Chuyên gia nói gì về cuộc "khủng hoảng giấy vệ sinh" trên thế giới?

Theo các chuyên gia, việc người dân đổ xô đi mua giấy vệ sinh là do ảnh hưởng của tâm lý đám đông, người khác làm mình cũng phải làm.

Nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt những ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 không chỉ về mặt kinh tế, y tế mà còn là xã hội và nhu yếu phẩm. Một trong những vấn đề thường xuyên diễn ra ở một số nước đến mức khiến chính quyền phải liên tục tìm giải pháp đó là việc han hiếm giấy vệ sinh do người dân mua về tích trữ. 

Giấy vệ sinh trở thành mặt hàng xa xỉ

Ở Nhật Bản, một quốc gia vốn được đề cao tính trung thực giờ đã có thêm một nạn trộm cắp mới, mà là trộm cắp một mặt hàng tưởng chừng giá trị vô cùng nhỏ đó là giấy vệ sinh. Việc này bắt nguồn từ nhiều tin đồn đất nước không còn đủ khả năng sản xuất giấy vệ sinh nữa. Người dân đổ xô đi đến các cửa hàng, siêu thị để mua giấy vệ sinh nhiều đến mức không khác gì đồ ăn hằng ngày. Không ai có thể nghĩ được rằng có một ngày đây lại trở thành món hàng xa xỉ và quý hiếm đến như vậy. Thậm chí do bí bách vì không mua được, người dân một số nơi còn phải vào nhà vệ sinh công cộng để trộm.

Hai cuộn giấy vệ sinh được xích để ngăn mất cắp. 
Hai cuộn giấy vệ sinh được xích để ngăn mất cắp. 

Các nhà sản xuất buộc phải đăng tải hình ảnh về việc sản xuất nhiều giấy vệ sinh nhưng điều này cũng không thể trấn an được người dân. Chưa hết, chính phủ của nước này còn quy định và nhắc nhở người dân kiềm chế không mua quá nhiều giấy vệ sinh. Thậm chí một số nơi còn dán cảnh báo rằng lấy cắp giấy vệ sinh có thể bị báo cảnh sát và xử lý theo pháp luật.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với Austraila khi mà nước này mới chỉ ghi nhận 1 trường hợp tử vong vì virus Covid-19. Nhiều người dân thi nhau đi mua giấy vệ sinh về tích trữ.

Tại Sydney và nhiều thành phố khác, các kệ hàng giấy vệ sinh trong mọi siêu thị trở nên trống trơn. Hình ảnh thường thấy là người mua xếp hàng rồng rắn, đẩy các xe hàng chất đầy loại mặt hàng này. Khi không mua được thì họ chuyển sang ăn cắp, điều này làm số vụ trộm trở nên tăng vọt.

Chuyên gia nói gì về cuộc

Brendan Murphy, người đứng đầu cơ quan y tế tại Australia, phát biểu trước Quốc hội: “Chúng tôi đang cố gắng trấn an mọi người rằng việc mua tất cả số giấy vệ sinh trong bách hóa không phải là phương án hợp lý vào thời điểm này”. Tuy nhiên, lời kêu gọi của chính quyền vẫn trở nên vô nghĩa khi việc mua sắm điên cuồng giấy vệ sinh vẫn diễn ra hằng ngày.

Trên mạng, nhiều người dùng thể hiện sự bất bình lẫn lúng túng khi khó tìm ra giải pháp thay thế cho một mặt hàng vốn thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày.

Không chỉ ở Nhật Bản, tại Úc, mà Mỹ và một số quốc gia khác, giấy vệ sinh cũng là mặt hàng đang được nhiều người mua nhất. Ví dụ như ở Hong Kong, một nhóm người đã tấn công một người giao hàng để cướp 600 bịch giấy vệ sinh trị giá 220 USD.

Các chuyên gia nói gì?

Hành vi đua nhau đi mua giấy vệ sinh dưới góc nhìn của các chuyên gia tiêu dùng là một hành vi bị ảnh hưởng bởi tâm lý bầy đàn và sự tác động của tin tức, truyền thông. Chỉ cần một số ít người dân đi mua, hàng trên kệ hiếm đi, những người khác nhìn thấy vậy cũng phải giục nhau đi mua vì lo sợ trong thời gian tới không có mà mua. Debra Grace, giáo sư tại Đại học Griffith (Australia), cho rằng, sự tác động về thị giác này ăn sâu vào suy nghĩ của từng người và nó còn có “ấn tượng hơn việc 50 lọ nước rửa tay bán hết".

Còn theo PGS Nitika Garg từ Đại học New South Wales (Australia), tình trạng này diễn ra là do hội chứng FOMO (Fear Of Missing Out - tạm dịch: Hội chứng sợ bị bỏ lỡ). Người ta cho rằng hàng xóm mua, những người khác mua thì không có lý gì bản thân lại không mua, chưa kể là nhiều nơi còn nghĩ rằng giấy vệ sinh “có thể thay thế cho giấy ăn, khăn ăn và làm khẩu trang tạm thời”.

Mặc dù Australia chưa có ca nhiễm dịch bệnh nhưng nỗi lo sợ đã nhanh chóng xuất hiện, người dân không đơn thuần lo dự trữ hàng hóa gia dụng, thực phẩm đề phòng cho các thảm họa thiên nhiên như cháy rừng hay lốc xoáy mà họ coi dịch bệnh còn đáng sợ hơn vì chẳng thể biết nó sẽ diễn biến như thế nào. Chính xác là họ muốn tích trữ thật nhiều đồ bởi đó là cách duy nhất để cảm thấy vẫn làm chủ tình hình.

Tiến sĩ Rohan Miller từ Đại học Sydney nhận định tình trạng này là sự phản ánh của một xã hội với lối sống đô thị hóa, nơi sự tiện nghi vốn luôn sẵn có. Mọi người quá quen với sự đầy đủ và không thể thích nghi với sự khan hiếm, việc vội vàng mua giấy vệ sinh tích trữ chỉ là đề phòng.

Vị tiến sĩ này phân tích: "Tôi nghĩ mọi người muốn đảm bảo rằng họ vẫn có một số tiện nghi trong cuộc sống nếu chẳng may thành phố bị cách ly. Giấy vệ sinh không quan trọng bằng đồ ăn hay thức uống, nhưng nhiều người coi đó là món đồ cơ bản nhất cần có”. 

Thanh Mai

Cận cảnh máy sản xuất khẩu trang nhanh nhất thế giới, 1.000 sản phẩm/phút

Cận cảnh máy sản xuất khẩu trang nhanh nhất thế giới, 1.000 sản phẩm/phút

Thiết bị do nhà máy tã và băng vệ sinh lớn nhất tỉnh Quảng Đông phát triển có khả năng may 1.000 chiếc khẩu trang y tế mỗi phút.