Có 50 triệu tiền nhàn rỗi, GenZ nên phân bổ đầu tư thế nào để tối đa hóa lợi nhuận?

Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm, 50 triệu lại chẳng đủ nhiều để mua đất mua nhà, phải làm sao để dòng tiền “không chết”?

Có một câu nói kinh điển của tỷ phú Warren Buffett khi nói đến chuyện đầu tư: "Đừng bỏ hết trứng vào một giỏ", nghĩa là đừng dồn hết nguồn tiền mình đang có vào một thị trường, vì nếu thị trường sập là mình mất tất.

Nếu đang có trong tay một khoản tiền nhàn rỗi, khoảng 50 triệu, nên phân bổ đầu tư thế nào để hạn chế tối đa rủi ro, tăng tối đa lợi nhuận? Đây có lẽ là thắc mắc, băn khoăn chung của không ít bạn trẻ. Dù số tiền nhàn rỗi bạn đang có là bao nhiêu đi chăng nữa, bạn cũng có thể tham khảo cách phân bổ luồng tiền đầu tư "chia trứng vào nhiều giỏ dưới đây.

Nhưng trước tiên, bạn cần hiểu rõ về khái niệm "tiền nhãn rỗi": Đây là khoản tiền mà bạn dám tự tin khẳng định mình sẽ "không động tới" trong một khoảng thời gian nhất định, nên là từ 3 tháng trở nên.

Thử tự hỏi mình xem nếu bây giờ không may xe cộ/điện thoại lăn ra hỏng, hoặc tệ hơn là ốm đau, thất nghiệp, liệu mình có cần dùng tới số tiền mà mình đang nghĩ là "tiền nhàn rỗi" hay không. Nếu tự tin nói "không", đó mới là khoản tiền thực sự "nhàn rỗi" mà bạn nên tính tới chuyện chia nhỏ để đầu tư.

1 - Mua vàng: 35% tổng số tiền nhàn rỗi

Hiện tại, giá vàng vẫn đang ở mức khá cao, gần 80 triệu đồng/lượng. Dẫu vậy, bạn vẫn nên dành ra 35% số tiền nhàn rỗi của mình để mua vàng, vì đây là loại tài sản có khả năng chống lại lạm phát, không lo mất giá. Chưa kể, mua vàng cũng là hình thức đầu tư, tích sản dài hạn, không đi đâu mà thiệt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bạn có thể đợi cho giá vàng bình ổn về mức 66-69 triệu đồng/lượng để mua. Trong thời gian chờ đợi này, hãy gia tăng tiết kiệm để có thể hình thành và duy trì thói quen mua vàng tích lũy lâu dài.

2 - Đầu tư kiến thức cho bản thân: 20% tổng số tiền nhàn rỗi

Việc bạn vẫn còn đang băn khoăn chưa biết nên đầu tư số tiền nhàn rỗi của mình vào đâu, hay phân bổ luồng tiền này để đầu tư thế nào cho hiệu quả,... chính tín hiệu "phải đi học ngay đi" mà Vũ Trụ đang nhắn nhủ đấy!

Chi tiền để đi học cũng là một hình thức đầu tư vì bổ sung kiến thức chẳng bao giờ là thừa. Bạn có thể cân nhắc đi học các khóa đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực nghề nghiệp mà bạn đang theo đuổi, từ đó đặt mục tiêu cải thiện hoặc đa dạng hóa thu nhập.

Trong trường hợp bạn đang hứng thú với một thị trường đầu tư nhưng kiến thức về thị trường lại hoàn toàn bằng 0, việc đi học là quyết định không thể đúng đắn hơn. Có kiến thức không đảm bảo chúng ta đầu tư luôn thành công, nhưng không có kiến thức thì dễ thất bại, dễ trắng tay hơn nhiều.

Nói thế nào đi chăng nữa, đầu tư kiến thức cho bản thân vẫn là khoản đầu tư không bao giờ lỗ vốn.

3 - Gửi tiết kiệm: 30% tổng số tiền nhàn rỗi

Hẳn là bạn đang thắc mắc: Lãi suất gửi tiết kiệm đang giảm, tại sao lại dùng tiền nhàn rỗi để gửi tiết kiệm?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Câu trả lời rất đơn giản thôi: Vì đây là tiền nhàn rỗi - Khoản tiền mà bạn chưa có ý định sử dụng ở hiện tại nhưng về lâu về dài, khả năng cao bạn vẫn có thể cần đến nó. Nếu mang hết tiền đi đầu tư, đến lúc cần, hoặc là bán tháo tài sản đầu tư và chịu lỗ, hoặc là bấm bụng đi vay. Như vậy chẳng phải là mình tự chặn đường mình hay sao?

Mục đích chính của việc dùng một phần tiền nhàn rỗi để gửi tiết kiệm không phải là sinh lời, mà chính là chừa một đường lui cho bản thân.

Trong trường hợp này, bạn nên gửi tiết kiệm với thời hạn ngắn, khoảng 1 tháng hoặc 3 tháng. Thậm chí, bạn có thể chia 30% số tiền nhàn rỗi này thành 2 tài khoản tiết kiệm với thời hạn gửi khác nhau để tới lúc cần, chỉ phải rút trước 1 khoản, khoản kia vẫn còn nguyên và nhận đủ tiền lãi.

4 - Đầu tư chứng khoán: 15% tổng số tiền nhàn rỗi

Tính đến tháng 2/2024, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã tăng điểm 6 phiên liên tiếp. Đà tăng thực tế đã bắt đầu từ giữa tháng 12/2023 và gần như không bị gián đoạn, ngoại trừ một quãng nghỉ ngắn vào cuối tháng 1.

Khi lãi suất tiết kiệm giảm, các kênh đầu tư khác như bất động sản có những giới hạn nhất định về quy mô vốn lớn, tính thanh khoản thấp… thì thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ sôi động trở lại. Bối cảnh này là một tín hiệu đáng mừng với những "chứng sĩ" non trẻ.

Trong trường hợp bạn chưa có kiến thức về TTCK nói chung và việc đầu tư chứng khoán nói riêng, hãy đọc lại gạch đầu số 2.

Thị trường tiềm năng đã có, mình lại đang "sẵn tiền", tội gì mà không đi học để có kiến thức và bắt đầu đầu tư, đúng không?

Ngọc Linh

Hội GenZ có khát vọng làm giàu tranh cãi kịch liệt trước quan điểm “Còn trẻ thì không nên chơi chứng khoán”

Hội GenZ có khát vọng làm giàu tranh cãi kịch liệt trước quan điểm “Còn trẻ thì không nên chơi chứng khoán”

Trên kênh TikTok 389.800 người theo dõi của mình, Huy Đào khẳng định chắc nịch: “Càng còn trẻ, càng không nên chơi chứng khoán”.