và nghiền ngẫm một cuốn sách hẳn là ý tưởng không tồi. Có khá nhiều tác phẩm viết về Giáng sinh, nhưng nếu bạn muốn có một cuốn sách nhẹ nhàng thì hãy lựa chọn “Chiếc lọ Giáng sinh diệu kỳ” (Christmas Jars) của tác giả Jason F. Wright.

Câu chuyện bắt đầu vào một ngày cuối năm lạnh giá, một bé gái bị bỏ lại tại trạm điện thoại và Louise được một phụ nữ đơn thân đón về nuôi và đặt tên là Hope (Hy vọng) với mong muốn cuộc đời cô bé sẽ may mắn và hạnh phúc. Năm Hope 23 tuổi, khi đã trở thành một nhà báo nhiều triển vọng lần đầu tiên cô đón Giáng sinh một mình khi mẹ nuôi mới qua đời bởi căn bệnh ung thư. Trong lúc đau buồn, tuyệt vọng vì mất đi người thân yêu duy nhất, lại bị những tên trộm ghé thăm lấy đi những kỷ vật người mẹ nuôi để lại, cô được một ai đó tặng chiếc lọ đựng đầy tiền xu và những tờ đô la. Món quà đó giúp Hope vượt qua giai đoạn khó khăn của cuộc đời và cảm thấy ấm áp, có thêm nhiều hy vọng. Tò mò về món quà bất ngờ thôi thúc Hope đi tìm nguồn gốc. Cuộc tìm kiếm đưa cô đến với gia đình Maxwell, trong vai một cô sinh viên báo chí năm cuối cần sự giúp đỡ để hoàn thành bài luận tốt nghiệp, Hope đã tìm hiểu về bí mật chiếc lọ Giáng sinh.

“Chiếc lọ Giáng sinh diệu kỳ” của Jason F. Wright - cho đi yêu thương, nhân niềm hy vọng

Là một nhà văn, nhà báo tên tuổi, Jason F.Wright dẫn dắt tác phẩm bằng thứ ngôn từ giản dị, súc tích, thậm chí có lúc chân thực như ngôn ngữ báo chí nhưng đủ sức để rung lên những cung bậc cảm xúc trong lòng người đọc. Tác giả đã khéo dẫn dắt câu chuyện của nhân vật chính để bạn đọc thấy hồi hộp như mình đang trong vai “thám tử” điều tra tung tích chiếc lọ. Cuối cũng Hope đã tìm ra chủ nhân và nguồn gốc chiếc lọ - một truyền thống của gia đình ông bà Maxwell từ những ngày còn gian khó. Hope muốn nhiều người biết đến câu chuyện cảm động này và tin rằng bằng qua bài báo ấy mình sẽ trở nên nổi tiếng. Bài báo của cô lên trang nhất, được khen ngợi cũng là lúc trong lòng Hope dâng lên một mặc cảm tội lỗi khi cô thấy mình trở thành kẻ bội tín với gia đình Maxwell. Biết bao lần Hope đã cầm điện thoại định gọi đến cho gia đình Maxwell nhưng nỗi dằn vặt đã ngăn cô lại. Chỉ đến khi, cô muốn tự mình đến chuộc mọi lỗi lầm thì người mà cô mong muốn nói lời xin lỗi lại ra đi đột ngột.

“Chiếc lọ Giáng sinh diệu kỳ” có cả niềm vui, nỗi buồn, sự chia lìa, mất mát. Nhưng giống như một câu chuyện cổ tích, cuối cùng câu chuyện khép lại với một cái kết đầy có hậu. Hope đã đưa ra một quyết định mà chính quyết định ấy đã là thay đổi cuộc đời cô và nhiều cuộc đời khác. Gia đình Maxwell đón cô trong sự yêu thương, cảm thông như đón một đứa con đi xa lâu ngày trở về. Đối với gia đình Maxwell, Hope luôn được dành cho sự yêu thương, cảm thông, chia sẻ tự đáy lòng mỗi thành viên trong gia đình. Ngay cả khi vợ và các con ông Maxwell phát hiện ra thân phận thực sự của Hope thì họ vẫn giấu ông Maxwell, để đến tận lúc ra đi, ký ức của ông về Hope vẫn luôn đẹp đẽ, trong trẻo. Tình yêu thương và sự cảm thông khiến cho cuộc sống trở nên đẹp đẽ, diệu kỳ biết bao nhiêu. Những chiếc lọ Giáng sinh được gửi đi như một thứ tình yêu lấp lánh cứ nhân rộng mãi ra, làm cho thế giới bớt đi bao muộn phiền, làm cho những điều xấu xa phải xấu hổ cúi đầu nhường chỗ cho những gì đẹp đẽ, lung linh nhất.

Được xuất bản lần đầu năm 2005, "Christmas Jars" ngay lập tức lọt vào danh sách bán chạy nhất của The New York Times. Năm 2010, sách được First News biên dịch và xuất bản với tên gọi Chiếc lọ Giáng sinh diệu kỳ và cũng nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả Việt Nam.

Ai đã từng đọc “Chiếc lọ Giáng sinh diệu kỳ”, chắc chắn đều khẳng định đây là một câu chuyện dễ thương, lôi cuốn người đọc và đã khiến không ít trái tim thổn thức. Chiếc lọ không chỉ chứa giá trị vật chất mà hơn hết, chứa đầy tình người, giúp sưởi ấm và tiếp thêm nghị lực sống cho những người thiếu may mắn. Mỗi chiếc lọ được gửi đi giống như một lời cầu chúc những điều tốt đẹp cho ai nhận được nó. Thông điệp mà cuốn sách mang tới vô cùng giản dị: Trong cuộc sống này không có điều gì diệu kỳ hơn tình yêu thương, sự chia sẻ giữa con người với con người. Khi lòng tốt được sẻ chia đồng nghĩa với niềm tin, niềm hy vọng được nhân lên trong cuộc sống. Nó không chỉ giúp cho những người đang gặp khó khăn hoạn nạn cảm thấy ấm lòng khi có được sự quan tâm từ ai đó mà nó còn giúp đánh thức những người đang thờ ơ, bàng quan với nỗi đau của người khác, biến họ thành những con người biết cảm thông, chia sẻ, biết thương yêu. Tình yêu thương giống như một phép màu, soi rọi thứ ánh sáng huyền diệu làm tan chảy cả những trái tim băng giá, đưa con người đến gần với nhau hơn. Tình yêu thương giống như một thứ thần dược, làm lành mọi vết thương, vá víu những trái tim đang rỉ máu và giúp những trái tim ấy reo vang lên khúc ca vui sống.

Cuốn sách khép lại với hình ảnh Hope gặp lại mẹ ruột của mình - người phụ nữ 26 năm trước đã phải dứt ruột bỏ lại đứa con gái mới sinh trong cuộc chạy trốn người chồng vũ phu, liên tục bị bạo hành trong quán Chuck’s vào đêm Giáng sinh. Dư âm đâu đây trong tôi khi đọc xong cuốn sách là sự bình yên trong lòng, là niềm tin yêu vào những điều bình dị trong cuộc sống.

Phạm Ngọc

“Hồn ma đêm Giáng sinh” của Charles Dickens -  có tình yêu thương, băng giá rồi sẽ tan

“Hồn ma đêm Giáng sinh” của Charles Dickens - có tình yêu thương, băng giá rồi sẽ tan

Ra đời năm 1843, đến nay tác phẩm “Hồn ma đêm Giáng sinh” của Charles Dickens vẫn làm lay động trái tim của biết bao bạn đọc trên toàn thế giới