Tờ tin tức South China Morning Post đưa tin, những ngày gần đây, hoạt động kinh doanh tại Trung tâm mua bán Thực phẩm và Chợ ABC Brickworks ở Singapore đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thông tin về một vài ca nhiễm lao (TB) khu vực Bukit Merah xuất hiện tuần trước.
Ngày 11/12, một vài người bán hàng ở khu vực này cho biết, kể từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên, người dân bắt đầu xa lánh, không dám đến mua hàng. Người ta cho rằng căn bệnh này gây chết người và có thể lây nhiễm. Doanh số bán hàng vì thế mà giảm tới 50%.
Anh John Lim, 29 tuổi, làm việc tại một tiệm bánh ở ABC Brickworks, cho biết: "Có thể nói hoạt động kinh doanh thời điểm này còn tệ hơn cả khi xảy ra đại dịch Covid-19. Vì trong thời gian giãn cách, khách hàng vẫn đến mua mang đi. Nhưng lần này, họ thậm chí còn không dám đến đây".
Một người bán hàng chuẩn bị cơm gà tại chợ ABC Brickworks ở Singapore. |
Ông Eric Chua, một nghị sĩ Quốc hội phụ trách khu vực này, đã ghi nhận sự sụt giảm giao thông tại trung tâm ẩm thực và khuyến khích khách hàng quay trở lại.
"Tôi kêu gọi mọi người đừng né tránh chợ ABC Brickworks vì hoạt động kinh doanh ở đây đã bị ảnh hưởng khá nặng nề kể từ khi tin tức về đợt sàng lọc bệnh lao xuất hiện", ông nói.
Đợt sàng lọc trên diện rộng
Việc sàng lọc bệnh lao bắt buộc ở khu vực Bukit Merah đã bắt đầu vào ngày 11/1, sau khi 10 trường hợp nhiễm lao được phát hiện, có liên quan đến một nhóm được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2022.
10 trường hợp này được phát hiện trong khoảng thời gian từ tháng 2 năm 2022 đến tháng 7 năm 2023 và được liên kết với cụm bệnh thông qua phân tích di truyền.
Việc sàng lọc bắt buộc, miễn phí, áp dụng cho những người sống và làm việc tại Khu 1 và Khu 3 Jalan Bukit Merah, những người làm việc tại Trung tâm mua bán Thực phẩm và Chợ ABC Brickworks, cũng như khách hàng và nhân viên của Trung tâm Hoạt động Người cao tuổi Thong Kheng.
Những người thường xuyên đến khu vực này cũng trải qua đợt sàng lọc tự nguyện miễn phí.
Đợt sàng lọc lần này có sự tham gia của các nhân viên của Bộ Y tế Singapore (MOH) và Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NCID). Họ tiến hành sàng lọc từng nhà đối với cư dân địa phương. Một chiếc lều lớn cũng được dựng bên cạnh Khu 3 Jalan Bukit Merah để phục vụ công tác sàng lọc.
Một người dân tham gia hoạt động sàng lọc bệnh lao ở Bukit Merah. |
Phát biểu với giới truyền thông hôm 11/1, Giám đốc nhóm Bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế Singapore, Giáo sư Vernon Lee, cho biết hơn 1.500 người, tương đương 93% những người được xác định sàng lọc bắt buộc, đã đăng ký, trong khi hơn 500 cá nhân khác đã đăng ký sàng lọc tự nguyện.
Ông nói: "Sự khác biệt ở những sàng lọc bắt buộc là nguy cơ phơi nhiễm tiềm ẩn cao hơn so với những người trong diện tự nguyện".
"Chúng tôi khuyến khích tất cả những người đủ điều kiện sàng lọc bắt buộc hoặc tự nguyện đến tham gia để chúng tôi có thể xác định bất kỳ trường hợp mắc bệnh lao tiềm ẩn nào nhằm có phương án chữa trị sớm và phòng ngừa lây lan".
Tổng cộng, cuộc sàng lọc dự kiến sẽ có sự tham gia của khoảng 3.000 người sống và làm việc tại Bukit Merah, Singapore.
"Tất cả các trường hợp mắc bệnh lao đều đã được điều trị và không còn khả năng lây nhiễm. Tuy nhiên, như một biện pháp phòng ngừa bổ sung, chúng tôi đang tiến hành hoạt động sàng lọc bệnh lao để xác định bất kỳ trường hợp nào có thể chưa được phát hiện", Giáo sư Lee cho biết.
"Bệnh lao là bệnh có thể chữa khỏi nếu được điều trị sớm. Vì vậy, chúng tôi muốn xác định bất kỳ trường hợp nào, điều trị sớm và ngăn ngừa lây truyền bệnh lao".
Ông cho biết thêm rằng các nhà chức trách đã tổ chức tuyên truyền, giải thích cho cư dân của các khu nhà bị ảnh hưởng và người làm việc tại chợ thực phẩm để giúp mọi người nắm bắt tình hình, tránh hoang mang.
Sự thật ra sao về bệnh lao?
Ông Yong, một người bán súp tại ABC Brickworks, đã đóng cửa quầy hàng của mình do kinh doanh sa sút. Người đàn ông 69 tuổi (từ chối nêu tên đầy đủ), đã đi kiểm tra bắt buộc vào ngày 11/1. Sau đó, ông quyết định về thẳng nhà.
"Khi thông báo về buổi sàng lọc được phát đi, hoạt động kinh doanh của chúng tôi đã giảm 50%", ông nói. "Vì công việc kinh doanh sa sút như vậy nên tôi cũng muốn nghỉ ngơi và không muốn lãng phí thời gian của mình. Nếu không kiếm được tiền thì tốt nhất nên nghỉ xả hơi. Nguyên liệu tôi dùng để nấu món súp không hề rẻ".
Nhiều khách hàng đã tránh xa Trung tâm mua bán Thực phẩm và Chợ ABC của Singapore sau khi việc sàng lọc bệnh lao cho khu vực này bắt đầu vào ngày 11/1. |
Một người khác có gian hàng bán sa tế và cánh gà mô tả tình hình là "rất, rất tồi tệ". "Không chỉ tôi, mọi cửa hàng đều tệ như vậy. Tôi nghĩ tình hình sẽ tiếp diễn như thế này trong vài tuần. Hy vọng mọi chuyện sẽ sớm tốt hơn", Lim nói và cho biết lượng khách hàng đã giảm 50% so với trước đây. Cá nhân Lim không lo lắng về sức khỏe của mình vì anh đã tìm hiểu về cách lây lan của bệnh lao.
Theo MOH, việc lây truyền vi khuẩn lao từ các ca bệnh thường đòi hỏi phải có sự tiếp xúc kéo dài - phơi nhiễm từ vài ngày đến vài tuần thay vì vài phút đến vài giờ. Cơ quan này cũng cho biết người bình thường không thể mắc bệnh lao khi dùng chung cốc, đồ dùng hoặc thức ăn với người nhiễm bệnh.
Bệnh lao cũng không lây lan qua việc bắt tay, hôn hoặc chạm vào khăn trải giường hoặc bệ toilet.
Đề cập đến thông tin này, ông Loh, một người thường xuyên xuất hiện ở khu vực chợ thực phẩm, cho biết: "Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Bạn chỉ cần đề phòng thôi".
Ông Loh đến khu vực này khoảng 4-5 lần một tuần để thăm họ hàng. Người đàn ông 54 tuổi, làm trong ngành công nghệ, có ý định đi sàng lọc tự nguyện nhưng ông cho rằng dịch bệnh không nghiêm trọng như Covid-19.
"Covid-19 nghiêm trọng hơn vì có nhiều ca nhiễm hơn và lây lan rất nhanh, có thể cảm nhận được tác động trong vài ngày. Vì vậy, lần này có lẽ chúng ta phải thận trọng hơn, nên hãy đeo khẩu trang khi cần thiết".
Bày tỏ quan điểm tương tự, nhà lập pháp Eric Chua nói với giới truyền thông: "Bệnh lao hoàn toàn không giống Covid-19. Nó không dễ dàng lây lan như vậy đâu. Có rất nhiều đồ ăn bình dân ngon ở chợ này".
"Và tôi chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều muốn tiếp tục hỗ trợ những người bán hàng quen thuộc của mình để sinh kế của họ không bị ảnh hưởng quá nhiều".
Trước đó, Bộ Y tế Singapore cho biết bệnh lao có thời gian tiềm ẩn lâu dài và có thể không phát triển thành bệnh trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Những người mắc bệnh lao tiềm ẩn không biểu hiện triệu chứng, không lây nhiễm và không gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Chỉ những trường hợp đang có triệu chứng rõ ràng mới có khả năng lây nhiễm. Singapore ghi nhận 1.251 ca mắc bệnh lao mới vào năm 2022.
Nguồn: SCMP
Singapore thắt chặt các quy định về hàm lượng đường trong đồ uống để ngăn bệnh tiểu đường
Singapore sẽ thắt chặt các quy định về hàm lượng đường trong đồ uống tại các nhà bán lẻ trong nỗ lực kìm hãm sự gia tăng của căn bệnh tiểu đường. Các nhãn Nutri-Grade này sẽ bắt buộc đối với đồ uống mới pha từ ngày 30/12, sau khi được áp dụng cho đồ uống đóng gói từ tháng 12/2022.