Chủ động ứng phó với giai đoạn mới phòng chống dịch COVID-19

Sáng 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lắng nghe Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tính đến trưa nay 23/3, cả nước đã có 116 ca nhiễm COVID-19, trong đó 17 ca được chữa khỏi, 10 ca âm tính trong 1-2 lần xét nghiệm sau điều trị. 39 ca được phát hiện gần đây đều được cách ly ngay từ khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia dự báo, sắp tới sẽ có thêm nhiều ca nhiễm, nhưng nếu những ca đó phát hiện ở khu cách ly tập trung thì không đáng lo.

“Ca nhiễm ở trong cộng đồng thì đó mới là điều đáng lo”, ông Đam nói, dẫn từ báo Zing.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam , phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn và không ít rủi ro, đòi hỏi công tác chống dịch phải tiếp tục được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và phải có các giải pháp phù hợp với thực tiễn dịch bệnh đe dọa lây lan trong cộng đồng.

Những kinh nghiệm, bài học bước đầu có thể rút ra qua giai đoạn 1 cần được tiếp tục phát huy. Cụ thể, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, động viên kịp thời sát sao của Đảng, Nhà nước từ cấp cao nhất, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, đặc biệt là lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và ngành Y tế.

Chúng ta cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ, tham gia của nhân dân. Người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong chống dịch, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng.

Một bài học kinh nghiệm khác là kiên trì nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly- Khoanh vùng - Dập dịch (đặc biệt chú trọng khâu phát hiện) và nguyên tắc 4 tại chỗ, điều trị phân tán.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình  dịch COVID-19 . Ảnh: Zing.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình dịch COVID-19 . Ảnh: Zing.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích, tình hình hiện nay đã có nhiều điểm mới, khác so với giai đoạn ban đầu cần được lưu ý để có giải pháp cụ thể phù hợp. Việc phát hiện, cách ly các trường hợp nghi nhiễm còn khó khăn, nhất là trong trường hợp không thể truy ra nguồn lây trực tiếp (người nhiễm bệnh chưa đi ra nước ngoài, không biết mình có tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh hay không).

Ngoài ra, dù đã chủ động tuyên truyền để người Việt Nam hạn chế về nước, nhưng nếu trong nước kiểm soát tốt dịch bệnh thì sẽ có rất nhiều người Việt Nam muốn về nước. Trong số đó, không ít người có thể đã nhiễm bệnh. Nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây quá tải các cơ sở cách ly và năng lực điều trị.

Dù đánh giá Việt Nam có năng lực chống dịch bệnh tốt hơn nhiều nước đang phát triển, WHO cũng thống nhất nhận định của Bộ Y tế là Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Trong thời đại thông tin trên Internet, nhất là mạng xã hội phát triển mạnh, người dân dễ bị tác động bởi thông tin xấu độc gây hoang mang, thậm chí kích động phân biệt, chia rẽ.

Việc quản lý, mua sắm, sản xuất vật tư, thiết bị (ví dụ khẩu trang y tế) còn không ít vướng mắc, chậm trễ do quá cứng nhắc trong áp dụng các quy định; có nơi chưa quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Việc điều chỉnh chương trình, thời gian, phương thức học (qua mạng) của học sinh còn chưa thật chủ động, thống nhất.

Về các giải pháp, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia cho biết Việt Nam đã ngăn chặn dịch xâm nhập bằng các biện pháp kiểm soát người nhập cảnh như: Từng bước điều chỉnh chính sách thị thực nhập cảnh với các nhóm đối tượng đến từ các nước, khu vực; Điều tiết, hạn chế hàng không; Thực hiện khai báo y tế bắt buộc với khách nhập cảnh. Vận động, khuyến cáo người Việt Nam hạn chế ra nước ngoài, về nước...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định “chúng ta có cơ sở để tin tưởng sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan rộng, hạn chế người tử vong”.

Ngoài ra, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có báo cáo riêng gửi Quốc hội về tình hình dịch bệnh, nhưng phải lường trước rằng kinh tế cả thế giới sẽ rất khó khăn. Việt Nam cũng đặt ra các cân đối lớn, sau đó phải có các gói kích cầu, có biện pháp giải ngân đầu tư cơ bản, đảm bảo an sinh xã hội…

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương